S&P 500 tăng 2 tuần liên tiếp
Kết thúc phiên giao dịch, S&P 500 sụt 0.5%, xuống còn 4,327.78 điểm. Nasdaq Composite rớt 1.23%, còn 13,407.23 điểm. Ngược lại, chỉ số Dow Jones tiến 0.12%, tương đương 39.15 lên 33,670.29 điểm.
Tuần qua, cả S&P 500 và Dow Jones đều khởi sắc. Theo đó, S&P 500 cộng 0.45% và đánh dấu đà tăng 2 tuần liền, trong khi Dow Jones thêm 0.79%. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq giảm 0.18%.
Thị trường rút khỏi các mức cao nhất trong phiên sau khi số liệu tâm lý tiêu dùng được công bố vào sáng thứ Sáu. Cụ thể, cuộc khảo sát được theo dõi sát sao của Đại học Michigan cho thấy số liệu tâm lý tiêu dùng sơ bộ giảm trong tháng 10 trong khi kỳ vọng lạm phát tăng vọt.
Chỉ số S&P 500 chạm đáy trong phiên giao dịch khi giá dầu tăng vọt trước lo sợ rằng cuộc xung đột giữa Israel - Hamas có thể khiến căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông leo thang
Giá vàng tương lai nhảy vọt 3.11%, và ghi nhận phiên tăng giá mạnh nhất trong năm nay, tức kể từ ngày 1/12/2022
Các nhà đầu tư cũng theo sát lợi suất trái phiếu với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm khoảng 9 điểm cơ bản còn 4.62%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm cũng sụt 1 điểm cơ bản còn 5.05%.
Adam Turnquist, Trưởng bộ phận chiến lược kỹ thuật tại LPL Financial, cho biết: “Lãi suất vẫn đang trong tầm kiểm soát và đó thực sự là đà phục hồi mà chúng ta đang chứng kiến từ thứ Sáu tuần trước. Có một số dấu hiệu ban đầu cho thấy, về mặt kỹ thuật, chúng ta đang chứng kiến một đợt điều chỉnh, nhưng… chúng ta vẫn cố gắng chống chọi với xu hướng tăng của lợi suất kỳ hạn dài hạn hơn.”
Trừ khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm lùi về sát mức 4.35%, Turnquist cho biết thêm ông nhận thấy một “thị trường đầy thách thức và có thể biến động khi chúng ta nhìn về tháng 10 sắp tới.”
Mặc dù vẫn còn hơi thận trọng về cổ phiếu nhưng nhà đầu tư cũng lạc quan rằng chứng khoán có thể tăng trong quý 4 nếu lợi suất giảm trở lại và lãi suất xuống thấp hơn.
Một loạt báo cáo khá tích cực từ các tập đoàn tài chính lớn đã khởi động mùa công bố lợi nhuận quý 3. Cổ phiếu của JPMorgan Chase tiến 1.5% và Wells Fargo cộng 3%, trong khi Citigroup hạ 0.2% và BlackRock mất 1.3%.
Giá dầu tăng gần 6%
Khép phiên, dầu thô WTI của Hoa Kỳ nhảy vọt 5,8% lên mức 87,7 USD/thùng, đồng thời đánh dấu phiên tốt nhất kể từ ngày 3/4. Trong khi đó, giá dầu thô Brent tăng mạnh 4,89 USD, tương đương 5,7%, lên 90,89 USD/thùng.
Dầu thô WTI đã tăng hơn 4% trong tuần này, ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ ngày 1/9.
Xung đột giữa Israel - Hamas đã làm dấy lên lo ngại rằng giao tranh có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất năng lượng trong khu vực. Trung Đông chiếm hơn 1/3 thương mại đường biển toàn cầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế hôm thứ Năm mô tả các điều kiện thị trường là “đầy bất ổn” nhưng cho biết cuộc xung đột vẫn chưa có tác động trực tiếp đến nguồn cung vật chất.
IEA đã tìm cách xoa dịu những lo ngại của thị trường bằng cách cho biết họ sẵn sàng hành động để đảm bảo thị trường vẫn “được cung cấp đầy đủ” trong trường hợp nguồn cung đột ngột bị thiếu hụt.
Phản ứng của cơ quan năng lượng bao gồm các quốc gia thành viên giải phóng kho dự trữ khẩn cấp và/hoặc thực hiện các biện pháp hạn chế nhu cầu.
Mặt khác, hôm thứ Năm, Mỹ đã thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Nga, hạn chế hai công ty vận tải mà họ cho rằng đã vi phạm giới hạn giá dầu của G7, một cơ chế được thiết kế để duy trì nguồn cung cấp đáng tin cậy cho dòng dầu của Nga trên thị trường trong khi hạn chế nguồn cung chiến tranh của Điện Kremlin.
G7, Úc và EU đã áp dụng mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu của Nga vào ngày 5/12 năm ngoái. Nó diễn ra cùng lúc với động thái của EU và Anh nhằm áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Wally Adeyemo cho biết động thái hạn chế doanh số bán dầu của Nga “thể hiện cam kết liên tục của chúng tôi nhằm giảm nguồn tài nguyên của Nga cho cuộc chiến chống Ukraine và thực thi giới hạn giá.”