Từ ngày 1-11, Thông tư 91/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhằm ngăn chặn những vi phạm trên thị trường chứng khoán.
Theo Thông tư 91/2013/TT-BTC, các điều khoản về đăng ký hoạt động văn phòng đại diện của tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài; thành lập và hoạt động chi nhánh tại Việt Nam của công ty quản lý quỹ nước ngoài đều được quy định cụ thể, chi tiết với những ràng buộc chặt chẽ.
Trong trường hợp xảy ra vi phạm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm các tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện khi: Công ty mẹ, văn phòng đại diện vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối theo pháp luật Việt Nam, giao dịch nội bộ, thao túng thị trường và các giao dịch bị cấm khác theo quy định của pháp luật chứng khoán Việt Nam; không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước Việt Nam theo quy định; Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận (GCN) đăng ký hoạt động văn phòng đại diện có những thông tin sai lệch, không chính xác hoặc bỏ sót những nội dung quan trọng theo quy định phải có trong hồ sơ; hoạt động sai mục đích, không đúng chức năng hoặc không đúng nội dung quy định trong GCN đăng ký hoạt động văn phòng đại diện hoặc các quy định pháp luật khác về hoạt động của văn phòng đại diện; không gửi báo cáo theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước...
Văn phòng đại diện của các công ty chứng khoán nước ngoài trong thời gian hoạt động có trách nhiệm báo cáo hoạt động định kỳ hàng quý, năm cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Thời hạn nộp báo cáo quy định trong khoảng 15 ngày kể từ ngày kết thúc quý và trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm.
Ngoài ra, Chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam tạm ngừng hoạt động trong thời hạn tối đa 2 năm trong các trường hợp sau: Buộc phải tạm ngừng hoạt động do không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật về chỉ tiêu an toàn tài chính và có lỗ gộp dưới 50% vốn điều lệ; tự nguyện tạm ngừng hoạt động, với điều kiện đã thanh lý hết các hợp đồng kinh tế liên quan tới nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán.
Chi nhánh tại Việt Nam bị đình chỉ hoạt động nếu không duy trì các điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động chi nhánh theo quy định; không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt sau thời hạn theo quy định của pháp luật về chỉ tiêu an toàn tài chính và lỗ gộp đạt từ mức 50% vốn điều lệ trở lên hoặc không còn đáp ứng đủ điều kiện về vốn để hoạt động chi nhánh.