Trên con đường ấy còn đang hình thành các thiết chế văn hóa nghệ thuật - tiền đề làm nên con đường bảo tàng độc đáo trong tương lai không xa.
Độc đáo những tác phẩm nghệ thuật
Cạnh cầu Trường Tiền, không gian trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị ở số 17 Lê Lợi, TP Huế, là nơi lưu giữ và trưng bày gần 500 tác phẩm nghệ thuật - món quà vô giá nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị trao tặng cho Huế trước khi qua đời. Lạc vào không gian ấy, người xem sững sờ trước những điều thật đơn giản, nhưng chứa đựng sự thâm trầm của một bản lĩnh từng trải gửi gắm qua từng tác phẩm nghệ thuật.
Ông Phan Đình Hối, nguyên cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Huế, người nhiều năm gắn bó với nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, tâm sự: “Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị có quan niệm nghệ thuật rất đơn giản nhưng ẩn chứa nội lực thâm hậu như bảy mẫu tự do bà sáng tạo. Các mẫu tự của bà có đặc điểm không góc cạnh, luôn có những đường cong để làm mềm những mắt xích nối ghép. Những đường cong ấy gợi cho người xem nhớ về mẹ, về nguồn gốc vạn vật, nhớ về cái âm, sự sinh sôi để tạo dựng ra thế giới này. Một số tác phẩm gợi tưởng đến phái nữ, nhưng không gợi dục mà mang tính bái vật trong tín ngưỡng mẫu hệ xa xưa”.
Theo ông Hối, điều khác biệt nhất, đặc sắc nhất và kỳ diệu nhất trong điêu khắc Điềm Phùng Thị là 7 modules do bà sáng tạo. Đó là chìa khóa mở ra mọi cánh cửa hay là những chất liệu đơn giản mà bí ẩn, có sức mạnh, có khả năng biến hóa và sáng tạo nên vạn vật hữu hình từ những ý tưởng sáng tạo vô hình. Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị gọi là 7 ký hiệu. Nhà phê bình nghệ thuật Raymond Cogniat gọi 7 mẫu tự. GS. Trần Văn Khê gọi 7 nốt nhạc… Nhưng gọi bằng tên gì, 7 modules ấy được lắp ghép và biến tấu đã tạo nên một ngôn ngữ điêu khắc mang tên Điềm Phùng Thị, vừa hiện đại kiểu phương Tây nhưng thấm đẫm chất Đông phương và sâu lắng hồn Việt.
Gần đó, không gian trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng tại số 15 Lê Lợi, đang lưu giữ và giới thiệu 407 tác phẩm danh họa Lê Bá Đảng tặng cho Thừa Thiên - Huế. Trong đó, 362 tác phẩm sáng tác với nhiều chất liệu phong phú, đa thể loại; nhiều bộ sưu tập độc đáo, giàu bản sắc văn hóa và phong phú về đề tài và 45 tranh, tư liệu của một số họa sĩ nổi tiếng trên thế giới như Picasso, Matta, Pignon… vợ chồng danh họa sưu tập được. Những tác phẩm có một không hai này được trưng bày rất đẹp mắt, sang trọng và hấp dẫn ở 2 tầng của tòa nhà biệt thự cổ kiến trúc Pháp mang phong cách hiện đại.
“Danh họa Lê Bá Đảng từng tổ chức nhiều chương trình triển lãm, sáng tác và hoạt động mỹ thuật tại Huế cùng nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Danh họa Lê Bá Đảng qua đời ngày 7-3-2015 tại Paris, Pháp. Nhưng với Huế, ông đã và sẽ còn sống dài hơn cuộc đời của mình” - bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế, chia sẻ và cho biết danh họa Lê Bá Đảng còn nhiều dự định và ấp ủ chưa làm được cho Huế và Việt Nam. Ông luôn đau đáu làm sao để xây dựng cho được một nền mỹ thuật của riêng Việt Nam.
Không gian văn hóa nghệ thuật
Không gian văn hóa nghệ thuật
Đường Lê Lợi có từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc lập các trại thủy sư nhà Nguyễn (1802-1945) đóng ở bờ Nam sông Hương. Từ 1943 trở về trước, người Pháp đặt tên là đường Jules Ferry, dân gian gọi đường Thủy sư, sau năm 1965 đổi thành đường Lê Lợi cho đến nay. Cùng với đó, các thiết chế văn hóa nghệ thuật theo không gian mở trên trục tuyến đường này (đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân) đã và đang gắn kết hài hòa thành chuỗi hệ thống gồm: Công viên tượng cụ Phan Bội Châu; không gian trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị - Trung tâm Văn hóa thể thao TP Huế; Bảo tàng nghệ thuật thêu XQ; không gian trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị - Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán. Đây là mô hình tổ chức mới ở Việt Nam, liên kết giữa tác giả sáng tạo nghệ thuật và phát huy sự quản lý của Nhà nước.
Tuy nhiên, giải pháp khai thác cụ thể các giá trị văn hóa này đang còn manh mún, riêng lẻ, chưa có yếu tố kết nối thành khu nghệ thuật trên trục đường thuộc phạm vi nghiên cứu của Đề án Không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm TP Huế, được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt từ năm 2018. Ngoài ra, khi trụ sở UBND tỉnh (16 Lê Lợi) dự kiến dời về trung tâm hành chính tập trung, nơi đây sẽ trở thành Bảo tàng Mỹ thuật Huế hoặc một thiết chế văn hóa - du lịch, dịch vụ.
Bà Đinh Thị Hoài Trai cho biết, việc hình thành không gian văn hóa nghệ thuật bên bờ sông Hương hứa hẹn khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế của thương hiệu Huế để tạo thành các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, lịch sử hấp dẫn và phong phú. Tạo động lực phát triển bền vững ngành kinh doanh dịch vụ, du lịch khu vực trung tâm, kết hợp khu phố Tây để mở rộng cho toàn tuyến đường Lê Lợi. Hạn chế hiện nay là các bảo tàng và 2 không gian trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị dù mở cửa tất cả ngày trong tuần nhưng chỉ mở cửa ban ngày còn ban đêm đóng cửa, nên chưa khai thác hết tối đa lợi thế.
Để gỡ nút thắt này, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đang lên kế hoạch mở cửa 2 không gian trưng bày về đêm và kêu gọi các đơn vị lữ hành đưa vào tour tham quan. “Khi các không gian trưng bày ở tuyến đường này cùng mở cửa, bật đèn chiếu sáng về đêm sẽ hút khách cùng việc tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, liên kết không gian phố đêm dọc bờ sông Hương để tuyến phố này trở thành điểm nhấn về đêm” - bà Trai nói và cho biết đang tập trung sưu tập tác phẩm mỹ thuật để phục vụ nội dung trưng bày cho không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật, là 1 trong 3 không gian trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Huế.
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định chuyển bàn thờ, di ảnh cùng gần 500 tác phẩm của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị về trưng bày tại khu nhà biệt thự kiến trúc Pháp đẹp nhất ở ven sông Hương. Trước đó vào năm 2006, tỉnh Thừa Thiên - Huế còn giao trụ sở Sở Tài chính cho danh họa Lê Bá Đảng thành lập Trung tâm nghệ thuật mang tên ông. |