Huế vốn là TP của vua chúa, quan lại nên có hình thái không gian kín cổng cao tường, được bao bọc bởi tường rào bằng xi măng, hàng rào cây cao, nên các không gian bên trong mang dáng vẻ trầm mặc, u tịch và bí ẩn.
Vì thế, khi Huế phát động phong trào tạo dựng không gian mở để đón khách du lịch, đã bắt đầu cho quá trình tạo ra dáng vẻ mới hấp dẫn và thân thiện hơn. Từ Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị, có thể bước qua Bảo tàng Văn hóa Huế để vào Bảo tàng tranh thêu XQ, rồi tham quan tiếp Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng.
Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán cũng nhanh chóng phá bỏ hàng rào ngăn cách với Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, để kết nối với nhà hàng Festival. Tới đây các công trình nằm sát bờ sông như khách sạn Century, Hương Giang, Azerai La Residence, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Học viện Âm nhạc Huế... cũng bỏ luôn những bức tường rào, thì không gian từ Đập Đá lên đến tận Dã Viên sẽ nối liền một dải.
Thực ra trạng thái mở được thực hiện ở TPHCM từ năm 1995. Còn nhớ trước 1990, ở TPHCM hầu như tất cả công sở, trường học, nhà dân đều “kín cổng cao thành”. Tường chắn trước hay vây quanh nhà được xây bằng gạch tô xi măng cao hơn đầu người, trên đỉnh tường còn chăng dây thép gai, rào bằng lưới sắt chống B40, cắm chi chít mảnh chai, mảnh sành vỡ, cổng nhà làm bằng sắt nặng nề kín mít không một khe hở…
Thời ấy, sân chung trong mỗi khu tập thể cũng bị âm thầm tư nhân hóa, phân chia thành các không gian riêng và bị quây lại thành bếp, chỗ để xe, chỗ nuôi gà lợn. Tình trạng này cũng diễn ra ở các nơi không gian công cộng như công viên, vườn dạo và kể cả nhà thờ, chùa chiền.
Năm 1995, dường như cả TP chuyển dần từ xu hướng đóng sang mở trên tất cả lĩnh vực như kinh tế, quan hệ quốc tế, văn hóa, giáo dục, quan hệ cá nhân và dĩ nhiên cả không gian sống. Những cơ sở mở không gian sống ra với xã hội đầu tiên được ghi nhận là các trường tiểu học, trung học liên doanh hoặc đầu tư trực tiếp của nước ngoài; sau đó đến công sở, văn phòng của các công ty đa quốc gia, tiếp nữa là đến các nhà hàng, khách sạn...
Các bức tường xây nặng nề xám xịt được phá bỏ để thay thế bằng những hàng rào làm bằng những thanh gỗ song đứng sơn trắng hay sắt thanh mảnh, được thiết kế mềm mại, tạo ra sự thông thoáng, thậm chí mang thêm chức năng nghệ thuật. Các hàng rào lúc này dường như chỉ mang tính quy ước, do vậy chúng rất đa dạng. Nhiều nhà hàng có hàng rào được trồng bằng hàng tre, trúc.
Nhiều công sở đặt các bồn hoa, cây cảnh, cây xanh, thảm cỏ phía sân trước sát vỉa hè. Nhiều cao ốc ở khu vực trung tâm còn bỏ hẳn cả hàng rào làm không gian riêng chung liên thông với nhau trong một khung cảnh hài hòa linh hoạt.
Hiệu ứng “open” (mở) này lan dần tới không gian công cộng. Các hàng rào công viên được phá bỏ cho mọi người tự do ra vào. Đầu tiên là các công viên Tao Đàn, Bách Tùng Diệp, 23-9; sau đó là Lê Văn Tám, Gia Định, Hoàng Văn Thụ, Lê Thị Riêng…
Công sở nhà nước được coi là dinh lũy bảo thủ nhất, nhưng rồi cũng dỡ bỏ rào chắn hoặc thay đổi hình thức tường rào, như UBND TP, Hội trường Thành ủy; các bảo tàng như dinh Thống Nhất, Chứng tích chiến tranh, Tôn Đức Thắng… Rồi cuối cùng nó cũng lan tỏa tới nhà dân, nhất là khu vực ở các quận trung tâm như quận 1, 3.
