(ĐTTCO) - Thời gian gần đây có một số chủ DN tích cực sử dụng mạng xã hội để quảng bá cho sản phẩm, dịch vụ và cả phát triển kinh doanh của DN. Xung quanh câu chuyện này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông ĐOÀN ĐÌNH HOÀNG, chuyên gia thương hiệu.
PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá như thế nào về việc các lãnh đạo DN dùng mạng xã hội để quảng bá cho DN?
Ông ĐOÀN ĐÌNH HOÀNG: - Đây là hoạt động rất bình thường trong giao tiếp DN và ngay cả trong lĩnh vực chính trị. Ông chủ Facebook, ông chủ Nhà Trắng và nhiều cái tên trong hầu hết lĩnh vực từ kinh doanh đến chính trị, showbiz, thể thao đều có duy trì giao tiếp trên mạng xã hội. Việc tạo ra một kênh giao tiếp giữa DN/ông chủ DN với cộng đồng xã hội trong đó có người tiêu dùng, nhà đầu tư... là điều tốt cho DN và ông chủ của DN. Vì bằng việc tạo ra một kênh giao tiếp mới, DN/ông chủ DN có cơ hội đối thoại nhiều hơn, kỹ hơn, nhanh hơn, rẻ hơn, tiện hơn với các nhóm cộng đồng có liên quan. Trong số rất nhiều mục tiêu đối thoại, việc quảng bá sản phẩm, dịch vụ của DN cũng là việc bình thường và nên làm.
- Theo ông, việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu của DN qua mạng xã hội có ưu điểm và hạn chế gì?
- Ưu điểm của công cụ mạng chắc hẳn ai cũng có thể nhìn thấy, đó là lan truyền nhanh, khả năng đo lường phản ứng của đối tượng tiếp cận thông tin nhanh, chính xác và chi tiết. Và đặc biệt, chi phí không cao. Nền tảng của quảng bá sản phẩm, thương hiệu qua mạng là khai thác ưu thế lan truyền nhanh của mạng xã hội. Tuy nhiên, những hạn chế của mạng xã hội cũng không phải nhỏ. Có thể kể ra như: tính ẩn danh trong tương tác; diễn biến hành vi trên mạng có thể không tương thích và trong một số trường hợp lại trái ngược với hành vi trong đời thực; có sự khác biệt trong nhận thức và trải nghiệm của chính khách hàng về DN và ngược lại, DN về khách hàng. Chi phí không quá cao nhưng cũng đáng kể; các nhà cung cấp nền tảng (platform) là người sẽ thu lợi lớn hơn từ cộng đồng; DN bị lệ thuộc vào các nhà cung cấp platform. Đặc biệt, rủi ro trong khủng hoảng truyền thông sẽ có nguy cơ bùng phát mạnh mẽ nếu việc quản lý hoạt động truyền thông online không khéo, những scandal có khả năng bị xuất hiện và lan truyền đôi khi không có khả năng cứu vãn, xử lý và gây ra những tác hại khôn lường.
- Có ý kiến cho rằng DN nên đầu tư một phòng marketing online. Ông nhận định như thế nào về ý kiến này? Và theo ông, việc hình thành một phòng marketing online chuyên nghiệp có quá tốn kém so với năng lực của DNNVV hay không?
- Điều này là một nhận định mang tính chủ quan và rất tiếc là không hẳn chính xác. Dù mạng xã hội đúng là một phần của hoạt động online, tuy nhiên việc quảng bá trên mạng xã hội đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật, không đơn thuần là có mở ra trang mạng xã hội. Trước hết, trang mạng xã hội chỉ là kênh giúp các thành viên có cơ hội “tán chuyện” với nhau. Vì vậy, để người khác chịu tán chuyện với anh, anh phải biết ăn nói có duyên, được người đối diện (người khác) ưa thích. Đây chính là kỹ năng viết. Liệu người chủ DN có khả năng viết lách tốt không. Kế đến, anh phải nắm qua những kỹ thuật căn bản để tương tác với kênh online như đưa lên bài vở, hình ảnh, clip… Và để có cái đưa lên, anh phải biết chuẩn bị các vật tư, nguyên liệu cần thiết. Như vậy, anh phải biết chụp, xử lý, thiết kế hình ảnh; phải biết cách quay, dàn dựng, bố cục, sáng tạo kịch bản để tạo ra một clip…
Và cuối cùng, khi một nhóm người đang tán chuyện, anh bỏ đi đâu không biết, liệu có ai còn hào hứng tán chuyện không? Đây chính là quỹ thời gian anh dành cho hoạt động quảng bá trên mạng xã hội. Ngoài ra, những nhà cung cấp mạng xã hội về danh nghĩa là cung cấp miễn phí, nhưng nếu hiểu biết kỹ, không có gì là miễn phí. Anh phải trả tiền để được hiện diện, được tương tác với nhiều người hơn. Trên đây chỉ mới là vài hoạt động trên mạng xã hội.
![]() |
Facebook là một trong những kênh quảng bá hiệu quả cho DN. |
Marketing online còn nhiều thứ hơn. Những gì marketing truyền thống làm được, marketing online hầu như cũng có thể làm được. Từ việc quảng cáo, sáng tạo, thiết kế, chuẩn bị nội dung, hình ảnh, tạo diễn đàn, thu thập ý kiến người dùng, phát triển sản phẩm mới, kích thích mua hàng và thậm chí là bán hàng qua mạng, tối ưu hóa trang web, lập trình… Với hàng loạt hoạt động như nêu trên, nếu DN vẫn thấy mình có thể làm tốt, thì tại sao phải hình thành phòng maketing online.
Chi phí hình thành phòng marketing online tùy thuộc vào ngân sách và tham vọng của DN trong việc đặt ra các mục tiêu marketing online phải giải quyết. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi công đoạn DN đếu tự làm trong nội bộ. DN vẫn có thể chọn giải pháp thuê ngoài, mua ngoài một phần hay toàn bộ.
- Năm 2016 DN Việt Nam sẽ bước vào sân chơi lớn hơn khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành. Ông có chia sẻ gì với các DN khi thực hiện các hoạt động marketing online để mang lại hiệu quả sâu rộng hơn?
- Theo tôi, AEC không có tác động gì nhiều đến hoạt động marketing online của DN. Bản chất của online đã là không biên giới từ trong “bản thể” của loại hình này. Có chăng, hoạt động marketing online sẽ được sử dụng nhiều hơn, chuyên nghiệp hơn, đa dạng hơn vì có sự hiện diện nhiều hơn những DN, những quốc gia đi trước Việt Nam trong hoạt động marketing online.
- Xin cảm ơn ông.