Ám ảnh vì kẹt xe, quá tải hành khách
Ghi nhận trên đường Trường Sơn (phường 2, quận Tân Bình) ngày 31-3 cho thấy, hiện nay đây là tuyến đường gần như “độc đạo” của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hướng về trung tâm TP Hồ Chí Minh. Do vậy, vào khung giờ cao điểm sáng và chiều tối hằng ngày, lượng người và phương tiện lưu thông qua đây rất đông đúc. Những ngày lễ, Tết thì luôn luôn ghi nhận tình trạng tắc đường ở tuyến đường này cũng như các tuyến đường chung quanh sân bay, khiến cho người dân luôn “ám ảnh” mỗi lần lưu thông qua đây.
Điều đáng nói, nhiều phương tiện lưu thông từ ngoại thành vào trung tâm thành phố trên đường Phạm Văn Đồng đều chọn lộ trình đi qua đường Hồng Hà, Bạch Đằng, Trường Sơn để di chuyển. Hình thức “mượn đường” này càng khiến cho các tuyến đường chung quanh sân bay quá tải trầm trọng. Tình trạng giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hằng năm cũng luôn nằm trong danh sách điểm nóng về ùn tắc của Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh.
“Đường Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ… đã quá tải nhiều năm nay, trong khi nhu cầu đi lại qua sân bay Tân Sơn Nhất của người dân ngày càng tăng. Vì vậy, tình trạng kẹt xe khu vực quanh sân bay đã là đặc sản nhiều năm nay”, chị Lê Thị Tuyết Trinh (ngụ đường Sông Đà giao đường Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình) cho biết. Bức xúc về tình trạng quá tải sân bay, ông Trần Thế Công (ngụ đường Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận) chia sẻ: “Nhiều năm nay, mỗi dịp lễ, Tết có công chuyện đi lại qua ga quốc nội sân bay, tôi đều ngộp thở vì vừa phải chờ nhiều giờ đồng hồ máy bay mới cất cánh do chậm và trễ chuyến. Hành khách phải xếp hàng dài la liệt ở sân bay để chờ đợi và làm thủ tục, ai nấy đều ngán ngẩm”.
Theo TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường đại học Việt Đức), để giải quyết tận gốc quá tải hạ tầng khu vực sân bay, cần xây dựng hoàn chỉnh hệ thống các tuyến đường kết nối vào sân bay, đồng thời, hoàn thành các dự án giao thông quanh sân bay theo quy hoạch mà TP Hồ Chí Minh đề ra. Đặc biệt, ngành hàng không cần sớm khởi công xây dựng nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất thời gian tới.
Triển khai đồng bộ nhiều dự án
Trao đổi ý kiến với Thời Nay, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (ACV - chủ đầu tư) Đỗ Tất Bình cho biết, dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư từ tháng 5-2020 và được đánh giá là dự án trọng điểm của Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2023. Do tính cấp bách của dự án và thời gian thực hiện rất ngắn nên ngay sau khi có Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, ACV đã tích cực chuẩn bị đầu tư dự án. Sau khi đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tư vấn thiết kế kỹ thuật, đến nay báo cáo nghiên cứu khả thi đã cơ bản hoàn thành.
Cũng theo ông Đỗ Tất Bình, một trong những vướng mắc lớn nhất trong quá trình triển khai là khu đất hơn 16 ha để xây dựng dự án nằm trong diện tích hơn 36 ha do Sư đoàn 370 và Lữ đoàn 918 Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) quản lý. Trong đó, Bộ Quốc phòng đã tạm bàn giao cho Bộ Giao thông vận tải gần 19,8 ha để làm sân đỗ tàu bay năm 2018. Phần diện tích còn lại hơn 16 ha dành để xây dựng nhà ga hành khách T3.
