(ĐTTCO) - Trên trang 5 báo SGGP ra ngày 24-11 có bài viết Muôn kiểu nhàn rỗi của người trẻ, phản ánh thực trạng một bộ phận người trẻ hiện ay thay vì làm những điều có ích, lại chọn những hành động, việc làm vô bổ. Không chỉ vậy, giờ đây, người trẻ còn có xu hướng quan tâm đến các câu chuyện soi mói đời tư của người khác, tiếp cận các kênh thông tin chạy theo lượt view... Sa đà, soi mói cũng trở thành thói xấu của người trẻ hiện đại.
Sáng giá nên bị “ném đá”!
Mấy ngày nay, một clip được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng về một bạn trẻ tham gia game show Ai là triệu phú? trên truyền hình nhưng không biết El Nino là hiện tượng thời tiết hay rau đay nấu với canh cua… Thông tin trên ngay lập tức xuất hiện khắp các trang báo mạng dành cho giới trẻ và nhận nhiều bình luận.
Và cũng gần như ngay lập tức, tên tuổi, công ăn việc làm của cô gái này được cập nhật với những bình phẩm không thể ác ý hơn: “Trông mặt thế kia mà là kỹ sư?; dốt thế sao đi thi làm gì cho khổ nhỉ; tớ mới học cấp ba nhưng tớ biết rau đay nấu với canh cua là ngon nhất, chị này có đi học không mà chuyện đó cũng không biết?”.
Khoan nhắc đến những ý kiến về chuyện cô gái trẻ này đúng hay sai khi đi thi một cuộc thi về kiến thức mà lại hổng… kiến thức thường thức, hay những chiêu thức câu like của đơn vị nào đó, chỉ cần nhắc đến chuyện bỗng nhiên một ngày, cô gái 24 tuổi trở thành trò cười để cư dân mạng ném đá, soi mói, liệu có đáng?
Cũng mới đây thôi, nghệ sĩ T.T đã phải lên trang Facebook cá nhân của mình viết dòng tâm thư giãi bày về mối quan hệ của mình với bạn gái bằng lời lẽ van xin các tờ báo mạng buông tha cho họ. Sở dĩ T.T phải làm vậy bởi trong suốt 1 năm họ yêu nhau, có quá nhiều trang báo mạng viết theo lối suy diễn, đồn thổi, nhất là chuyện đời tư của cặp đôi này. Họ làm gì, ở đâu, ăn gì, mặc như thế nào, hở tới đâu… cũng trở thành đề tài để một số trang báo mạng khai thác và cộng đồng người trẻ xúm vào “ném đá”.
Vẫn biết, là nghệ sĩ thì bị soi mói đời tư là chuyện đương nhiên thế nhưng có những người không phải là nghệ sĩ cũng bị soi mói bởi trót liên quan tình cảm đến một nhân vật của công chúng hoặc bị xuất hiện trên những bài báo có lối khai thác dựa vào sự sơ hở của người khác. Độc giả càng tò mò về cuộc sống của họ thì họ càng bị soi mói. Từ đó nhất cử nhất động của họ, thậm chí người thân của họ đều được “chăm sóc” kỹ và trở thành đề tài của nhiều trang báo mạng. Không dừng lại ở đó, một thời gian sau, các trang báo mạng lại “đào xới” theo kiểu “nhân vật A ngày ấy, bây giờ” để tiếp tục kích thích sự tò mò của độc giả.
Đọc nhiều, tò mò nhiều về chuyện riêng tư của người khác sẽ hình thành trong đầu giới trẻ thói quen soi mói những người xung quanh. Có nghệ sĩ còn bảo: “Hớ hênh chút là bị “ném đá” ngay, nên phải thuê hẳn một ê kíp chăm lo truyền thông, từ mặc gì, cười thế nào, nói gì cho phải phép với cộng đồng”.
Tự bảo vệ mình
Chỉ cần làm một cuộc khảo sát nhỏ với người trẻ lứa tuổi dưới 23, chúng tôi nhận thấy các bạn quan tâm rất nhiều đến đời tư nghệ sĩ và các hot boy, hot girl hay những cá nhân được các trang báo mạng “sủng ái” bằng những bài viết khai thác triệt để mọi mối quan hệ của họ. Chỉ cần điểm mặt, các bạn có thể đọc vanh vách họ tên thật, ngày tháng năm sinh, gia cảnh thế nào, nổi tiếng nhờ đâu, có bao nhiêu mối tình, làm ở đâu, bảng điểm thời đi học của họ. Trong khi hỏi kiến thức thường thức về đất nước con người Việt Nam thì nhiều bạn gãi đầu, cười trừ bởi… không nhớ.
Cô gái trẻ tham gia cuộc thi Ai là triệu phú, đang được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian gần đây. |
Cũng phải, khi xã hội càng “mở”, phương tiện truyền thông càng tiên tiến, trăm thứ đều xuất hiện trên báo mạng, trên mạng xã hội, kéo theo một bộ phận người trẻ nhàn rỗi thích soi mói đời tư người khác, đến không thể kiểm soát. Mà không chỉ có người nổi tiếng, nhiều câu chuyện từ đời thường cũng khiến dư luận phải suy nghĩ.
Nguyễn Thị Mai L. (Trường THPT Long Trường, quận 9, TPHCM) bị các bạn soi gia cảnh và rỉ tai nhau tin ba mẹ nợ nần phải trốn nợ khiến L. vô cùng tủi hổ. “Ban đầu có bạn thắc mắc hỏi em sao cả năm học chỉ có 1 chiếc áo dài, một đôi dép sandal. Em chỉ cười cho qua chuyện, không ngờ các bạn soi mói chuyện gia đình em rồi đưa ra những bình luận ác ý khiến em rất buồn”, L. cho biết.
Còn Phan An H. (17 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) mất một thời gian dài mới lấy lại cân bằng tâm lý. Học giỏi, có ngoại hình ưa nhìn, cao ráo, Hòa được thầy cô giáo và các bạn khác phái quý mến nhưng lại trở thành đề tài để một số bạn nữ soi mói, nói xấu. Trong mắt các bạn khi đó, Hòa là đứa con ngoài giá thú, bị nhà nội ruồng bỏ nhưng luôn tỏ ra là “cái rốn của vũ trụ”.
Hòa từng tâm sự với một chuyên viên tư vấn tâm lý: “Có lúc em đã muốn nghỉ học, muốn chuyển trường, thậm chí muốn tự tử bởi làm gì cũng không vừa ý các bạn”.
Theo một khảo sát quốc gia (có giới hạn phạm vi và đối tượng) do Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, WHO, UNICEF thực hiện, có khoảng 9% học sinh nói từng có ý định tự tử, 6% đã có kế hoạch quyên sinh vì gặp nhiều vấn đề. Đặc biệt trong đó là những trò nói xấu lẫn nhau trong trường học và trong cuộc sống.
“Không tự bảo vệ mình thì ai sẽ bảo vệ mình khi xã hội bây giờ là xã hội truyền thông, mọi thứ cứ lồ lộ trên báo mạng, trên mạng xã hội. Người ta đủ rảnh rỗi chỉ để giết người bằng một câu nói hay một cú click chuột”, một chuyên viên tâm lý đúc kết.