Không chỉ có sự “ghé thăm” rầm rộ của các YouTuber, TikToker, nhiều cửa hàng quần áo cũng nhanh chóng đưa người mẫu đến chụp hình thời trang, hay diễn viên D.N. cũng tranh thủ tung bộ ảnh mới nhất được chụp tại đây. Nhiều tài khoản chia sẻ trên mạng xã hội, hẻm 139 Lý Chính Thắng được gọi là “hẻm Hàn Quốc” vì tòa cư xá cũ cùng đường đi có kẻ vạch trắng, rất giống cảnh trong một bộ phim Hàn đang ăn khách hiện nay.
Đằng sau những video, hình ảnh thu hút triệu lượt thích, là sự bức xúc của không ít người dân trong hẻm. Bởi con hẻm vốn yên tĩnh, ít xe cộ qua lại, trở nên rộn ràng bất đắc dĩ. Nhiều bạn trẻ dành cả ngày để chụp ảnh, quay phim… thậm chí chắn hết lối đi, người dân qua lại phải tránh né, việc trò chuyện lớn tiếng cũng ảnh hưởng đến giờ giấc nghỉ ngơi của nhiều người trong hẻm.
Việc người trẻ “ghé thăm” những địa điểm có góc chụp hình đẹp đã không xa lạ gì, nó trở thành nỗi ám ảnh không ít điểm du lịch, mà nổi tiếng nhất là câu chuyện “Dốc nhà bò” ở TP Đà Lạt. Đến hiện tại, con dốc này vẫn treo bảng cấm chụp hình, quay phim để không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong hẻm. Không ít bạn trẻ vì để có được lượt thích, chia sẻ trên mạng xã hội, sẵn sàng đu trend (trào lưu) bất kể ảnh hưởng đến ai. Trong câu chuyện “hẻm Hàn Quốc”, một điều đáng nói hơn chính là niềm tự hào quê hương ở đâu trong mỗi người trẻ.
Nguyễn Trần Phương Hiếu (30 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Thành phố của mình là thành phố của mình thôi, có góc đẹp và có góc chưa đẹp, bao nhiêu năm nay vẫn thế, chứ không phải là Hàn Quốc hay châu Âu nào hết. Tại sao cứ phải gắn cái mác giống nước này, nước kia thì thấy nơi mình sống mới đẹp, mà không tìm những góc hay ho vốn có để tự hào”.
Người trẻ hiện đại và “xoay” theo các xu hướng trên mạng xã hội cũng không phải là điều gì xa lạ và khó chấp nhận. Tuy nhiên, làm gì cũng phải ý thức và trước hết hãy ý thức và tự hào về chính mình, nơi mình sinh sống chứ không phải gắn mác với bất kỳ quốc gia nào.