
Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones lao dốc 816,80 điểm, tương đương 1,91% xuống 41.860,44 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 1,61% còn 5.844,61 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 1,41% xuống 18.872,64 điểm.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm gần nhất giao dịch quanh mức 5,09%, chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2023. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giao dịch ở mức 4,59%.
Trái phiếu dài hạn bị bán tháo khi nhà đầu tư lo ngại rằng dự luật ngân sách mới sẽ làm trầm trọng thêm thâm hụt của Mỹ. Dự luật này dự kiến sẽ được thông qua khi các nhà lập pháp đạt được sự thoả hiệp về các khoản khấu trừ thuế của tiểu bang và địa phương trước thời hạn nghỉ lễ Tưởng niệm (Memorial Day) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson. Lợi suất tăng vọt thậm chí còn cao hơn sau phiên buổi chiều cho trái phiếu kỳ hạn 20 năm, làm dấy lên lo ngại rằng nhà đầu tư có thể mất đi hứng thú trong việc tài trợ cho các khoản thâm hụt của Mỹ.
Sam Stovall, Giám đốc chiến lược đầu tư tại CFRA Research, nhận định: “Câu hỏi hiện tại là, xét về góc độ tài chính, dự luật thuế sẽ như thế nào và liệu nó có phá vỡ toàn bộ sự tiết kiệm tài chính gần đây chỉ bằng cách tăng mức trần nợ với tốc độ chậm hơn không? Vì vậy, tôi nghĩ đó là lý do tại sao lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng cao hơn – vì nhà đầu tư lo ngại rằng chúng ta thực sự không làm gì cả để làm chậm tốc độ lạm phát và giảm nợ.”
Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt vào tháng trước do lo ngại về chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm giảm niềm tin vào tính trú ẩn an toàn của trái phiếu Mỹ. Trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vào tháng 4/2025 đã vọt từ mức dưới 3,9% lên hơn 4,5% chỉ trong vài ngày. Lợi suất đã giảm từ mức đó sau khi ông Trump tuyên bố hoãn thời điểm áp thuế.
Cổ phiếu Target “bốc hơi” 5,2% sau khi công ty bán lẻ cắt giảm triển vọng doanh số cả năm, với các giám đốc điều hành cho rằng do sự không chắc chắn về thuế quan và phản ứng dữ dội đối với sự sụt giảm của công ty trong các nỗ lực đa dạng, công bằng và hoà nhập. Cổ phiếu UnitedHealth, cổ phiếu thành phần thoạt động kém nhất thuộc Dow Jones, rớt 5,8%, sau khi HSBC hạ bậc tín nhiệm cổ phiếu này. Cổ phiếu công nghệ lớn là Apple và Amazon cũng giảm khi lợi suất tăng.
Dự trữ dầu thô tăng mạnh
Giá dầu vào đầu phiên tăng 1% sau báo cáo rằng Israel có thể chuẩn bị tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông.
Khép phiên, hợp đồng dầu Brent rớt 47 xu, tương đương 0,72% xuống 64,91 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 46 xu, tương đương 0,74% còn 61,57 USD/thùng.
Vào thứ Tư, dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô, xăng và các sản phẩm chưng cất của Mỹ đều bất ngờ tăng trong tuần kết thúc ngày 16/05/2025.
Cụ thể, dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng 1,3 triệu thùng, còn dự trữ xăng cộng 800.000 thùng và dự trữ các sản phẩm chưng cất tăng 600.000 thùng.
Dữ liệu này khiến giá các hợp đồng dầu thô tương lai chuyển sang sắc đỏ sau khi tìm thấy sự hỗ trợ vào đầu phiên từ tin tức tình báo của Mỹ cho rằng Israel đang chuẩn bị tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, CNN cho biết.
CNN cho biết thêm vẫn chưa rõ liệu các nhà lãnh đạo Israel đã đưa ra quyết định cuối cùng hay chưa.
Xét đến việc Iran xuất khẩu hơn 1.5 triệu thùng/ngày, nỗi lo về sự gián đoạn nguồn cung đã góp phần đẩy giá dầu tăng cao.
Iran là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 3 trong số các thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), và một cuộc tấn công của Israel có thể làm đảo lộn dòng chảy dầu từ quốc gia này.
Cũng có lo ngại rằng Iran có thể trả đũa bằng cách chặn dòng tàu chở dầu qua eo biển Hormuz, nơi Ả-rập Xê-út, Kuwait, Iraq và Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) xuất khẩu dầu thô và nhiên liệu.