CTCP Quản lý quỹ VinaWealth (thuộc Tập đoàn VinaCapital) vừa ra mắt Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh VinaWealth (VFF). Đây là quỹ mở đầu tiên tại Việt Nam được UBCKNN cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng chỉ đầu tư công chúng. Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi đang có xu hướng giảm, đầu tư vào quỹ này liệu có hấp dẫn? Ông ĐẶNG VỊ THANH, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân, Công ty Quản lý quỹ VinaWealth, cho biết:
Ngồn vốn VFF nhắm đến là NĐT cá nhân và tổ chức, những người có yêu cầu khoản vốn đầu tư của mình được bảo toàn, thu nhập ổn định và ít biến động. Riêng các NĐT tổ chức có nguồn tiền nhàn rỗi, đang xây dựng chương trình đầu tư phúc lợi cho nhân viên, cũng có thể xem xét đầu tư vào VFF.
Đặc biệt, những NĐT bị hạn chế về nguồn lực, thời gian, kinh nghiệm, thông tin thị trường, vốn… thì VFF cũng là sản phẩm, công cụ có thể cân nhắc. VFF sẽ cung cấp công cụ thích hợp để NĐT có thể tích lũy tài sản dài hạn, đạt mục tiêu tài chính cao hơn.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, đây có phải là thời điểm thích hợp để đầu tư vào thị trường trái phiếu?
Ông ĐẶNG VỊ THANH: - Đây là thời điểm tốt để đầu tư vào thị trường trái phiếu, bởi với NĐT chuyên nghiệp, trái phiếu luôn là tài sản cần thiết trong danh mục được đa dạng hóa.
Hơn nữa, các yếu tố kinh tế vĩ mô đang giúp việc đầu tư trái phiếu thuận lợi và hiệu quả, trong khi các kênh đầu tư như vàng, tiền tệ, TTCK, bất động sản… chưa có dấu hiệu phục hồi. Đầu tư trái phiếu ngoài yếu tố ổn định còn cho tỷ suất sinh lợi tốt nhất so với các kênh trên.
Theo tính toán của chúng tôi, năm 2012 lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) là 8,9%, cao hơn lãi suất tiền gửi chỉ 8%/năm. Về triển vọng, năm 2013 TTCK vẫn biến động, vàng không còn là kênh đầu tư tốt, rủi ro thị trường và chính sách cao, vì thế vẫn là cơ hội của trái phiếu.
Dự báo về các điều kiện kinh tế vĩ mô năm 2013: lạm phát duy trì mức 7-7,5%, tỷ giá 21.500 đồng/USD, NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất thêm 1% trong nửa đầu năm… Những diễn biến này tiếp tục là yếu tố hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển, nên đây là cơ hội cho VFF.
Riêng thanh khoản thị trường trái phiếu cũng không quá lo ngại. Theo thống kê hiện tại, giao dịch trên thị trường thứ cấp của trái phiếu hiện ở mức 2.7000 tỷ đồng/tháng, nên VFF có nhiều cơ hội để giải ngân đầu tư trên thị trường này.
Ông Sebastian Subba, Tổng giám đốc VFF giới thiệu |
- Hiện có nhiều quỹ đầu tư trái phiếu, liệu VFF có hấp dẫn hơn? VFF sẽ đầu tư vào đâu và triển vọng như thế nào?
- Danh mục đầu tư mục tiêu của VFF gồm ít nhất 80% trái phiếu. Tài sản của VFF được phép đầu tư gồm TPCP hoặc trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tín phiếu kho bạc, trái phiếu doanh nghiệp, công cụ thị trường tiền tệ và các tài sản được phép đầu tư khác theo quy định.
Mục tiêu của quỹ sẽ đạt tỷ lệ lợi nhuận cao hơn lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng. Thời điểm hiện tại ít nhất cao hơn 3% so với lãi suất tiền gửi.
