Rành mạch về chuẩn “mật”

(ĐTTCO) - Tuần qua, tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về các báo cáo trong lĩnh vực tư pháp, phòng chống tham nhũng năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (ảnh) thốt lên: Truy tố oan làm tan nát số phận con người thì công khai, ai làm oan thì lại “mật”. 
Năm 2019, số trường hợp bị oan tăng 50% so với năm 2018, nhưng con số cụ thể không công khai. Đây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu Ủy ban Tư pháp kiên trì nhắc lại yêu cầu không lạm dụng dấu “mật”.
Thực hiện đúng phương châm “khen, chê có địa chỉ”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, qua thẩm tra các báo cáo lần này, bà nhận thấy báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao rất minh bạch, còn lại báo cáo của Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đều đóng dấu “tối mật” vào nhiều nội dung “không thể coi là “mật” được”.
Bà Nga cũng bày tỏ băn khoăn vì sao số phạm nhân tự sát, trốn trại tại trại tạm giam, nhà tạm giữ hay số lượng cán bộ, chiến sĩ trại giam vi phạm cũng là “tối mật” và không được nêu trong báo cáo của Bộ Công an. Điều này dẫn đến khó khăn cho công tác thẩm tra, ảnh hưởng đến tiếp cận thông tin của đại biểu và cử tri. Ủy ban Tư pháp đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo cụ thể có bao nhiêu trường hợp bị oan theo quy định tại Điều 18 và Điều 34 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Phản hồi ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí giải thích, các bộ, ngành vẫn đang chuẩn bị hoặc đã trình danh mục tài liệu mật theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, nhưng chưa được thông qua, nên vẫn phải thực hiện theo quy định cũ.
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Luật Tiếp cận thông tin đều đã có quy định về vấn đề này, song tình trạng lạm dụng dấu “mật” vẫn không hiếm. Vẫn còn những khoảng mờ ngay trong Luật Tiếp cận thông tin về phạm vi, tính chất tài liệu được xác định “mật”.
Điều 6 về tiếp cận thông tin quy định “thông tin công dân không được tiếp cận”, “thông tin mật” khá định tính và tạo ra kẽ hở cho các quyết định mang tính chủ quan khi nêu đó là loại thông tin mà “công dân tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”. “Thông tin thuộc bí mật công tác”, “thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước” cũng được liệt kê trong danh mục này.
Một điểm bất hợp lý hiện nay là trong khi chế tài cho hành vi làm lộ bí mật được quy định rất rõ trong Bộ luật Hình sự 2015 với những hình phạt nghiêm khắc, kể cả trong trường hợp vô ý (có khung phạt tù tối đa lên tới 7 năm đối với trường hợp vô ý và 15 năm trong trường hợp cố ý); thì ở chiều ngược lại, hiện chưa có văn bản pháp quy nào nêu hình phạt cụ thể cho hành vi lạm dụng dấu “mật”.
“Khoảng trống” này rất dễ dẫn đến lạm dụng; làm ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của người dân cũng như hoạt động của bộ máy nhà nước, trong đó hệ quả dễ nhận thấy là hạn chế hiệu quả của công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Người dân luôn chờ đợi một sự rành mạch, dứt khoát có tính định lượng cao về chuẩn “mật” để họ được thực hiện quyền “được biết, được bàn, được kiểm tra” mà Hiến pháp đã xác định.

Các tin khác