Tín hiệu vui là mới đây, Bộ Quốc phòng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Quốc phòng được thực hiện trước việc bàn giao mặt bằng khu đất hơn 16 ha do Quân chủng Phòng không - Không quân đang quản lý (quận Tân Bình) với hình thức chuyển giao cho địa phương quản lý để xây dựng nhà ga T3 và đưa diện tích đất trên vào quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân phối hợp UBND TP Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng của địa phương và Bộ Quốc phòng hoàn thành các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng và bàn giao cho địa phương quản lý. “Nếu công tác bàn giao đất diễn ra thuận lợi, chúng tôi phấn đấu khởi công dự án vào tháng 10 năm nay. Việc đầu tư xây dựng sẽ hoàn tất sau 24 tháng”, ông Bình khẳng định.
Theo ACV, dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 có công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, phục vụ nội địa, gồm các hạng mục nhà ga, sân đỗ máy bay và các công trình phụ trợ, với tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn của ACV. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất, giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc tại cửa ngõ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam.
Cùng với đó, đối với khu vực chung quanh sân bay, nhiều dự án xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối cũng đang được TP Hồ Chí Minh tiến hành khẩn trương. Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Giao thông TP Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) Lương Minh Phúc cho biết, năm 2021, Ban Giao thông dự kiến khởi công bốn dự án ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo đó, dự án được kỳ vọng nhất là xây dựng tuyến đường mới nối Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa, được xem là cửa ngõ thứ hai ra vào sân bay. Tuyến đường này rộng từ 29 - 48 m cho sáu làn xe, với hai hầm chui tại giao lộ Phan Thú Duyện - Trần Quốc Hoàn (dài 42 m, rộng 9 m, hai làn xe) và nút giao Trường Chinh - Tân Kỳ - Tân Quý (dài 65 m, rộng 22 m, năm làn xe). Dự án cũng làm một cầu vượt trước ga T3 dài 1,2 km, rộng 17 m cho bốn làn xe. Dự kiến dự án này sẽ khởi công vào tháng 12 năm nay, hoàn thành sau 18 tháng. Đây cũng là thời điểm nhà ga T3 hoàn thành, đưa vào khai thác theo dự kiến.
Bên cạnh đó là các dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám dài gần 800 m, rộng 22 m, tổng đầu tư 257 tỷ đồng; dự án cải tạo, mở rộng một đoạn đường Cộng Hòa do bị “thắt cổ chai” nên thường xuyên kẹt xe ở nút giao thông Lăng Cha Cả, với tổng vốn đầu tư 141 tỷ đồng. Theo ông Lương Minh Phúc, cả hai dự án trên dự kiến được UBND quận Tân Bình bàn giao mặt bằng trong quý III - 2021. Sau khi toàn bộ mặt bằng được giao, dự kiến sẽ khởi công trong quý IV - 2021 và hoàn thành trong thời gian sáu tháng.
Ngoài ra, dự án giải quyết kẹt xe khu vực phía bắc sân bay sẽ mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý, dự kiến khởi công cuối năm 2021. Theo thiết kế, đường Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Bình và Tân Phú) được mở rộng sẽ dài khoảng 645 m, rộng 30 m với sáu làn xe, tổng mức đầu tư hơn 742 tỷ đồng. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã được quận Tân Bình và Tân Phú hoàn thiện hồ sơ. Sở Tài nguyên và Môi trường sau khi phê duyệt sẽ thực hiện thu hồi đất để dự án khởi công theo kế hoạch.
GS, TS Nguyễn Trọng Hòa, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, để giải quyết ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cần xây dựng mạng lưới đường trên cao kết hợp làm một vành đai đường chuyên dụng trên mặt đất để khép kín vòng quanh sân bay, từ đó tạo thuận lợi cho hành khách từ các tỉnh, thành phố trong khu vực đi qua các cửa ngõ như quốc lộ 1, quốc lộ 22, quốc lộ 13…
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh Phan Công Bằng nhận định, để giải quyết tình trạng quá tải giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, thời gian tới thành phố sẽ phải triển khai xây dựng đồng bộ hạ tầng cả trong lẫn ngoài sân bay, để vừa đón đầu nhà ga hành khách T3 khi xây dựng xong, vừa đồng bộ với sân bay quốc tế Long Thành khi hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2025.