Quản lý cơ sở thẩm mỹ: Rất cần sự chung tay của cơ quan chức năng

(ĐTTCO) - Báo SGGP ngày 29-6 đăng tải bài 'Bát nháo cơ sở không phép', phản ánh thực trạng nhiều vụ tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở không phép trên địa bàn TPHCM.
Một ca tai biến do tiêm filler được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Một ca tai biến do tiêm filler được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Trả lời phỏng vấn PV Báo SGGP, bác sĩ Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, nhìn nhận, để quản lý có hiệu quả cơ sở thẩm mỹ nói chung rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, nhiều cơ sở làm đẹp khi xảy ra sự cố tai biến mới bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện không phép. Sao lại có thực trạng này?

Bác sĩ HỒ VĂN HÂN: Hoạt động thanh tra, kiểm tra của Sở Y tế thời gian qua cho thấy, nhiều cơ sở, cá nhân cố ý tổ chức hoạt động khám chữa bệnh khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động theo quy định.

Một số cơ sở đăng ký kinh doanh với các loại hình dịch vụ thẩm mỹ (phun, xăm, thêu trên da), cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu… nhưng đã quảng cáo và có thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, hay các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người như phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác hay xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc tê dạng tiêm… xảy ra trên nhiều địa bàn thành phố.

Có cơ sở đã trá hình phòng khám, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở đào tạo nghề để đào tạo lén lút, thực hiện các dịch vụ liên quan thẩm mỹ. Hoạt động trá hình rất tinh vi dưới hình thức cơ sở spa, chăm sóc da hoặc hoạt động trong các căn hộ chung cư không có biển hiệu, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, như: đặt lịch hẹn qua điện thoại, tiếp nhận và thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ tại các khách sạn trên địa bàn, tiềm ẩn nguy cơ gây nên nhiều tai biến nghiêm trọng ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng của người dân.

Sở Y tế TPHCM đã và đang làm gì để kịp thời phát hiện, xử lý triệt để những cơ sở hoạt động “chui” này?

Thời gian qua, Sở Y tế thường xuyên phối hợp với Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) và Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) Công an TPHCM kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều cơ sở, cá nhân cung cấp dịch vụ kỹ thuật thẩm mỹ không phép. Lãnh đạo sở cũng vừa thực hiện đối thoại, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND các quận huyện có số lượng phòng khám tập trung đông (quận 1, quận 3, quận 10) để chỉ đạo phòng y tế, phòng chức năng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng không chấp hành quyết định xử phạt. Định kỳ, Sở Y tế, Phòng Y tế quận huyện và TP Thủ Đức thực hiện sơ kết, tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định trong lĩnh vực khám chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế trên địa bàn. Từ đó, đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm trong quá trình kiểm tra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế.

Người dân làm thế nào để biết cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ đã được cấp phép hay chưa, thưa ông?

Người dân có thể tra cứu vào website của Sở Y tế TPHCM (https://thongtin.medinet.org.vn/) để biết thông tin của các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động. Để sử dụng dịch vụ làm đẹp an toàn, người dân cần lưu ý lựa chọn những cơ sở đã được cấp phép và kiểm tra thông tin về danh mục kỹ thuật (tức các dịch vụ mà bệnh viện, phòng khám được phép thực hiện) trên cổng tra cứu thông tin. Không tiếp tay cho những cơ sở không phép, những người hành nghề không tuân thủ quy định pháp luật, núp bóng, trục lợi, lừa đảo (chẳng hạn đồng ý vào khách sạn hay các căn hộ để thực hiện dịch vụ thẩm mỹ); không lựa chọn cơ sở làm đẹp mà chỉ dựa vào tên gọi trên bảng hiệu như “thẩm mỹ viện”, “viện thẩm mỹ”...

Khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, không nên vội vàng tin ngay mà cần có sự kiểm chứng thông tin cẩn thận thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là cổng tra cứu thông tin của sở, để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở làm đẹp trái phép hoặc có dấu hiệu vi phạm, người dân có thể gọi ngay đường dây nóng qua số 0989.401.155, hoặc tải app Y tế trực tuyến cung cấp thông tin để Thanh tra Sở Y tế kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định.

Ngày 29-6, Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, vừa có quyết định xử phạt Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Đinh Tiên Hoàng (34-36 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1) 4,7 triệu đồng; bà Trần Thị Lý (chủ Cơ sở thẩm mỹ Lý Ngân, số 29D đường Bùi Tư Toàn, phường An Lạc, quận Bình Tân) 45 triệu đồng; Công ty TNHH Healthcare Plus VietNam (Phòng khám Nội tổng hợp, số 169/7-169/9 đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Tân Phong, quận 7) 53 triệu đồng; Công ty TNHH MTV Bệnh viện thẩm mỹ Bác sĩ Lê Văn Sẽ (283/4-6 Cách Mạng Tháng Tám, phường 12, quận 10) 12 triệu đồng; Công ty TNHH Bệnh viện Ngoại khoa Sante (Bệnh viện chuyên khoa, số 11A Đinh Bộ Lĩnh, phường 24, quận Bình Thạnh) 12 triệu đồng.

Các tin khác