Quan tâm hỗ trợ người nghèo tái tạo sức lao động

(ĐTTCO) - Tái tạo sức lao động hiểu theo cách đơn giản là sự phục hồi sức khỏe, thể chất, tinh thần của người lao động để có thể tiếp tục lao động đạt năng suất và hiệu quả ở mức tốt nhất.

Quan tâm hỗ trợ người nghèo tái tạo sức lao động

Xét ở góc độ thời gian, tái tạo sức lao động gồm tái tạo ở mức độ ngắn hạn với các quãng nghỉ sau một số nhịp làm việc với cường độ cao, nghỉ giữa giờ, nghỉ giữa buổi, nghỉ để ăn nhẹ… trong ngày làm việc; còn ở mức độ dài hạn là những quãng nghỉ sau đợt làm việc dài ngày.

Xét ở góc độ dinh dưỡng, tái tạo sức lao động có thể là nghỉ để uống nước, ăn nhẹ, ăn trưa, ăn xế hoặc bổ sung những dinh dưỡng cần thiết để bù đắp dinh dưỡng đã tiêu hao (nhất là với những công việc có tần suất, cường độ cao).

Xét ở góc độ trạng thái, tái tạo sức lao động phải bao gồm cả thể chất và tinh thần, bên cạnh bổ sung năng lượng, dinh dưỡng cần được “nạp” những yếu tố phi vật chất, như giải trí, thư giãn, tác động tâm lý, tình cảm…

Xét ở góc độ phát triển kỹ năng, nghề nghiệp, tái tạo sức lao động là có những giải pháp để có thể đạt hiệu suất lao động tương đương hoặc tốt hơn, bằng những cách như bồi dưỡng kỹ năng, tập huấn, đào tạo, làm quen với các phương pháp làm việc mới…, kể cả thay đổi môi trường làm việc và tạo sự thăng tiến.

Một trong những giải pháp mang tính căn cơ là có sự phân công, sắp xếp công việc hợp lý, cũng như được trả lương/thù lao tương xứng (với trường hợp làm thuê), hoặc chủ động chọn công việc phù hợp với điều kiện thực tế và có được thu nhập bản thân thấy hài lòng trong mức độ cho phép (với trường hợp tự tạo việc làm).

Một người làm quản lý cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, làm việc bằng tư duy, chất xám và các quyết định đem lại giá trị lớn, có thể được trả lương tính bằng ngàn đô la, có chế độ nghỉ phép nhiều ngày, có chế độ đãi ngộ về đi lại, sinh hoạt, ăn ở mức cao, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm…, giúp họ có thể luôn ở trạng thái khỏe khoắn, năng động, sáng tạo để đưa ra những giải pháp phát triển doanh nghiệp, hoặc điều hành doanh nghiệp đạt kết quả tốt nhất.

Trái lại, một công nhân thu nhập chưa đến 10 triệu đồng mỗi tháng, cách thức tái tạo sức lao động của doanh nghiệp thường là chế độ nghỉ phép theo quy định, mỗi năm có được kỳ nghỉ mát ngắn hạn, các chế độ chăm sóc tương đối đơn giản với món quà nhỏ nhân sinh nhật, thăm nom khi có đau ốm hoặc việc hiếu…

Như vậy, sự tái tạo sức lao động không phải chỉ tùy theo doanh nghiệp mà thường tùy theo vị trí làm việc, phụ thuộc vào khả năng đóng góp của người lao động.

Do đó, vấn đề tái tạo sức lao động của những người lao động có thu nhập thấp, của người nghèo là vấn đề thực sự còn chưa được quan tâm đầy đủ và chưa được giải quyết thấu đáo. Thí dụ, với công nhân, đặc thù công việc của họ là làm ca, kíp, cường độ công việc cao, thường xuyên tăng ca nên ít có thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.

Việc khắc phục thường được một số công ty thực hiện là bố trí diện tích trong khuôn viên để xây dựng khu nghỉ giải lao giữa ca, trước và sau ca làm việc, với tiện ích như không gian xanh, thoáng mát, có bàn ghế, sách báo và đồ uống… để người lao động có điều kiện tái tạo sức lao động, đảm bảo sức khỏe cho lao động sản xuất. Trong ngắn hạn, điều đó có thể đáp ứng được yêu cầu phần nào nhưng về lâu dài không thực sự bền vững và hiệu quả.

Hay với những người lao động tự do (xe ôm công nghệ, shipper, người bán hàng rong…) vấn đề tái tạo sức lao động gần như bị bỏ ngỏ. Nhiều khi áp lực mưu sinh, trách nhiệm gia đình, sự thúc bách của cuộc sống đã làm họ phải “cày ngày cày đêm” và gần như không có khái niệm về tái tạo sức lao động. Với họ, những quãng nghỉ ngắn, ăn vội chút gì đó có thể đã được coi là “bù đắp” rồi.

Chúng ta có thể thấy hình ảnh những người chạy xe ôm công nghệ tranh thủ ngả lưng ngay trên yên xe trước mái hiên nhà nào đó, hoặc dưới bóng cây. Hay một người bán hàng rong ngồi bệt dưới hè phố giở cơm ra ăn với những món đơn giản; công nhân xây dựng nằm ngủ trưa ngay dưới nền công trình, đầu gối lên cục gạch hoặc nón bảo hộ…

Ngoài những khoảnh khắc đó, họ gần như sẽ làm việc liên tục, thường xuyên cho đến khi đổ bệnh, hay có việc gì đó phải nghỉ làm hoặc không thể làm việc được nữa. Đáng nói, tuyệt đại đa số trong nhóm này đều là những người nghèo và chiếm số lượng đáng kể trong đời sống xã hội. Và trên thực tế, cũng không có ai quan tâm giải quyết vấn đề này cho họ.

Giải pháp để khắc phục tình trạng này gần như chỉ có thể thực hiện đối với người lao động trong các tổ chức chính thức (nhất là doanh nghiệp), còn người lao động tự do rất khó giải quyết. Ở các tổ chức, người chủ cần được vận động quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc người lao động theo hướng tạo điều kiện tốt hơn nữa để họ tái tạo sức lao động.

Suy cho cùng, điều này góp phần đem lại lợi ích cho người chủ, bởi khi người lao động được chú trọng tái tạo sức lao động, họ sẽ làm việc đạt hiệu quả và năng suất cao hơn, có sự gắn kết với đơn vị bền chặt hơn. Do đó, người chủ cần có hình thức chia sẻ lợi ích phù hợp với người lao động, từ đó tạo phát triển bền vững, góp phần vào việc nâng cao chất lượng người lao động của toàn xã hội.

Đối với những người lao động tự do, tổ chức công đoàn cần quan tâm vận động họ tham gia các nghiệp đoàn trong điều kiện cho phép. Chẳng hạn, hiện nay người chạy xe ôm, giúp việc nhà… ở một số nơi đã được mời tham gia nghiệp đoàn để giúp đỡ lẫn nhau, động viên thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, cũng như có hình thức hỗ trợ phù hợp.

Ở những nơi đã thành lập được nghiệp đoàn, cần có biện pháp giúp các nghiệp đoàn hoạt động hiệu quả, thực chất, thực sự tham gia vào hỗ trợ người lao động.

Ở giải pháp vĩ mô, các chính sách hỗ trợ người yếu thế cần được quan tâm nhiều hơn để người nghèo được giảm phần nào áp lực mưu sinh, từ đó có thể tự chú trọng chăm sóc bản thân nhiều hơn, cả về sức khỏe, thể chất, tinh thần.

Các tin khác