Xu hướng tất yếu
Dù đồng tình hay phản đối thì thuốc lá thế hệ mới đang được sử dụng phổ biến khắp thế giới. Theo số liệu mới nhất từ Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong số 182 quốc gia tham gia khảo sát, có đến 74% quốc gia ghi nhận sự xuất hiện của thuốc lá điện tử. 60% trong số này đã ban hành chính sách quản lý cho thuốc lá điện tử. Các nước chủ chốt ban hành quản lý thuốc lá điện tử là các nước G7 và các quốc gia thuộc liên minh EU.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa cho phép lưu hành thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới, đặc biệt là thuốc lá điện tử vẫn gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua. Tình trạng này cũng được bà Hà Thị Doánh, Đại diện Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục quản lý Thị trường, Bộ Công Thương cảnh báo tại Hội thảo “Thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam: Khuyến nghị chính sách” do Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam tổ chức ngày 19-3 tại Hà Nội.
Theo bà Doánh, các sản phẩm nhập lậu này không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa, không bảo đảm an toàn chất lượng, tiêu thụ tràn lan trên thị trường “chợ đen”. Điều này đang đặt ra rất nhiều thách thức cho cơ quan quản lý thị trường trong việc kiểm soát và xử phạt bởi lẽ, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chưa có quy định pháp luật quản lý cụ thể.
Các vụ bắt giữ thuốc lá điện tử lậu liên tục trong những năm gần đây cũng phản ánh nhu cầu rất lớn của một bộ phận người tiêu dùng trong việc tìm kiếm các giải pháp thay thế thuốc lá truyền thống và chuyển đổi sang thuốc lá thế hệ mới. Thuốc lá thế hệ mới hiện có 2 loại phổ biến: thuốc lá điện tử (Vaping hay E-cigarette) và thuốc lá làm nóng (HTPs - heated tobacco products). Đây cũng là hai loại đã và đang du nhập vào Việt Nam qua các con đường nhập lậu.
Các nước quản lý thuốc lá thế hệ mới thế nào?
Trước thực trạng tiêu thụ thuốc lá thế hệ mới trở nên phổ biến, nhiều quốc gia có nền y tế cộng đồng phát triển như Vương quốc Anh, New Zealand... đã chọn cách tiếp cận sao cho có thể mang về các lợi ích cho đất nước và người dân.
Ở Anh, kể từ khi thuốc lá điện tử có mặt, tỷ lệ người hút thuốc đã giảm đáng kể, từ 22% năm 2014 xuống còn 12% năm 2020. Bởi theo trang web NHS (Dịch vụ Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia Anh quốc) của Chính phủ Anh, gần 2/3 số người sử dụng thuốc lá điện tử đã bỏ thuốc lá thành công dưới sự hỗ trợ từ Dịch vụ cai thuốc lá tại địa phương.
Trong khi đó, tại New Zealand, theo The Guardian, sau khi cho phép kinh doanh thuốc lá điện tử, tỷ lệ hút thuốc tại đất nước này giảm còn 8%, đưa New Zealand vào nhóm có tỉ lệ hút thuốc thấp nhất thế giới. Cũng tại quốc gia này, việc giảm đáng kể tỷ lệ hút thuốc lá được thực hiện đồng thời với việc sử dụng các sản phẩm nicotin mới.
Ở khu vực châu Á, Malaysia ghi nhận những lợi ích nhất định khi bãi bỏ quy định về nicotin lỏng như một chất độc với các quy định hợp lý. Thị trường thuốc lá điện tử hợp pháp ở Malaysia ước tính đạt 273 triệu USD đô (Euromonitor), giúp Malaysia quản lý được chất lượng và tiêu chuẩn thuốc lá điện tử.
Trong Hội nghị Các bên về kiểm soát thuốc lá lần thứ 10 (COP10), Philippines cho biết tỷ lệ sử dụng thuốc lá của quốc gia này đã giảm đáng kể từ 23,8% năm 2015 xuống 19,5% vào năm 2021 nhờ quản lý thuốc lá hợp lý. Philippines thậm chí còn sử dụng nguồn thu 3 tỉ USD từ thuốc lá và thuốc lá thế hệ mới để hồi phục kinh tế sau Covid-19 và đầu tư vào các dịch vụ công.
