Phòng, chống ma túy phải đưa vào chương trình ngoại khóa

(ĐTTCO) - Vào thử Goolge, truy cập vào mục “ma túy ở Việt Nam”, chỉ sau 0,52 giây Goolge báo cho biết có gần 3.900.000 thông tin liên quan. Con số thông tin như thế cực lớn.   

Một người bị ngáo đá tự leo lên cột điện.
Một người bị ngáo đá tự leo lên cột điện.
Càng những ngày gần tết số vụ vận chuyển ma túy bị phát hiện càng nhiều, số vụ sử dụng ma túy trong các quán bar, hẻm phố bị bắt cũng tăng cao. Chuyện người ngáo đá leo lên cột điện cao thế khiến cả khu phố nháo nhào, cha ném con từ nóc nhà xuống đất, cướp của, hiếp dâm vì ma túy dường như trở thành chuyện thường ngày. Ma túy đang từng ngày, từng giờ tàn phá mỗi gia đình, mỗi làng xóm và đời sống yên lành của toàn xã hội.
Nếu vẽ bản đồ mô tả tình hình sản xuất, tàng trữ, sử dụng ma túy, sẽ thấy trước đây việc buôn bán và tiêu thụ ma túy tập trung chủ yếu ở vùng cao phía Đông Bắc giáp ranh với Trung Quốc, và Tây Bắc giáp với Lào - những nơi một thời nổi tiếng sản xuất thuốc phiện và trồng nhiều cây thuốc phiện nhất - sau đó lan dần đến các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, và những năm gần đây lan ra khắp nông thôn, thành phố, thị xã nhỏ. Còn đối tượng sử dụng ma túy lúc trước thường khoanh lại ở vài đối tượng cá biệt, nay có thể thấy ở khắp thành phần xã hội, từ tài xế, học sinh, sinh viên, công chức, trí thức, doanh nhân, công nhân…
Những năm qua, lực lượng chức năng bộ đội biên phòng, công an đã phá rất nhiều vụ án lớn, có những vụ lên đến hàng tấn ma túy, nhiều đối tượng chủ mưu bị tử hình, chung thân, nhưng ma túy thâm nhập vào Việt Nam không hề giảm. Câu hỏi đặt ra, ma túy từ các ngả biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia và từ đường hàng không, đường bưu điện vào nội địa rồi đi đâu? Số ma túy đó tiếp tục chảy sang các nước khác hay được tiêu thụ trong nước? Đây là câu hỏi cực kỳ quan trọng, nếu nhận thức không trúng sẽ đưa ra các giải pháp không sát, và hệ quả mang lại rất nguy hiểm không chỉ cho hôm nay còn cho con cháu mai sau. 
Cách nay 15 năm, nhiều chuyên gia đã nhận định Việt Nam là thị trường tiêu thụ ma túy và sẽ nhanh chóng trở thành “chợ ma túy” của khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó các cơ quan chức năng xác quyết rằng Việt Nam chủ yếu là nơi trung chuyển ma túy qua các nước khác, có tiêu thụ nhưng không nhiều, chủ yếu là ở một bộ phận thanh niên hư hỏng. Cho đến nay, quan điểm này về cơ bản vẫn không thay đổi, dù trong thời gian gần đây có nhấn mạnh thêm tiêu thụ ma túy nội địa là nghiêm trọng. 
Có thể nói các lực lượng chống ma túy đã thành công rất lớn trong việc chống xâm nhập ma túy. Nhưng thực tế diễn biến hơn 15 năm qua cho thấy Việt Nam không chỉ là nơi trung chuyển, mà là địa bàn tiêu thụ ma túy với quy mô lớn. Số lượng ma túy và số vụ vận chuyển ma túy ra khỏi biên giới nước ta ít hơn nhiều lần so với số ma túy tàng trữ, buôn bán trên thị trường. 
Theo thông tin báo chí, vụ chuyển ma túy sang Hàn Quốc bị phát hiện ngày 19-7-2020 được giấu trong các kiện đá hoa cương xuất khẩu, được coi là lớn nhưng cũng chưa đến 50kg. Trong khi đó, riêng năm 2020 lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ 24.548 vụ, 36.404 đối tượng phạm tội, thu giữ trên 738kg heroin; trên 3,4 tấn và trên 2 triệu viên ma túy tổng hợp, 254kg cần sa… Điều này cho thấy việc phòng và chống trong nước chưa đủ mạnh, trong khi tình hình diễn ra ngày càng phức tạp và khó kiểm soát, ma túy có chiều hướng lan rộng khắp nơi, len lỏi vào cộng đồng dân cư, từng gia đình. Trong khi lực lượng chức năng hướng mắt lên biên giới, bọn tội phạm trong nước đã sản xuất ra hàng trăm sản phẩm gây nghiện từ chính những loại thuốc trong danh mục được lưu hành của Bộ Y tế và bày bán công khai trong các nhà thuốc, chẳng hạn từ thuốc ho, thuốc giảm đau, thậm chí từ thuốc thú y. 
