Nhiều tồn tại
Ông Trần Văn Úy, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPAY TV), thẳng thắn: “Khi những ông khổng lồ trên thế giới vào Việt Nam, nếu không khéo chúng ta có thể thua ngay trên sân nhà, khi chúng ta bảo hộ ngược, các doanh nghiệp nước ngoài gần như đè bẹp doanh nghiệp trong nước. Không phải ngẫu nhiên, hạ tầng mạng viễn thông công cộng và di động mặt đất để dành cho các OTT (dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp thông qua Internet - PV) nước ngoài muốn làm gì cũng được. Chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ về mặt cơ sở vật chất, do đó cần có chính sách bảo vệ doanh nghiệp trong nước, trong đó có cả các đài phát thanh, truyền hình”.
Các đơn vị trong nước đang đối diện nhiều thách thức trong cuộc cạnh tranh OTT
Đại diện Đài Truyền hình Việt Nam thắc mắc, hiện nay đã có công nghệ mới nào trong việc ngăn chặn các OTT nước ngoài, nhất là những đơn vị tổ chức streaming (truyền phát) máy chủ không đặt tại Việt Nam? Còn đại diện VIEON (ứng dụng streaming phim - chương trình - kênh truyền hình, cung cấp nội dung giải trí chất lượng cao) nhấn mạnh, một số doanh nghiệp nước ngoài chưa được cấp phép nhưng đã thu phí trực tiếp tại Việt Nam bằng tài khoản visa, thậm chí có OTT còn công khai quảng cáo. “Chúng ta sẽ áp dụng việc ngưng hẳn dịch vụ trong quá trình xin cấp phép để tiếp tục hoạt động hay vẫn song song tạo điều kiện, chờ các đơn vị này phối hợp?”, đại diện VIEON đặt câu hỏi.
Trên thực tế, những quan ngại của các đơn vị trong nước không phải không có cơ sở. Không ít lần, các đơn vị OTT nước ngoài, điển hình là Netflix đã đưa sản phẩm có nội dung sai trái, bóp méo, xuyên tạc lịch sử và chủ quyền Việt Nam. Theo ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT), sau khi Nghị định 71 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18-1-2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình có hiệu lực, các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn đang củng cố hồ sơ để các đơn vị không hợp tác, hay cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Cùng gỡ khó
Theo thống kê từ Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, đến hết năm 2022, có 22/38 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình OTT TV. Trong đó số lượng thuê bao OTT chiếm 5,5/17,3 triệu thuê bao truyền hình trả tiền. Doanh thu OTT TV đạt 1.150/9.950 tỷ đồng. Dư địa của lĩnh vực này đang còn rất rộng cả về quy mô thuê bao cũng như doanh thu. Ông Nguyễn Hà Yên chia sẻ, hiện nay có 5 doanh nghiệp nước ngoài (2 đến từ Mỹ và 3 đến từ Trung Quốc) chính thức tham gia thị trường Việt Nam và có nhu cầu cùng hoạt động với các doanh nghiệp trong nước. Tất cả doanh nghiệp đều được Bộ TT-TT có văn bản hướng dẫn, cảnh báo từ cuối 2022. Một số doanh nghiệp đang xem xét để quyết định áp dụng quy phạm pháp luật nào trong hoạt động kinh doanh của họ.
Theo ông Nguyễn Hà Yên, trong trường hợp các doanh nghiệp này tiếp tục vi phạm sẽ áp dụng điều khoản của Nghị định 71 để ngăn chặn và áp dụng điều khoản trong Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản để xử phạt vi phạm. Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, vấn đề xử lý các nền tảng OTT vi phạm cũng tương tự như vấn nạn website lậu vi phạm bản quyền. Hơn 5 năm qua, Bộ TT-TT đã giải quyết hàng ngàn website vi phạm bản quyền. Về mặt quản lý nhà nước, luôn đặt nhận thức người dân là giải pháp cơ bản, bởi tình trạng này sẽ không thể ngăn chặn triệt để nếu người dân vẫn tìm cách sử dụng dịch vụ.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT-TT, nhấn mạnh: “Có những hành vi bị cấm, phải loại bỏ. Nhưng với các loại nội dung đã được phân loại tư duy đang chuyển dần từ quản lý theo kiểu cấm cản sang hình thức cảnh báo để người sử dụng dịch vụ chịu trách nhiệm. Để có môi trường, dịch vụ lành mạnh, bản thân người sử dụng dịch vụ có trách nhiệm bảo vệ mình và người thân. Nhà nước chỉ đưa ra tiêu chí, công cụ... để cảnh báo, rà quét, ngăn chặn việc truy cập dịch vụ. Điều này tránh việc khi có vấn đề xảy ra, người dân luôn đặt câu hỏi cơ quan nhà nước ở đâu. Người dùng sẽ cùng sử dụng và xây dựng để dịch vụ tốt hơn”.
Theo Bộ TT-TT, sự chủ động của cơ quan quản lý nhà nước là chưa đủ, bởi nguồn lực có hạn. Do đó, cần cả sự chung tay, phối hợp của cộng đồng, các hiệp hội và chính các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm: Cùng vào một sân chơi, cùng cung cấp dịch vụ với khuôn khổ pháp lý đã dần hoàn thiện hơn trước, việc tuân thủ pháp luật là xu thế tất yếu.