Ông Carpio đưa ra cảnh báo này trong cuộc trả lời phỏng vấn trong chương trình Headstart của kênh tin tức ABS-CBN hôm 11-6.
“Những nỗi sợ đó hợp lý bởi vì hai điều: Trung Quốc có một đội quân trên mạng và ngay bây giờ họ thậm chí ở trong không gian mạng của chúng ta. Họ ở trên các tờ báo trực tuyến của chúng ta đưa ra tất cả các loại bình luận. Họ công khai làm điều đó vì thế họ tác động đến đội quân trên mạng của mình. Thứ hai, họ cũng có thể đóng góp tiền cho ứng cử viên mà họ lựa chọn, vì vậy mối đe dọa của Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2022 của chúng ta là rất thật”, ông Carpio nói.
Được mệnh danh Đội quân 50 xu, thuật ngữ này được sử dụng để mô tả các bình luận viên Internet được cho là do chính phủ Trung Quốc tuyển dụng trong một nỗ lực nhằm thao túng dư luận.
Một báo cáo năm 2017 của Đại học Harvard cho biết Trung Quốc “bịa đặt và đăng khoảng 448 triệu bình luận trên mạng xã hội mỗi năm”.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: DW
Trong cuộc phỏng vấn, ông Carpio cho biết Biển Tây Philippines (tên Philippines dùng để gọi Biển Đông) chắc chắn là một vấn đề trong cuộc bầu cử sắp tới khi các ứng cử viên tổng thống được hỏi về quan điểm của họ trong vấn đề này.
Theo ông Carpio, cử tri Philippines sẽ xem xét hồ sơ của các ứng viên trong quá khứ, bởi trong quá trình tranh cử, họ có thể luôn khẳng định phán quyết của Tòa Thường trực năm 2016, vốn đem lại chiến thắng cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông, nhưng có thể “quay ngược 180 độ như khi Tổng thống (Rodrigo) Duterte giành chiến thắng”.
Ông Duterte đã từ chối viện dẫn chiến thắng của Manila tại Tòa Trọng tài được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn vào năm 2016, vốn bác bỏ toàn bộ các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.
“Chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng mọi ứng viên về những gì họ nói trong chiến dịch và cả trong quá khứ để xem họ có nhất quán hay không”, ông Carpio nói.
Cựu Phó Chánh án Tòa Tối cao Philippines nói rằng Trung Quốc có kế hoạch áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông có nghĩa là họ sẽ sớm chiếm bãi cạn Scarborough và thiết lập một căn cứ không quân và hải quân ở đó.
Ông Carpio cho biết Philippines có thể làm rất nhiều để bảo vệ các quyền của mình ở Biển Đông. Một trong số đó là tham gia các công ước với Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia, hoặc các quốc gia ven biển bị ảnh hưởng bởi yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc.
Theo ông Carpio, Philippines cũng có thể tham gia các cuộc tuần tra vùng đặc quyền kinh tế cùng với các nước ven biển, và nên ủng hộ những chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông của các cường quốc hải quân.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với đài ABS-CBN, ông Carpio đã đề xuất chính phủ nước này kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) về vụ tàu cá Gem-Vir 1 của Philippines bị tàu Yuemaobinyu 42212 của Trung Quốc đâm chìm gần bãi Cỏ Rong, phía đông bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào ngày 9-6-2019.
Tuy nhiên, ông Carpio thừa nhận rằng một động thái như vậy là rất xa vời do chính sách hiện tại của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte với Trung Quốc.
Tờ Inquirer ngày 11-6 đưa tin trong một bức thư gửi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Tổng thống Duterte đã kêu gọi tăng cường hơn nữa “quan hệ đối tác gần gũi” giữa Manila và Bắc Kinh.