
Sáng 15-5, tại TPHCM, Hội DN HCNCLC và Trung tâm BSA tổ chức hội thảo “Dòng chảy pháp luật 2024–2025 & Những khuyến nghị cho doanh nghiệp”.
Tại Hội thảo Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, giới thiệu và phân tích hai Nghị quyết lớn của Bộ Chính trị là Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật và Nghị quyết 68 về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Giới thiệu báo cáo toàn cảnh dòng chảy pháp luật 2024–2025, với nhiều điều chỉnh liên quan đến: Thuế VAT, TNDN, TTĐB, môi trường; chính sách đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; quy định thương mại điện tử, bảo vệ người bán nhỏ lẻ; cải cách thủ tục đất đai, quy hoạch, chất lượng sản phẩm.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nói thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, nên xây dựng pháp luật là đột phá của đột phá. Nghị quyết 66 ít nổi bật, nhưng đây là nghị quyết mang tính nền tảng cho sự vận hành của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, các luật và nghị định thời gian tới. Với Nghị quyết 66, Việt Nam có thể có bước chuyển đổi trạng thái căn bản, biến luật pháp, ban hành chính sách từ chỗ là rào cản thành lợi thế của Việt Nam.
“Điểm chung của Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 chuyển đổi trạng thái ban hành chính sách. Trước đây tháo gỡ các rào cản thì nay phải làm sao để tạo lợi thế. Đó là sự chuyển đổi trạng thái mang tính chủ động” – ông Đậu Anh Tuấn nói.
Sự thay đổi, đầu tiên, theo ông Tuấn, có thể nhận ra ngay là từ cách viết. Các Nghị quyết 66 và 68 hay 57 và 59 trước đó đều có cách viết đơn giản để mọi người dân, doanh nghiệp đều hiểu được, khác hẳn cách viết nhiều lớp nghĩa trước đây.
Cũng theo ông Tuấn, trước đây để soạn một luật mất rất nhiều thời gian, thậm chí qua 2-3 kỳ họp quốc hội. Rất nhiều tắc nghẽn trên thực tiễn mà không giải quyết kịp. Nhưng nay quy trình xây dựng pháp luật đã được thay đổi, nhiều đạo luật thông qua ngay trong 1 kỳ họp thay vì 2 như trước đây. Quy trình xây dựng chính sách và soạn thảo đã rút ngắn hơn rất nhiều.
Một điểm khác, tuy không liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp nhưng cho thấy một sự đột phá trong tư duy xây dựng luật pháp, chính sách và có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng pháp luật, chính sách. Đó là sự chú trọng đầu tư cho bộ, phận pháp chế, xây dựng luật pháp.
Cụ thể, Nghị quyết 66 quy định: hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng đối với người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị.
Với Nghị quyết 68 (về kinh tế tư nhân), theo ông Tuấn hiếm có Nghị quyết nào xuất hiện nhiều trên báo chí như Nghị quyết này. Đây là bước ngoặt về tư duy. Trước đây khu vực tư nhân là khu vực bị hạn chế thì nay, “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”.
Ông Tuấn nhắc đến nhiều điểm nổi bật của Nghị quyết 68 như mục tiêu đến năm 2023 có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, đồng thời trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á....
Để đạt những mục tiêu này, Nghị quyết 68 đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp nhất là nhóm DNNVV cũng như DN khởi nghiệp sáng tạo.
Chia sẻ cùng các doanh nghiệp tham gia, ông Tuấn bày tỏ thời gian gần đây, Việt Nam đang chứng kiến một sự thay đổi bước ngoặt trong việc thảo luận, sửa đổi, ban hành chính sách, pháp luật, với một “tốc độ nhanh chưa từng có”.
Mặt tích cực, việc này có thể giúp giải quyết nhanh chóng, ngay lập tức các vấn đề cấp thiết của người dân, doanh nghiệp, nhưng mặt trái là với tốc độ nhanh như vậy, nếu chính sách ra nhanh quá, thì rủi ro cho người kinh doanh cũng lớn hơn. Đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm bắt nhanh, và hiểu sâu sắc hơn về các chính sách, luật pháp liên quan đến hoạt động của mình.