QE3 tăng rủi ro đình lạm các nền kinh tế mới nổi

So với cuộc khủng hoảng năm 2008, các nền kinh tế thuộc nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và các nền kinh tế mới nổi tại châu Á (trong đó có Việt Nam) đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao. trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, sẽ rất khó cho các quốc gia mới nổi có thể huy động được lượng tiền lớn nhằm giải cứu thị trường.

So với cuộc khủng hoảng năm 2008, các nền kinh tế thuộc nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và các nền kinh tế mới nổi tại châu Á (trong đó có Việt Nam) đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao. trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, sẽ rất khó cho các quốc gia mới nổi có thể huy động được lượng tiền lớn nhằm giải cứu thị trường.

Nguy cơ từ gói kích thích QE3 của FED

Trong suốt thời gian qua, chính phủ các quốc gia châu Á đang theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên các chính sách này vẫn tỏ ra kém hiệu quả, làm gia tăng rủi ro xảy ra tình trạng đình lạm(*)  kinh tế.

Các nền kinh tế mới nổi đang lo lắng về việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) dự kiến sẽ tung ra gói kích thích kinh tế thứ 3 (QE3). Có nhiều khả năng điều này trở thành hiện thực, sẽ dẫn đến tình trạng USD yếu, giá cả các loại hàng hóa trên thế giới sẽ gia tăng và đó là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ nhập khẩu lạm phát. N

hằm chống lại tình trạng lạm phát, thông thường chính phủ các quốc gia mới nổi buộc phải nâng lãi suất, do đó sẽ thu hút dòng tiền nóng đổ vào nền kinh tế nhằm đầu cơ tài sản - tiềm ẩn gây đổ vỡ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, USD yếu đồng nghĩa với việc tiền của các quốc gia xuất khẩu khác sẽ tăng giá, gây cản trở xuất khẩu, càng khiến các quốc gia này gặp rất nhiều khó khăn để phục hồi.

Lạm phát, tiền tăng giá, nguy cơ bong bóng tài sản đẩy các quốc gia mới nổi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan (dilemma). Nhằm kiềm chế lạm phát và lạm phát kỳ vọng, các quốc gia mới nổi buộc phải áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt và tiếp tục rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn của lãi suất.

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã 6 lần điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc, 2 lần điều chỉnh lãi suất cơ bản, song lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng; lạm phát tại Brazil tăng 6,75%; tại Hàn Quốc, Ngân hàng Trung ương đã điều chỉnh lãi suất lần thứ 3 với tổng mức điều chỉnh tới 0,75% để kiềm chế lạm phát; tại Thái Lan và Nga nền kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn tương tự.

Rủi ro đình lạm tác động mạnh kinh tế Việt Nam

Việc thực hiện Nghị quyết 11 đã đạt được những thành tựu bước đầu đối với các mục tiêu cơ bản về kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Tuy nhiên để đạt được những kết quả này nền kinh tế nước ta đang phải gồng mình gánh chịu những gánh nặng do các chính sách kinh tế này tạo ra.

Mặc dù lạm phát tháng 8 lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 1%, nhưng xu hướng giảm của lạm phát vẫn rất mong manh và có thể chịu nhiều tác động bởi các yếu tố ngoại. Do đó khả năng bùng phát trở lại vẫn tiềm ẩn ở mức cao, đặc biệt khi giá hàng hóa thế giới bùng nổ vào dịp tiêu dùng cuối năm.

Trong khi đó giá các loại nguyên liệu đầu vào chịu tác động mạnh bởi giá thế giới liên tục tăng cao, đẩy giá thành sản xuất tăng, gây sụt giảm sức tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, dẫn đến tình trạng lượng hàng tiêu dùng tồn kho tăng mạnh.

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê có tới 2/3 trong 136 mặt hàng có lượng tồn kho cao hơn so với cùng kỳ năm trước, như đồ gỗ tồn kho 92,4%; đồ uống không cồn 84,4%; cáp và dây điện 73,5%; bia 71,6%; giày dép 40%; sợi và dệt vải 34%. Tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn buộc các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa.

Theo dự báo của Economist Intelligent Unit (EUI) nợ nước ngoài của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới, có thể lên tới 54 tỷ USD vào năm 2015. Theo số liệu vừa công bố của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), nợ nước ngoài năm 2010 của Việt Nam 32,5 tỷ USD, tăng 4,5 tỷ USD so với năm 2009.

Nhiều chuyên gia kinh tế đang lo ngại về tỷ lệ nợ công của Việt Nam tăng cao, hiện chiếm tới 51,7% GDP (nguồn the Economist). Gần đây nhất tổ chức S&P đã đánh giá tụt hạng tín nhiệm của Việt Nam, cho thấy vấn đề nợ công rất đáng quan tâm. Với tỷ lệ nợ công liên tục tăng cao, chính sách đầu tư công mà Nhà nước sử dụng để kích thích kinh tế trong thời gian qua sẽ phải thắt chặt.

Điều này dễ dẫn đến hậu quả nền kinh tế khó đạt các chỉ tiêu tăng trưởng kỳ vọng nếu hiệu quả đầu tư công không được cải thiện rõ rệt trong thời gian tới. Với tình trạng khó khăn hiện nay EUI đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay chỉ còn 6%.

Và nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nền kinh tế nước ta sẽ càng trở nên yếu ớt trước diễn biến phức tạp khó lường từ kinh tế thế giới, nghĩa là nguy cơ xảy ra tình trạng đình lạm nền kinh tế sẽ gia tăng cao hơn bao giờ hết.

--------------------

* Đình lạm (stagflation) là thuật ngữ kết hợp bởi 2 thuật ngữ kinh tế là sự đình trệ (stagnation) và lạm phát (inflation), lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1965 tại Anh, dùng để miêu tả tình trạng của nền kinh tế khi các hoạt động bị đình đốn nhưng lạm phát vẫn không ngừng tăng cao cùng với tỷ lệ thất nghiệp.

Các tin khác