Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 9/8/2018 về việc giao nhiệm vụ cho các bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng và Quy hoạch phát triển điện lực (Quy hoạch Điện VIII).
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Mạnh Cường, Phòng Phát triển Hệ thống điện, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) - đơn vị tham gia xây dựng Quy hoạch Điện VIII.
- Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng Quy hoạch Điện VIII theo yêu cầu của Chính phủ. Vậy việc thực hiện như thế nào và thời điểm nào Bộ dự kiến sẽ hoàn thành dự thảo để trình Chính phủ, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Hiện Chính phủ đã thông qua đề cương Quy hoạch Điện VIII do Bộ Công Thương trình lên, nhưng hiện Bộ Công Thương vẫn chờ Chính phủ chính thức ký Quyết định giao nhiệm vụ. Tuy nhiên, hạn hoàn thành Quy hoạch Điện VIII là tháng 6/2020, nên ngay từ đầu năm nay, Bộ Công Thương đã phải triển khai rất tích cực vấn đề này.
Việc xây dựng Quy hoạch Điện VIII là rất phức tạp. Đầu tiên, Bộ Công Thương phải tính toán dự báo phụ tải, lấy số liệu kinh tế-xã hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự báo về tăng trưởng kinh tế. Từ đó, tính toán các nguồn điện; trong đó, phát triển điện gió, điện than, năng lượng tái tạo như thế nào để phù hợp với nền kinh tế.
- Thưa ông, hướng xây dựng Quy hoạch Điện VIII có khác gì so với những quy hoạch điện trước đó không?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Quy hoạch Điện VIII sẽ khác cơ bản so với các quy hoạch điện khác. Các Quy hoạch Điện VI, Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh vẫn chủ yếu dựa vào nguồn điện truyền thống như thủy điện, nhiệt điện, các tuabin khí. Nhưng Quy hoạch Điện VIII sẽ là quy hoạch điện của thời kỳ năng lượng tái tạo, nên cách làm khác hẳn.
Bởi lẽ, điện Mặt Trời và điện gió phần nhiều do thời tiết quyết định, trong khi đó lại không được gián đoạn cung ứng điện cho người dân nên cách thiết kế trong Quy hoạch Điện VIII cũng sẽ phải khác đi. Bởi, thông thường một năm có khoảng 1.780 giờ chiếu sáng nên chúng tôi đang xây dựng để có cơ chế sử dụng công nghệ làm sao đạt hiệu quả hơn.
- Quy hoạch Điện VIII sẽ đặt vấn đề thu hút vốn đầu tư trong xây dựng nguồn điện và lưới điện ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Trong Quy hoạch Điện VIII, chúng tôi sẽ đặt ra vấn đề giả thiết, chi phí đầu tư trong tương lai của các dạng năng lượng sẽ càng ngày càng giảm thì đầu tư bao nhiêu. Về thu hút đầu tư, lưới điện sẽ áp theo quy định Luật Điện lực, còn lưới truyền tải sẽ thuộc công ty truyền tải. Về vấn đề xã hội hóa để thu hút đầu tư đường dây phải có cơ chế riêng.
Với công suất nguồn, trong tương lai sẽ là tỷ lệ, cơ cấu các nguồn ra sao, đặt ở đâu, bao nhiêu MW cũng cần phải tính toán trong quy hoạch này để các doanh nghiệp nhìn vào đó tham gia đầu tư.
Hay như vấn đề thu hút đầu tư bằng giá điện, nếu giá điện tốt, hợp lý thì Chính phủ không cần nhiều cơ chế mà xã hội tự họ sẽ đầu tư vào nguồn, đơn cử như đầu tư điện Mặt Trời vừa qua. Trong Quy hoạch Điện VIII, chúng tôi có riêng một chương về cơ chế chính sách về vốn, đấu thầu dự án điện, lưới truyền tải... Tất cả các vấn đề về đầu tư lưới điện, nguồn điện, vốn... đang được Bộ Công Thương tổng hợp và thực hiện. Hy vọng, tháng 6/2020 sẽ có dự thảo lần 1.
- Trong bối cảnh hiện nay, nguồn thủy điện đã khai thác cạn kiệt, nhiệt điện than và khí gặp nhiều khó khăn về nguồn cung nhiên liệu hóa thạch. Vậy theo ông cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch Điện VIII sẽ như thế nào và có tính tới việc thực hiện dự án điện hạt nhân hay không?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Về nguồn cung ứng, thời gian tới, với điện nhập khẩu, phía Lào và phía Nam của Trung Quốc có lượng điện mà chúng ta có thể nhập khẩu. Đây là một nguồn cung ứng không nhỏ cho Việt Nam.
Với năng lượng tái tạo, phải khẳng định càng đưa vào nhiều càng tốt. Cái quan trọng là chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam, làm sao phát triển công nghiệp sử dụng ít điện, nhưng sinh ra nhiều tổng sản phẩm trong nước (GDP). Chứ hiện nay, chúng ta đang sản xuất công nghiệp nặng, như thép, ximăng... thì dùng điện Mặt Trời là không thể tải được. Do vậy, chính sách phải tương đối đồng bộ.
Hiện tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu nguồn điện mà Bộ đang nghiên cứu ở các mức 10%, 20%, 50% và thậm chí là 80% trong tương lai. Tỷ lệ cụ thể ra sao phía Viện Năng lượng vẫn đang tính toán. Tháng 6/2020 khi có bản dự thảo lần 1 thì có thể lấy ý kiến các chuyên gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị quốc tế.
Với điện hạt nhân, trong Quy hoạch Điện VIII, đây là nguồn có tính ổn định, công suất lớn, giá rẻ, mặc dù các nhà khoa học rất thích nhưng vẫn còn đó nhiều lo ngại về an toàn, ô nhiễm. Tuy nhiên, nếu có thể làm tốt thì cũng không đáng lo ngại. Chúng ta cũng luôn để mở khả năng của điện hạt nhân, chứ không hoàn toàn đóng lại.
Tổng thể lại, về mặt chủ trương, Quy hoạch Điện VIII sẽ đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Bởi, thứ nhất là đảm bảo môi trường. Thứ hai là chi phí đầu tư đang giảm mạnh thời gian gần đây và những năm tới, do vậy, chi phí đầu tư càng ngày càng rẻ.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.