DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang gây lo ngại trước tình trạng chuyển giá, “xù” nợ bỏ trốn hoặc đầu tư lấp lửng, gây ảnh hưởng đến đời sống và môi trường. Về vấn đề này ĐTTC Online đã có nhiều bài phản ánh. Nay Tòa soạn đăng bài phỏng vấn của Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) Đỗ Nhất Hoàng (ảnh) trả lời Báo Lao Động, để bạn đọc tham khảo thêm.
Sau khi rà soát hàng trăm dự án sân golf mọc lên “vô tội vạ” gây bức xúc dư luận, loại bỏ nhiều dự án không khả thi, Bộ KH-ĐT khẳng định tiếp tục rà soát chặt một loạt dự án FDI lĩnh vực khác. Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng nói:
- Sau các dự án sân golf, hiện chúng tôi đang lên kế hoạch kiểm tra một loạt các dự án FDI về thép, ximăng và bất động sản (BĐS) – những dự án tiêu tốn nhiều năng lượng nhưng không khả thi về hiệu quả.
Trong số đó, lĩnh vực BĐS đang tiến hành kiểm tra, sắp tới sẽ bố trí kế hoạch rà soát một số dự án về thép và ximăng. Nếu dự án nào không hiệu quả sẽ xem xét để dừng dự án, còn với những dự án mà nhà đầu tư gặp khó khăn thì bộ sẽ bàn cách tháo gỡ.
Các dự án về BĐS đăng ký rất ít trong năm nay, hiện tổng vốn đăng ký chỉ khoảng 300 triệu USD, vì vậy tiến độ rà soát sẽ nhanh chóng hoàn thành và có kết quả sớm.
- Phản ứng của Cục trước tình trạng các DN nước ngoài vào VN hoạt động thiếu hiệu quả như thế nào, thưa ông?
- Trước hết, phía ngân hàng có trách nhiệm thẩm định và cho vay vốn, việc đánh giá dự án có khả thi hay không thì hệ thống ngân hàng xem xét trước. Ngân hàng phải thực hiện đúng quy định về vấn đề cho vay vốn, có thế chấp và hoàn trả cụ thể, nếu vi phạm phải xử lý theo quy trình của Luật Ngân hàng. Về phía cục, nếu xác định có thông tin các dự án cụ thể của từng địa phương sẽ kịp thời chấn chỉnh.
- Ngoài những lĩnh vực truyền thống thì theo ông, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng… phải chăng chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút FDI các ngành công nghệ cao, bền vững?
- Các nhà đầu tư ngoài nước đương nhiên cần so sánh và lựa chọn quốc gia trước khi quyết định bỏ tiền vào đầu tư, đặc biệt với lĩnh vực “ngốn” nhiều tiền như các ngành công nghệ cao. Thực tế, thời gian qua vẫn có nhà đầu tư tiếp cận thị trường VN về sản xuất pin năng lượng mặt trời, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư luôn đòi hỏi rất kỹ càng về nguồn nhân lực chất lượng cao của nước ta. Vì vậy, chúng tôi đã xác định và đưa vấn đề này vào xúc tiến đầu tư để chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của họ.
- Dù đã gần hết năm, song dòng vốn đầu tư vào VN vẫn chưa thấy có nhiều đột biến như dự đoán. Ông nhận định gì về điều này?
- Để đầu tư cần phải có quá trình. Thời gian qua có nhiều hội thảo về dòng đầu tư vào VN, trong đó có Nhật Bản. 40% DN nước này được hỏi cho rằng thật sự có nhu cầu đầu tư vào VN. Dòng đầu tư thì đã nhìn thấy, nhưng để nhìn ra con số cụ thể thì cần có thời gian.
Ngoài ra, do việc giải ngân cần có lộ trình nên phải có thời gian, bởi tiến độ giải ngân năm nay liên quan đến năm trước. Giải ngân hiện tại có giảm đi, như một số nhà đầu tư gặp khó khăn ở nước “mẹ” nên có điều chỉnh. Một số tập đoàn lớn xin dãn tiến độ dự án, cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
- Vậy ông dự báo gì về con số thu hút FDI đến hết năm?
- Đúng là có dấu hiệu vốn đăng ký FDI đang chững lại. Từ nay đến cuối năm có khả năng khó đạt được con số (với khoảng 20 tỉ USD). Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng vào chất lượng của dự án vì con số giải ngân vẫn tăng đều, điều đó chứng tỏ chất lượng đầu tư.
Bên cạnh đó, vừa qua Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các DN FDI, nên những nhà đầu tư vận dụng luật pháp chưa chặt chẽ để đầu tư không dám đầu tư nữa và nhường chỗ cho những dự án quy mô nhỏ, nhưng chất lượng.
Một lý do khiến vốn FDI chững lại nữa là thường các dự án BĐS đăng ký vốn lớn khiến tổng vốn FDI tăng lên, nhưng do thời gian gần đây giảm số lượng dự án đăng ký, thay vào đó là các DN ngành công nghiệp chế tạo chiếm 50% tổng vốn. Đây mới là ngành phát triển vốn FDI bền vững.
- Cảm ơn ông.