S&P 500 tiếp tục lập kỷ lục mới
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 nhích 0,05% lên 6,049.88 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite thêm 0,40% lên 19,480.91 điểm, đạt mức cao kỷ lục mới trong phiên khi cổ phiếu Apple chạm đỉnh mới trong 52 tuần. Cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục mới. Trong khi, chỉ số Dow Jones sụt 76.47 điểm, tương đương 0,17%, còn 44,705.53 điểm.
Terry Sandven, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu tại U.S. Bank Wealth Management cho rằng: “Chứng khoán Mỹ đang có xu hướng đi ngang vào ngày hôm nay trước khi có báo cáo việc làm vào ngày 6/12, báo cáo này có thể cung cấp thông tin chi tiết về những gì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể làm sau cuộc họp Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào ngày 17 và 18/12.”
Chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Kể từ cuộc bầu cử ngày 5/11, S&P 500 đã tăng 4,6%, còn Nasdaq Composite nhảy vọt 5,7%. Dow Jones bứt phá 5,9% kể từ đó.
Dữ liệu kinh tế được công bố vào ngày thứ Ba cho thấy số vị trí được tuyển dụng tăng trong tháng 10 so với tháng 9. Số vị trí tuyển dung đạt tổng cộng 7.74 triệu vị trí, vượt dự báo 7.5 triệu vị trí từ Dow Jones.
Đây là dữ liệu đầu tiên trong loạt dữ liệu được công bố trong tuần này có thể cung cấp thông tin chi tiết về tình hình thị trường lao động. Sự kiện chính sẽ là báo cáo việc làm chính thức tháng 11 sẽ công bố vào ngày 6/12.
Dữ liệu việc làm được công bố trước cuộc họp chính sách của Fed vào ngày 17-18/12. Theo công cụ CME FedWatch, thị trường dự báo xác suất 72% ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp.
Dầu tăng hơn 2% trước cuộc họp của OPEC+
Khép phiên, hợp đồng dầu Brent nhích 1.79 USD, tương đương 2,49%, lên 73.62 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1.84 USD, tương đương 2,7%, lên 69.94 USD/thùng.
OPEC+ có khả năng sẽ nhóm họp vào ngày 05/12 để gia hạn đợt cắt giảm sản lượng dầu mới nhất cho đến hết quý 1/2025, 4 nguồn tin của OPEC+ cho biết với Reuters, nhằm hỗ trợ thêm cho thị trường dầu mỏ.
Chuyên gia phân tích Ole Hansen của Saxo Bank nói với Reuters rằng: “Giá dầu thô có vẻ đang chững lại, khi nhà đầu tư không muốn tham gia trước cuộc họp của OPEC+ vào ngày 5/12, kết quả cuộc họp có thể quyết định hướng đi – nếu có – trước khi kết thúc năm.”
OPEC+, vốn chiếm khoảng 50% sản lượng dầu của thế giới, đang tìm cách dần dần nới lỏng các biện pháp cắt giảm sản lượng cho đến năm 2025.
Tuy nhiên, triển vọng thặng dư thị trường dầu đã gây áp lực giảm giá, với giá dầu Brent bốc hơi gần 6% so với mức trung bình của tháng 12/2023.
Các chuyên gia phân tích và nghiên cứu cũng cho biết triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu vẫn yếu, với lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc có khả năng đạt đỉnh vào đầu năm tới, khi nhu cầu nhiên liệu vận tải bắt đầu giảm.
Ả-rập Xê-út, quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, được dự báo sẽ cắt giảm giá dầu thô cho người mua châu Á xuống mức thấp nhất trong ít nhất 4 năm.
Mối lo ngại rằng Fed có thể không hạ lãi suất tại cuộc họp tháng 12 cũng kìm hãm giá dầu.