Trên thị trường hiện có một số quỹ chuyên đầu tư trái phiếu. Theo thống kê của các tổ chức độc lập, trong 3 năm 2009-2011, quỹ chúng tôi đang quản lý cho lợi nhuận tốt hơn. Quỹ trái phiếu chúng tôi quản lý được thành lập năm 2008, đến tháng 1-2012 đạt danh mục trị giá 128 tỷ đồng, tăng lên 193 tỷ đồng, tương đương mức tăng 15%/năm.
So với lạm phát bình quân cùng kỳ 12%, hay mức tiền gửi cao nhất 13%, rõ ràng danh mục đầu tư trái phiếu tốt hơn. Với quy trình đầu tư có kỹ luật, VFF sẽ tiếp tục duy trì kết quả đạt được.
Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư trái phiếu năm 2013 vẫn tiếp tục tăng. Thí dụ các NHTM do thanh khoản cải thiện, tăng trưởng tín dụng năm 2012 không cao, có nguồn vốn thặng dư, nên trái phiếu là tài sản đầu tư ưa thích.
Ngoài ra, các NĐT chính trên thị trường cũng tăng cường giải ngân vào trái phiếu để tranh thủ cơ hội khi lãi suất đang giảm.
Mặt khác, yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định cũng là một cơ sở để giải ngân đầu tư trên thị trường trái phiếu. Theo đó, chúng tôi sẽ duy trì danh mục đầu tư trái phiếu 3-5 năm và nếu thanh khoản thị trường thuận lợi sẽ phân bổ nhiều hơn vào trái phiếu kỳ hạn 5 năm. Trong từng điều kiện thị trường cụ thể, lợi suất trái phiếu biến động theo kinh tế vĩ mô hay thị trường, VFF sẽ có những quyết định phù hợp.
- Đầu tư vào VFF, những quyền lợi hợp pháp có được bảo đảm? Khi NĐT cần tiền muốn chuyển đổi danh mục hay thoái vốn thì thanh khoản và phí như thế nào?
- Chắc chắn quyền lợi NĐT sẽ được đảm bảo vì VFF là quỹ mở, sản phẩm đầu tư chính thống trên thị trường Việt Nam. Có nhiều tổ chức/cơ chế đóng vai trò giám sát hoạt động của quỹ, bao gồm UBCKNN, NHNN, công ty kiểm toán, đại hội cổ đông…
Ngoài ra, VFF có chính sách đầu tư và quản trị rủi ro, mọi hoạt động theo điều lệ và ngân hàng giám sát hoạt động của quỹ trên điều lệ đó. So với quỹ đóng, quỹ mở có 2 yếu tố thuận lợi: giao dịch trực tiếp với quỹ và giá giao dịch là giá trị tài sản ròng của quỹ.
Về việc giới hạn mức tối đa trong 1 kỳ giao dịch không quá 10% giá trị tài sản ròng, là biện pháp bảo vệ NĐT. Bởi lẽ, nếu phải bán tài sản của quỹ không đúng thời điểm, mức giá thấp sẽ ảnh hưởng đến tài sản của NĐT trong quỹ.
Có thể thấy, đầu tư vào quỹ đầu tư trái phiếu có lợi hơn gửi tiền ngân hàng có kỳ hạn và lãi suất cố định. Nếu NĐT rút tiền trước hạn ở ngân hàng chỉ hưởng lãi suất không kỳ hạn, trong khi với VFF ngoài cơ hội lãi suất cố định của trái phiếu, người điều hành quỹ có thể giao dịch trái phiếu để hưởng chênh lệch giá, những khoản lợi nhuận đó sẽ làm tăng giá trị tài sản ròng của quỹ.
NĐT có thể bán chứng chỉ quỹ bằng cách yêu cầu quỹ mua lại, không bị phạt lãi suất. Hiện VFF thu phí phát hành lần đầu 0,5%, phí yêu cầu mua lại 0,7% hay các phí VFF được hưởng là 1% trên giá trị tài sản ròng quỹ tạo ra. Đây là mức phí hợp lý, vì mục tiêu của chúng tôi là mong muốn đem sản phẩm ra thị trường phục vụ NĐT sớm nhất.
- Xin cảm ơn ông.