Năm 2017, Công an TPHCM phá vụ án sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất từ trước đến nay do Văn Kính Dương cầm đầu. Nhóm này đã sản xuất hàng trăm kg thuốc lắc, hàng trăm kg ma túy dạng bột, hàng ngàn viên ma túy nén từ thuốc thú ý. Việc sản xuất, tiêu thụ này diễn ra hơn 1 năm mới bị phát hiện. Vào tháng 6-2020 Công an Hà Nội phát hiện ra loại ma túy lạ được gọi là “nấm thức thần” có tác dụng ảo thị và loạn thần. Một thanh niên mới 18 tuổi tên Phương đã phát hiện ra chất "Psilocybine" - chất ma túy gây ảo giác - ở một loại nấm. Khoảng tháng 3-2020, Phương nghiên cứu quy trình và mua được phôi nấm này về trồng thành công tại nhà và đến tháng 5-2020 rao bán ra thị trường.
Nếu trước đây ma túy xâm nhập từ biên giới trên bộ, trên biển vào Việt Nam, nay được vận chuyển qua đường bưu điện dưới dạng bưu kiện, quà biếu; hàng ký gửi đường hàng không qua hình thức hành lý xách tay, gửi theo người. Những loại ma túy này được ngụy trang dưới nhiều vỏ bọc như sữa, trà, siro, được giấu trong tượng Phật, búp bê và đưa cả trong hậu môn, nuốt vào trong dạ dày… Những năm trước số ma túy xâm nhập thường tính bằng kg, nhưng từ 2018 đến nay tính bằng tấn. Chẳng hạn tháng 4-2019 đã phá vụ án 1,1 tấn ma túy đá do người Đài Loan cầm đầu, hay vụ công an Nghệ An bắt được hơn 1 tấn ma túy đá trộn với muối ngoài cánh đồng. Hàng tấn ma túy xổng ra xã hội đồng nghĩa hàng ngàn gia đình tan nát, hàng ngàn người thân tàn ma dại.   
Càng ngày việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, phân phối ma túy càng tinh vi. Những loại ma túy mới xuất hiện dưới dạng viên nén, keo, khí, chất lỏng, bột mịn, phụ gia thực phẩm, miếng dán, cỏ, lá cây… Cuối năm 2020, từ Quảng Tây một loại “thuốc ho cổ truyền” có chứa hỗn hợp GHB, MDMA và ketamine đã thâm nhập vào Việt Nam và bị phát hiện. Các loại ma túy này được ngụy trang dưới các hình thức không chỉ hấp dẫn, bắt mắt, rẻ tiền, còn rất khó nhận ra bằng mắt thường. Ngay những chuyên gia nghiên cứu về ma túy cũng không hay biết sự tồn tại của những ma túy mới, chỉ khi có nạn nhân cấp cứu mới biết đó là ma túy dưới dạng kẹo viên, keo hít, bóng cười, cỏ Mỹ, lá khát… đầy rẫy trong các quán cà phê, quán bar và ngoài đường phố. 
Mặc dù cố gắng nhưng rõ ràng việc phòng và chống ma túy của chúng ta luôn trong thế bị động, việc phát hiện và phương án đối phó thường đi theo sau diễn tiến của cơn lốc ma túy. Cứ vào đầu năm học mới, các trường học đều mời các bộ phận chức năng như công an, y tế đến nói chuyện về văn hóa giao thông, về sức khỏe sinh sản, nhưng tuyệt nhiên chưa có trường nào đưa việc tuyên truyền phòng chống ma túy vào chương trình chính hoặc ngoại khóa. Đã đến lúc cần tập trung sức mạnh của bộ máy thông tin đại chúng, các trường học từ tiểu học đến đại học, huy động các tổ chức chính trị-xã hội, các tôn giáo tuyên truyền, giáo dục cho người dân, nhất là giới trẻ hiểu biết về tác hại của ma túy, làm sao cho mỗi người tự ý thức hình thành nên sự phản kháng tự thân để nói “không” với ma túy. 

Các tin khác