Rào cản thị thực

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ vừa tổ chức vào đầu tháng 6, nhóm công tác du lịch của VBF đã công bố con số khiến nhiều người băn khoăn. Đó là lệ phí thị thực ở Việt Nam đang cao thứ 2 châu Á. Bên cạnh đó, mặc dù có khả năng cạnh tranh hơn các nền kinh tế khác, một điểm đến tuy rất hấp dẫn, nhưng Việt Nam lại có rào cản về thị thực nhập cảnh.
 

Trong khi vấn đề mở rộng miễn thị thực (visa) cho khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đang có nhiều ý kiến khác nhau, tuần qua Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ban hành quyết định miễn visa du lịch cho công dân của 45 quốc gia (bao gồm cả Việt Nam) để thúc đẩy du lịch. Suy giảm về du lịch, rõ ràng không chỉ xảy ra đối với Việt Nam, mà là xu hướng chung của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Bởi vậy, cuộc cạnh tranh điểm đến du lịch quốc gia cũng đang nóng lên từng ngày.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ vừa tổ chức vào đầu tháng 6, nhóm công tác du lịch của VBF đã công bố con số khiến nhiều người băn khoăn. Đó là lệ phí thị thực ở Việt Nam đang cao thứ 2 châu Á. Bên cạnh đó, mặc dù có khả năng cạnh tranh hơn các nền kinh tế khác, một điểm đến tuy rất hấp dẫn, nhưng Việt Nam lại có rào cản về thị thực nhập cảnh.

Điều này có thể dẫn đến việc đánh mất lượng khách du lịch cho những nước có chính sách nhập cảnh thuận lợi hơn, như Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Malaysia… Theo tính toán của nhóm công tác, nếu Việt Nam mở rộng miễn thị thực, lượng khách đến có thể tăng khoảng 160.000 lượt. Dựa trên số ngày lưu trú trung bình hiện tại vào khoảng 11,3 ngày và mức chi tiêu trung bình 1 ngày vào khoảng 102USD, tổng chi tiêu sẽ tăng thêm khoảng 200 triệu USD. Như vậy, có quá nhiều lý do để Việt Nam xem xét giảm lệ phí thị thực khách du lịch, nếu không sẽ rơi vào tình trạng “tham bát, bỏ mâm”.

Thực ra, việc mở rộng miễn thị thực đã từng được ngành du lịch kiến nghị nhiều lần trước đây nhưng dường như vẫn gặp lực cản khá lớn. Trong một số hội thảo mới đây, vấn đề này tiếp tục được đề cập. Hồi cuối tháng 5-2015, Bộ VH-TT-DL đã có tờ trình Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn và phát triển ngành du lịch. Trong đó, một giải pháp quan trọng được đề cập là ngoài 7 nước đang được miễn visa, Việt Nam sẽ mở rộng diện miễn visa đơn phương cho những nước là thị trường trọng điểm có nguồn khách lớn, nhu cầu lưu trú dài hơn, chi tiêu cao hơn.

Tuy nhiên, dường như đề xuất trên không nhận được sự đồng thuận của ngành ngoại giao. Tại VBF, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam cho rằng hệ thống visa không phải lý do chính khiến lượng khách du lịch giảm mà do xu thế chung của khu vực. Bên cạnh đó, vị thứ trưởng này cảnh báo việc miễn thị thực cho khách du lịch không phải hoàn toàn có lợi mà còn ẩn chứa nhiều bất lợi cho nước chủ nhà. Về mặt quản lý, việc miễn thị thực khiến nước chủ nhà khó quản lý và rà soát được nhân thân của khách du lịch khi bất ngờ xảy ra sự cố. Về mặt an ninh, nếu mở hoàn toàn thị thực với mọi mục đích khó tránh khỏi một số cá nhân nhập cảnh với mục đích xấu.

Lý do của lãnh đạo ngành ngoại giao đưa ra không phải không có lý. Nhưng như thế, phải chăng Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã sai lầm khi cho rằng: “Chính sách thị thực nhập cảnh là một trong các chính sách của chính phủ có tác động lớn nhất đến dòng chảy du lịch quốc tế”? Và quyết định miễn thị thực cho 45 quốc gia mới đây của Indonesia cũng là thiếu cân nhắc? Muốn trả lời những câu hỏi này, hãy nhìn vào số liệu thống kê gần đây của UNWTO: Vào đầu năm 2008, khoảng 70% người dân toàn cầu cần thị thực khi đi du lịch. Con số này đã giảm xuống còn 64% vào năm 2010 và 60% vào năm 2013.

Để tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư trực tiếp và các dòng khách du lịch quốc tế, nhiều nước đang nghiên cứu để từng bước mở rộng chương trình miễn thị thực. Năm 2014, Thái Lan đã đón 24,8 triệu lượt khách quốc tế và đã miễn thị thực, lệ phí thị thực cho công dân đến từ 61 quốc gia, trong đó 49 nước miễn thị thực đơn phương. Malaysia đã đón 27,4 triệu lượt khách quốc tế và miễn lệ phí thị thực cho 155 quốc gia, bao gồm 85 quốc gia miễn thị thực đơn phương. Tương tự, Singapore đã đón 15,1 triệu lượt khách quốc tế và đã cấp miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của 150 quốc gia trong đó 82 quốc gia, được miễn thị thực đơn phương.

Như vậy, rõ ràng miễn thị thực là hướng đi mang tính tất yếu nếu muốn phát triển du lịch. Đương nhiên, đây không phải là giải pháp căn bản cho du lịch, nhưng cũng là liều thuốc bổ trợ đầy hiệu quả cho ngành công nghiệp không khói này. Việc giữ chính sách thị thực như hiện nay, hay mở rộng hơn cần sớm được nghiên cứu, tính toán để đưa ra được giải pháp phù hợp. Năm 2015, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn hội nhập mới sâu rộng hơn. Bởi vậy, nếu chậm chân, dù chỉ một bước, sẽ mất tính chủ động cạnh tranh.

Các tin khác