Nói Phú Quốc, Đà Lạt bị ngập là điều khó tin. Đà Lạt nằm ở vùng núi cao, nước mưa theo các khe suối chảy ra các hồ và vùng trũng. Trong khi Phú Quốc là hòn đảo nằm giữa biển, nước mưa trôi tuột ra biển, làm sao mà ngập, nhưng những năm gần đây cứ đến mùa mưa là Phú Quốc… ngập, Đà Lạt cũng… ngập. Có bất thường chăng?
Nguyên nhân không phải do thiên tai mà do nhân tai. Phú Quốc là hòn đảo rộng 570km2, cách nay chừng 7 năm dân số khoảng 80.000 người, khi ấy Phú Quốc còn giữ được hệ sinh thái tự nhiên cân bằng. Mấy năm trở lại đây, khi Phú Quốc tiến hành đô thị hóa nhanh, cả vùng đảo là công trường xây dựng khổng lồ, hàng ngàn công trình xây dựng mọc lên, khắp nơi là các khu đô thị, nhà hàng, khách sạn, resort, dãy phố.
Điều này đồng nghĩa với việc san ủi, phá rừng, chặt cây, bóc lớp thảm thực vật để bê tông hóa bề mặt, làm cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Diện tích hòn đảo không lớn, nhưng có đến hàng trăm nhà đầu tư bất động sản đổ bộ, hầu như nhà đầu tư lớn nào của Việt Nam đều có mặt và chiếm lĩnh diện tích rất lớn, nếu kể cả dân địa phương, có đến hàng ngàn nhà đầu tư lớn nhỏ.
Vì là đảo giữa biển nên hệ thống thoát nước chủ yếu là dựa vào thoát nước tự nhiên, qua việc nước mưa ngấm xuống đất và chảy xuống các con sông, kênh rạch rồi ra biển. Khi quy hoạch tổng thể Phú Quốc, nhà quy hoạch đã tính đến hệ thống thoát nước toàn đảo.
Nhưng mọi tính toán bị phá sản do các nhà đầu tư chỉ lo việc xử lý nước thải và thoát nước trong các dự án của mình. Họ làm rất tốt điều này, vì nếu các khu đô thị hiện đại bị ngập sẽ không có khách, nhưng ra khỏi địa phận dự án không có ai lo, kinh phí của UBND huyện Phú Quốc rất hạn hẹp, hệ quả Phú Quốc quá nhiều rác và sông, rạch bị bức tử.
Do kiểm soát tiến trình xây dựng không xuể, nên hầu như toàn bộ hệ thống tiêu thoát nước tự nhiên có từ hàng trăm năm nay bảo đảm cho đảo không bị ngập nước đã bị xâm hại nghiêm trọng. Thêm vào nữa, mỗi năm hòn đảo nhỏ bé này đón lượng khách du lịch khổng lổ, chẳng hạn năm 2019 (trước dịch) đón 2,5 triệu khách. Mỗi ngày, TP Phú Quốc có khoảng 200 tấn chất thải rắn sinh hoạt và 20.500m3 nước thải.
Nhưng rất tiếc, cho đến nay Phú Quốc chưa có được nhà máy xử lý rác nào, chủ yếu là thu gom tập trung vào bãi rác lộ thiên, và cũng chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung nào mà cho xả thẳng xuống sông, rạch. Kết hợp cả 3 chuyện là rác thải xả thẳng xuống sông, kênh rạch; xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm sông, rạch, và bê tông hóa bề mặt, xóa sổ lớp thảm thực vật giữ nước, nên hầu như hệ thống tiêu thoát nước tự nhiên bị vô hiệu hóa.