Mọi người nhận thấy, khi không gian của mỗi đơn vị mở ra thấy có nhiều chuyện thật thú vị. Cũng là công trình đó, diện tích đó nhưng nay dường như nó rộng hơn, tầm nhìn được mở rộng và thoáng mát hơn.
Một không gian nhỏ khi mở ra với xã hội lớn, cũng là lúc thiên hạ được quyền nhìn vào bên trong khuôn viên và cũng là lúc gia chủ định vị danh tính của mình (tên công ty, bảng hiệu, số nhà) qua không gian trình diễn và sắp đặt. Đóng kín mít sao cũng được, nhưng khi mở ra đấy lại là bản mặt (sĩ diện) của gia chủ, nên gia chủ nào cũng cố gắng chăm chút cho cái mặt tiền đó đẹp hơn từ việc thiết kế hàng rào, cánh cổng đến trồng cây cảnh, gạch lát sân, đá cảnh, hòn non bộ, tượng đá nghệ thuật, hồ phong thủy, ghế đá, xích đu...
Nếu để ý, chúng ta thấy ở TP này có nhiều mặt tiền của nhà hàng, khách sạn, siêu thị, công sở, nhà dân được bày trí rất ấn tượng, độc đáo và rất nghệ thuật. TP cũng đã từng có cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật bộ sưu tầm các cổng nhà đẹp. Khi không gian sống mở bung ra không chỉ có lợi cho môi trường sống, chẳng hạn ánh nắng tràn vào làm cho nhà cửa khô ráo, gió lưu thông trước sau làm cho nhà cửa luôn mát mẻ, không còn tối tăm ẩm mốc, còn làm quan hệ con người thân thiện hơn.
Chào nhau mỗi buổi sáng qua hàng rào thưa trước khi đi làm, thông báo cho nhau chuyện phố phường cơ quan sau ngày làm việc khi chiều về, các cháu nhỏ chạy qua nhà nhau chơi làm quan hệ cộng đồng thêm gắn bó.
Mấy năm gần đây, với sự trợ giúp của kỹ thuật xây dựng hiện đại và vật liệu xây dựng mới, làm xuất hiện xu hướng mở không giới hạn. Rất nhiều cửa hàng thời trang, bán đồ lưu niệm, bán hoa tươi, quán cà phê, quán kem, quán nhậu, thậm chí hồ bơi ở khách sạn không làm tường bao, vách ngăn bằng vật liệu truyền thống như gạch hay thạch cao, mà làm bằng kính cường lực trong suốt nhìn thông từ ngoài đường vào tận bên trong, khiến người ta có cảm giác không còn ranh giới trong ngoài nữa.
Tương tự, các ngôi chùa, nhà thờ cũng mở ra với bàn dân thiên hạ. Rất nhiều chùa, nhà thờ không còn tường cao, cổng đóng im ỉm đầy vẻ thâm nghiêm u tịch nữa, mà trở nên gần gũi hơn với mọi người. Nhiều cơ sở tôn giáo có khuôn viên đẹp, nhiều cây xanh, ghế đá, cánh cửa luôn rộng mở chào đón mọi người kể cả có đạo hay không có đạo. Noel là ngày hội chung của mọi người là bằng chứng sống động cho chuyện này.
Khi người dân quyết định kết nối không gian riêng tư với không gian xã hội một cách tự nguyện, không bắt đầu từ một mệnh lệnh hành chính nào, cho thấy điều hệ trọng là người dân đã đặt niềm tin vào chính quyền, vào cộng đồng và yên tâm sinh sống trong một xã hội ngày một tốt hơn, bình yên hơn. Khi nói về TPHCM, bạn bè nước ngoài đều đồng ý với nhau rằng người Sài Gòn thật “open” và thật dễ mến.