Là doanh nghiệp có thế mạnh về hoạt động cơ điện công trình, điện lạnh và kinh doanh bất động sản, nhưng thời gian gần đây CTCP Cơ điện lạnh (REE) lại dốc tiền đầu tư vào các doanh nghiệp điện, nước. Lý do REE đầu tư vào những lĩnh vực này là câu hỏi được nhiều NĐT hết sức quan tâm.
Tập trung ngành kinh doanh cốt lõi
Tiền thân của REE là Xí nghiệp quốc doanh Cơ điện lạnh thuộc sở hữu nhà nước (thành lập năm 1977), sau đó được cổ phần hóa năm 1993. Ngày 28-7-2000, REE niêm yết trên HOSE với mức vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Trải qua nhiều lần tăng vốn, tính đến cuối năm 2013, tổng tài sản của REE đạt 6.954 tỷ đồng, vốn điều lệ 2.637 tỷ đồng, trong đó sở hữu nhà nước 1,3% và sở hữu nước ngoài gần như chạm ngưỡng với 48,8%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động sản xuất kinh doanh chính của REE hiện đang được tổ chức theo mô hình công ty “holding”, hoạt động trong các lĩnh vực chính như: cơ điện công trình (M&E); sản xuất, lắp ráp và kinh doanh hệ thống điều hòa không khí; phát triển, quản lý bất động sản; đầu tư chiến lược ngành cơ sở hạ tầng.
Trong 2 năm gần đây, REE có sự chuyển hướng rõ rệt trong chiến lược đầu tư, tập trung đầu tư vào các ngành có tính chất an toàn và có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình như điện, nước, than và thoái vốn khỏi các khoản đầu tư trong ngành ngân hàng. Theo thống kê, tỷ trọng các khoản đầu tư vào ngân hàng đã giảm từ khoảng 27% năm 2011 xuống còn 0% năm 2013.
Trong khi đó, các khoản đầu tư vào ngành điện và nước đã tăng từ 26% lên 83%. Việc chuyển hướng đầu tư này đã đem lại những kết quả nhất định cho REE. Theo đó, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2013 của REE đạt lần lượt 2.413 và 976 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong 36 năm hoạt động của doanh nghiệp này. Mặc dù hoạt động M&E đóng góp nhiều nhất vào doanh thu, nhưng hoạt động đầu tư lại là mảng đem lại nguồn lợi nhuận lớn nhất cho REE.
Theo phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC), hoạt động đầu tư là lĩnh vực đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận của REE trong 3 năm vừa qua. Tính đến 31-12-2013, REE có 3.859 tỷ đồng đầu tư chiến lược vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện, nước, than và bất động sản. Trong đó, lĩnh vực điện chiếm 69% và nước chiếm 14% tổng danh mục đầu tư.
Thống kê cho thấy, REE hiện có khoảng 540 tỷ đồng đầu tư vào các công ty trong ngành cung cấp nước như: CTCP Cấp nước Thủ Đức, CTCP Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Sài Gòn với tỷ lệ sở hữu trên 20%. Ngoài ra, REE còn tham gia đầu tư vào dự án Nhà máy nước Tân Hiệp 2, Nhà máy nước Nhà Bè, Nhà máy nước Gia Định... Trong năm 2013, REE còn thành lập CTCP Nước sạch Việt Nam (vốn điều lệ 650 tỷ đồng).
Với ngành điện, REE hiện đang đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng vào các doanh nghiệp như: CTCP Thủy điện Thác Bà (TBC), CTCP Thủy điện Thác Mơ (TMP), CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), CTCP Nhiệt điện Ninh Bình và CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh, với kỳ vọng về việc thả nổi thị trường điện trong tương lai sẽ giúp những doanh nghiệp ngành điện có được lợi nhuận cao khi giá bán được thả nổi theo giá thị trường.
Kỳ vọng lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết
Cho đến nay, việc phát triển thị trường điện cạnh tranh đã bị chậm trễ khá nhiều so với lộ trình phát triển các cấp độ của thị trường điện Việt Nam, nên những khoản đầu tư này có thể sẽ chưa thu được hiệu quả kỳ vọng theo như khung thời gian dự kiến ban đầu của REE.
Tuy nhiên, theo phân tích của BVSC, REE vẫn được hưởng lợi từ nguồn cổ tức ổn định và đều đặn từ các doanh nghiệp này. Thực tế, tỷ suất lợi nhuận hoạt động đầu tư đã được cải thiện đáng kể trong 3 năm vừa qua, từ mức 3% năm 2010 lên 16% năm 2013. Đây là tỷ suất lợi nhuận tương đối cao nếu so sánh với VN Index hay lãi suất tiết kiệm (tỷ suất lợi nhuận cao trong năm 2013 chủ yếu nhờ vào khoản lợi nhuận từ PPC).
Kể từ năm 2013, REE nắm giữ hơn 71 triệu CP PPC (tương đương 22,37% vốn điều lệ) và PPC trở thành công ty liên doanh, liên kết của REE, do đó REE được hưởng phần lợi nhuận hàng năm từ PPC. Chính vì vậy lợi nhuận của REE biến động hơn so với giai đoạn trước đây do kết quả kinh doanh của PPC chịu ảnh hưởng bởi rủi ro tỷ giá JPY/VNĐ. Dù được dự báo PPC sẽ có kết quả kinh doanh khả quan trong quý III, nhưng tính chung cả năm 2014 lợi nhuận của PPC sẽ sụt giảm mạnh so với 2013 do hoạt động kinh doanh chính không tốt và khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong năm 2014 chỉ bằng 1/8 khoản lãi tỷ giá của năm 2013.
Ảnh minh họa |
Và có lẽ do lợi nhuận của PPC phụ thuộc quá nhiều vào chênh lệch tỷ giá nên REE có xu hướng giảm tỷ trọng đầu tư vào doanh nghiệp này. Mới đây REE đã đăng ký bán 3,1 triệu cổ phần PPC trong thời gian từ 24-9 đến 22-10.
Tuy nhiên, trong tương lai, REE có kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 50% tại những công ty liên kết có kết quả kinh doanh và tiềm năng tăng trưởng tốt và đưa ngành điện, nước trở thành những lĩnh vực kinh doanh chính của mình. Dự báo lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết trong năm 2014 sẽ giảm mạnh do khoản lãi tỷ giá của PPC sẽ không được nhiều như năm 2013.
Ước tính, doanh thu của REE đạt 2.817 tỷ đồng (tăng 16,7%), nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 814 tỷ đồng (giảm 16,7%), trong đó lợi nhuận từ các công ty liên kết là 292 tỷ đồng (giảm 32%). Theo CTCK Maritime Bank (MSBS), đây chỉ là sự sụt giảm trong ngắn hạn. Về dài hạn, với khả năng hồi phục tích cực của nền kinh tế, các công ty liên kết của REE có tiềm năng tăng trưởng tốt khi các ngành điện, nước đều đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế.