Tuy nhiên, do chưa xác định được ngày học sinh chính thức quay trở lại trường nên kế hoạch dạy học vẫn là ẩn số, các trường lúng túng trong việc đảm bảo chuẩn kỹ năng, kiến thức cho học sinh.
Áp lực cả thầy lẫn trò
Theo ghi nhận, tại một số trường THPT trên địa bàn TPHCM đã xuất hiện tình trạng phụ huynh đến trường xin rút học bạ để làm hồ sơ xét tuyển đại học, cao đẳng cho con. Hiệu trưởng một trường THPT ở quận 5 cho biết, nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp ở khối 12 giải thích cặn kẽ cho phụ huynh, tránh tâm lý hoang mang, lo lắng khi thời gian nghỉ học của học sinh kéo dài. “Tuy nhiên, với tình trạng có trường duy trì được dạy học trực tuyến, có trường không thể triển khai, cộng với thông báo, chỉ đạo dạy học của Sở GD-ĐT TP thay đổi nhiều lần khiến không chỉ phụ huynh mà bản thân các trường cũng lo lắng”, hiệu trưởng này cho biết.
Học sinh TPHCM tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019
Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trước đó, cuối tháng 2-2020, TP đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu tất cả đơn vị trường học triển khai các hình thức dạy học trực tuyến cho học sinh trong thời gian các em nghỉ học vì dịch bệnh. Trong đó, mục tiêu học tập chủ yếu là ôn tập, củng cố nội dung kiến thức các bài đã học, tuyệt đối không dạy bài mới, không tổ chức kiểm tra, lấy điểm cho học sinh.
Thế nhưng, do thời gian nghỉ học tiếp tục kéo dài, mới đây, Sở GD-ĐT TP đã có thêm hướng dẫn về triển khai dạy học trực tuyến. Theo đó, trường học có trách nhiệm hướng dẫn giáo viên, học sinh tham khảo bài học online do các đài truyền hình phát sóng, đồng thời có thể triển khai dạy học trực tuyến một số bài học, kiến thức mới nhưng phải đảm bảo phương án bổ sung kiến thức cho học sinh không có điều kiện tham gia học trực tuyến, đảm bảo cơ hội học tập công bằng cho tất cả học sinh.
Thầy Nguyễn Bảo Quốc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) bày tỏ, dạy học trực tuyến có thể đáp ứng một phần nhu cầu dạy học cơ bản trong tình hình dịch bệnh, nhưng đối với một số yêu cầu như chốt kiến thức, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tế thì không đáp ứng được. Vì vậy, dù có triển khai học trực tuyến hay không thì các trường vẫn phải chuẩn bị nhiều phương án truyền thụ kiến thức, trong đó quan tâm phụ đạo đối tượng học sinh yếu.
Ở góc độ khác, phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn một trường THPT ở quận 1 lo lắng: “Sau ngày 5-4, nếu tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, học sinh lớp 12 chưa thể quay lại trường học, khung thời gian năm học cũng không thể dời nữa vì sẽ ảnh hưởng năm học kế tiếp”.
Vì vậy, theo vị phó hiệu trưởng này, thời điểm hiện tại, nếu không tính toán đến các phương án cắt giảm kiến thức, tinh giảm nội dung chương trình thì việc Bộ GD-ĐT giao quyền cho địa phương, địa phương đá trách nhiệm cho các hiệu trưởng chủ động xây dựng kế hoạch dạy học của học kỳ 2, trong đó vẫn yêu cầu đáp ứng đúng và đủ chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình phổ thông hiện hành là một bài toán khó, tạo ra áp lực không chỉ với giáo viên mà cả học sinh chạy đua nhồi nhét kiến thức cho kịp chương trình.
Bỏ kỳ thi THPT quốc gia?
Hiện nay, xung quanh đề xuất bỏ kỳ thi THPT quốc gia, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho biết, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” thì đòi hỏi quan trọng nhất hiện nay là tính mạng, sự an toàn và sức khỏe của học sinh.
Nhà giáo này kiến nghị nhiều phương án có thể xem xét lựa chọn cho kỳ thi THPT quốc gia, như giao việc công nhận kết quả xét tốt nghiệp THPT về cho các địa phương hoặc các trường THPT tự thực hiện; đề xuất phương án xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng bằng học bạ 2 năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12; vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhưng trên tinh thần gọn nhẹ bằng cách giảm số môn thi, tinh giảm nội dung chương trình…
Ngoài ra, theo đại diện nhiều trường THPT ở khu vực ngoại thành, kế hoạch dạy học và xét tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay cần tính đến việc đảm bảo quyền lợi cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa; trong đó tạo ra cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả học sinh, không để một học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục đến trường.
Cụ thể, với các trường chưa đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày, cơ quan quản lý cần có thêm hướng dẫn về tổ chức dạy học, đảm bảo đủ thời lượng, kiến thức của chương trình giáo dục phổ thông nhưng không tạo áp lực, gây xáo trộn sinh hoạt của học sinh và gia đình các em.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, năm nay kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập trên địa bàn TP dự kiến diễn ra vào ngày 17-7. Riêng kỳ khảo sát tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa sẽ diễn ra sau đó một tuần. Theo đó, cấu trúc, khối lượng và định hướng đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm nay giữ ổn định như kỳ thi tuyển sinh năm 2019. Học sinh không nên quá lo lắng, bởi chương trình học đến đâu nội dung đề thi sẽ đến đó, không nằm ngoài phạm vi kiến thức đã học và phù hợp tiến độ dạy học thực tế. |