Sông Dương Đông dài 21,6km, chảy vắt ngang đảo Phú Quốc theo chiều Đông - Tây bắt nguồn từ suối Đá Bạc. Hợp lưu vào dòng chảy Dương Đông đổ ra biển tại Dinh Cậu còn có các nhánh phụ, như rạch Ông Trì, rạch Cầu Lớn, Suối Đá, Suối Tiên… Các nhánh này có tổng chiều dài lên tới 63km và hệ thống này chính là nơi tiêu thoát nước cho đảo. Hiện nay sông Dương Đông ô nhiễm, dòng chảy bị thu hẹp bởi rác từ hộ gia đình, ghe tàu, nhà hàng, khách sạn... đổ vào mỗi ngày.
Dọc lưu vực sông Dương Đông có trên 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh và hơn 10.000 hộ dân sinh sống. Đặc biệt, đây là nơi tập trung đa số cơ sở sản xuất nước mắm của huyện. Sông Dương Đông còn phải gánh rác, nước thải của chợ Dương Đông và chợ đêm Phú Quốc. Sau mỗi đêm hoạt động, bà con tiểu thương ở chợ gom rác tống thẳng xuống sông.
Rạch Ông Trì là nhánh phụ của sông Dương Đông, nằm ở phía Bắc khu đô thị trung tâm TP Phú Quốc, đóng vai trò quan trọng là nơi kết nối 2 con rạch nước chính phía Bắc. 2 rạch nước này dẫn nước từ núi Ông Phụng, núi Gành Gió rồi đổ dòng nước chảy qua khu chợ trung tâm, hòa vào sông Dương Đông. Thế nhưng từ nhiều năm nay, rạch Ông Trì được xem là một trong những con rạch ô nhiễm nhất tại Phú Quốc. Nhiều khu dân cư lấn chiếm rạch, rác thải đổ thẳng xuống rạch nên nhiều đoạn bị lấp hẳn làm tắc nghẽn dòng nước chảy qua. Tình hình các con suối ở phía Nam trung tâm TP Phú Quốc cũng chẳng khả quan hơn.
Đầu tiên là con suối thoát nước từ núi Điện Tiên - những người dân lâu năm ở Phú Quốc vẫn thường gọi là suối Ông Đáo. Hiện trạng phía thượng nguồn của con suối này nằm trên sườn núi đã bị bóp méo hoàn toàn với những công trình nhà ở xâm lấn. Theo quy hoạch, con suối rộng 4m nhưng hiện nay nhiều khu vực bị nhà cửa lấn chiếm, suối chỉ còn là con rạch nhỏ rộng khoảng 2m. Thậm chí, khi dòng suối đổ xuống đến cầu trên đường Trần Hưng Đạo hoàn toàn bị mất hút, bởi phía bên kia đường dày đặc những dãy nhà hàng xây lấn, lấp cả con suối.
Tương tự, con suối thứ 2 chảy qua cầu Bà Kèo phía sườn núi gần như không thể tìm được dòng chảy, khi hàng loạt công trình đường bê tông và khách sạn cao tầng án ngữ. Ngay cả đoạn gần chân cầu Bà Kèo, dòng suối cũng bị chặn lại, chỉ để một ống cống cho nước thoát qua. Dòng suối chính thứ 3 đổ qua cầu Bà Phong. Ngay tại đây dòng suối bị nghẽn bởi bức tường của một khách sạn cao tầng. Cứ tiếp tục như thế, nhiều khu khách sạn, nhà cao tầng, nhà hàng, resort khác lấn chiếm, san lấp, bắt dòng suối luồn lách qua hệ thống ống cống nằm sâu dưới nền ximăng mới có thể đổ dòng ra biển tại khu Bãi Trường nổi tiếng của Phú Quốc.
Với hiện trạng như thế, việc Phú Quốc bị ngập vào mùa mưa, các bãi biển tràn ngập rác, các dòng sông bốc mùi, không phải là chuyện lạ. Bao giờ sông Dương Đông hồi sinh? Bao giờ Phú Quốc giải quyết xong bài toán rác thải? Bao giờ Phú Quốc ngăn chặn được xây dựng tự phát? Nếu không khắc phục được, khách du lịch sẽ không còn mặn mà đến đây nữa.