Thuốc lá điện tử đã như một giải pháp thay thế cho thuốc lá truyền thống. Theo ước tính do WB cung cấp, nếu việc hút thuốc lá giảm xuống còn một nửa vào năm 2027, thế giới có thể tránh được 180 triệu ca tử vong sớm vì thuốc lá. Và thuốc lá điện tử là một bước quan trọng hướng tới thành tựu này.
Tổ chức Cochrane căn cứ kết quả nghiên cứu vào tháng 4/2021 cũng đánh giá, thuốc lá điện tử nicotin có thể giúp nhiều người cai thuốc hơn là không hỗ trợ hoặc chỉ hỗ trợ hành vi. Có đến 11/100 người có thể cai thuốc thành công khi sử dụng thuốc lá điện tử nicotin để cai thuốc lá điếu, trong khi đó chỉ 4/100 người có thể cai thuốc khi không có hỗ trợ.
Thay vì cấm, nên quản lý tất cả
Trong bài viết đăng trên tạp chí Lancet, 2 vị giáo sư trong lĩnh vực sức khỏe kiêm cựu lãnh đạo WHO là Robert Beaglehole và Ruth Bonita đồng ý rằng, giảm tác hại của việc sử dụng thuốc lá chính là chiến lược trọng tâm của FCTC. Bên cạnh đó thay vì cấm, các quốc gia cần tập trung mục tiêu sức khỏe cộng đồng: giảm thiểu số ca tử vong do thuốc lá điếu gây ra ở người trưởng thành hút thuốc.
Ngoài ra, trong bối cảnh thế giới có nhiều quốc gia đã hợp pháp hóa sản phẩm, việc cấm thuốc lá thế hệ mới là không khả thi cũng như không giải quyết được tận gốc được vấn đề. Bởi khi có nhu cầu mà không thể tìm được nguồn cung hợp pháp, người tiêu dùng đã và sẽ tiếp tục tìm đến các sản phẩm bất hợp pháp với rất nhiều rủi ro.
“Cấm hay mở” cũng là câu hỏi mà đại diện Bộ Y tế vừa đặt ra tại hội thảo. Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, tất cả các văn bản của Bộ Y tế gửi Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành từ trước đến nay đều đề xuất cấm sản xuất kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới trong đó có thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn lắng nghe các ý kiến khác, đặc biệt là những đối tượng đang chịu sự tác động, những lo lắng từ cơ quan quản lý khi hoạch định chính sách, trong đó có tính toán đến các yếu tố kinh tế - xã hội, sự phát triển cho các doanh nghiệp và thuế. Bên cạnh đó cũng phải cân nhắc các vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân.
"Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu để có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ trình lên Chính phủ, đánh giá một cách khách quan, công bằng, công tâm về các sản phẩm này ở thời điểm hiện nay trước khi ban hành các chính sách phù hợp”, bà Thủy nhấn mạnh.
Các đại biểu tham gia hội thảo này cũng cho rằng Việt Nam đã có khuôn khổ khá đầy đủ và tương đồng, có thể áp dụng đồng thời cho thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử hệ thống đóng có chứa nicotine. Thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử có chứa nicotin phù hợp với định nghĩa sản phẩm thuốc lá của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và không thuộc danh mục ngành nghề cấm kinh doanh theo Luật Đầu tư, cho nên chỉ cần đặt ra một số điều chỉnh để phù hợp hơn với yêu cầu quản lý nhằm từng bước hoàn thiện chứ không thể để “khoảng trống” cơ chế như hiện nay.
Việt Nam cũng nên khảo cứu các kinh nghiệm quốc tế và các dữ liệu toàn cầu về xu hướng phát triển và bằng chứng khoa học về giảm thiểu tác hại, rủi ro của thuốc lá thế hệ mới để đưa các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng vào quản lý đồng bộ và đồng thời dưới cùng một khung pháp lý, bao gồm: các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn sản phẩm, điều kiện kinh doanh, sản xuất, xuất - nhập khẩu và phân phối sản phẩm, chính sách về thuế, các quy định về ghi nhãn hàng hóa.