Được hình thành từ khi thị trường BĐS còn sơ khai, tuy nhiên đến nay, môi giới BĐS - cầu nối giữa khách hàng và sản phẩm - vẫn là khái niệm khá mơ hồ và được biết nhiều hơn với danh xưng “cò nhà đất”. Sự yếu kém trong quản lý được xem là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận đội ngũ này lũng đoạn thị trường. Sự ra đời của Hội Môi giới BĐS cùng các quy định chặt chẽ hơn về cấp, thu hồi chứng chỉ… liệu có khiến thị trường trật tự hơn?
Lẫn lộn vàng - thau
Theo báo cáo từ Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, tính đến cuối năm 2014, cả nước có khoảng 30.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới, định giá BĐS. Con số này trên thực tế chắc chắn sẽ nhiều hơn, bởi ngoài những người được cấp chứng chỉ còn một số lượng lớn người môi giới hành nghề tự do hoặc hoạt động tại các trung tâm môi giới nhà đất chưa được quản lý và thống kê đầy đủ.
Theo các chuyên gia BĐS, việc hoạt động theo kiểu “vàng thau lẫn lộn” này dễ dàng khiến môi giới BĐS chuyên nghiệp không nhận được thiện cảm của nhiều người. Bên cạnh đó, sự kém minh bạch về thông tin trên thị trường nhà đất cùng với thói quen không thích trả tiền cho trung gian của đại bộ phận người dân, cũng đã khiến môi giới BĐS nhiều năm qua phải hoạt động trong bối cảnh “tranh tối tranh sáng”.
Còn nhớ thời kỳ hoàng kim của BĐS, khi các cơn sốt nhà đất khiến bất kỳ ai bước vào thị trường đều có thể thu về lợi nhuận, môi giới BĐS là một nghề cực kỳ được ưa chuộng. Thời điểm đó, hiện tượng chủ nhà khoán trắng cho môi giới muốn bán với giá bao nhiêu tùy thích (để không phải trả hoa hồng) trở nên rất phổ biến.
Cùng với việc thông tin kém minh bạch, tù mù, tình hình trên trở thành một trong những nguyên nhân khiến thị trường BĐS luôn trong trạng thái nóng sốt, bong bóng giá suốt giai đoạn từ năm 2008 đến tận nửa đầu năm 2011. Mối lo này lại được tái hiện một lần nữa khi cùng với sự khởi sắc của thị trường BĐS từ nửa cuối năm 2014 đến nay, hàng loạt sàn giao dịch BĐS cũng như các trung tâm môi giới BĐS, văn phòng nhà đất tiếp tục mọc lên như nấm.
Theo đó, bên cạnh việc nhân sự môi giới BĐS chuyên nghiệp tăng lên, đội ngũ cò nhà đất cũng tái xuất một cách hùng hậu không kém. Nhiều dự án nhà đất tại Hà Nội và TPHCM đã có dấu hiệu bị làm giá, tăng nóng quá mức bởi đội ngũ cò và kể cả những người làm môi giới tại một số sàn giao dịch BĐS.
Đi vào khuôn khổ, nề nếp
Theo đánh giá của Hiệp hội BĐS Việt Nam, những năm gần đây vai trò và tầm ảnh hưởng của nhà môi giới ngày càng thể hiện rõ nét trong hoạt động kinh doanh BĐS. Đội ngũ này không chỉ là chất xúc tác giúp các giao dịch thành công, thúc đẩy thị trường phát triển, mà còn là chủ thể cung cấp thông tin thị trường, kết nối cung cầu, khách hàng với chủ đầu tư.
Tuy nhiên, hiện nay mọi hoạt động, quyền và lợi ích của những nhà môi giới chưa thực sự được bảo vệ một cách đúng mức. Đồng thời cũng chưa có một tổ chức nghề nghiệp nào đứng ra đại diện để phản ánh tâm tư nguyện vọng của các nhà môi giới, kết nối họ với nhau, tạo sự đoàn kết, thống nhất và hướng tới minh bạch toàn thị trường.
Bên cạnh đó, do thiếu vắng một tổ chức nghề nghiệp, đại diện cho những nhà môi giới BĐS, thiếu quy chuẩn chung trong hoạt động hành nghề, nên vẫn tồn tại những môi giới thiếu chuyên nghiệp, làm ăn chụp giật, gây mất niềm tin của khách hàng và ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ thị trường nói chung.
“Mặc dù đã có rất nhiều quy định về hoạt động hành nghề môi giới BĐS, tuy nhiên những quy định, chế tài cụ thể đối với từng cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này chưa nhiều và còn thiếu chặt chẽ. Do đó, dẫn đến các cá nhân hoạt động môi giới còn tự phát, tự do. Đặc biệt chất lượng hành nghề kém, lộn xộn, phát sinh nhiều tiêu cực như không trung thực, lừa đảo khách hàng. Tuy nhiên, đây chỉ là một bộ phận nhỏ trong hệ thống những người làm môi giới” - ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, nhận định.
Chính thức ra mắt hôm qua 27-5, Hội Môi giới BĐS được kỳ vọng |
Trên thực tế, lấp đầy được số nhân viên môi giới, định giá BĐS có chứng chỉ hành nghề, được quản lý chặt chẽ tại các sàn, các văn phòng nhà đất không phải là việc dễ dàng. Đặc biệt, trong bối cảnh sàn giao dịch BĐS sắp tới không còn là khâu bắt buộc phải thông qua khi mở bán dự án, việc quản lý cũng như nâng cấp đội ngũ này càng khó khăn hơn.
Chưa kể theo quy định, người hoạt động môi giới BĐS cần phải học qua các lớp đào tạo, có chứng chỉ hành nghề môi giới. Tuy nhiên, trên thực tế loại chứng chỉ này vẫn chưa được xem trọng và việc đào tạo vẫn mỗi nơi mỗi kiểu, không có được sự thống nhất.
Theo đại diện Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thời gian tới, cùng với việc có hội nghề nghiệp, việc quản lý các nhà môi giới, cấp, phát chứng chỉ, đào tạo nghề nghiệp sẽ phải đi vào khuôn khổ, nề nếp hơn trước, góp phần giúp thị trường được minh bạch và rõ ràng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, kết quả của những nỗ lực này như thế nào, chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian, không thể có được trong một sớm một chiều.