Rối với chia nhỏ bước giá

(ĐTTCO) - Sau 3 ngày bước giá tại HOSE được chia nhỏ, vẫn có rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng đây vốn dĩ là điều phổ biến mỗi khi cơ chế giao dịch mới được áp dụng.

(ĐTTCO) - Sau 3 ngày bước giá tại HOSE được chia nhỏ, vẫn có rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng đây vốn dĩ là điều phổ biến mỗi khi cơ chế giao dịch mới được áp dụng.

Trước lạ sau quen

Rối rắm, thừa thãi là cảm giác của nhiều NĐT cũng như các nhân viên môi giới không bằng lòng với bước giá mới. Chẳng hạn, phiên 14-9 giá tham chiếu của HAG là 5.200 đồng/CP, giá kịch trần là 5.560 đồng/CP, còn kịch sàn 4.840 đồng/CP. Nhìn có vẻ khá rối mắt, vì theo quy định mới CP có giá dưới 10.000 đồng/CP bước giá chỉ là 10 đồng. Lập luận được đưa ra: 10 đồng là số tiền siêu nhỏ, chi tiết hóa như vậy không đóng góp được gì mà chỉ gây rối rắm. Tương tự, bước giá 50 đồng (thay vì 100 đồng trước đây) cho CP từ 1.0 đến dưới 5.0 cũng có thể khiến giá của CP dài thêm. Chẳng hạn, khi nhập lệnh mua một CP với giá 30.500 đồng/CP, môi giới hoặc NĐT chỉ cần nhập 30.5, nhưng với bước giá mới có thể giá sẽ là 30.550 và nhập thêm 2 con số cũng tốn thêm chút ít thời gian.

Giá cứ san sát nhau khiến bảng điện tử dường như rối mắt hơn và các trạng thái tăng-giảm-đi ngang của CP dường như cũng trở nên khó lường hơn rất nhiều. Dân CK quen đọc bảng điện để phán đoán giá CP cũng phải tự điều chỉnh để thích nghi với bước giá mới. Thí dụ, CP có giá 100.000 đồng/CP với bước giá 1.000 đồng/CP thì chỉ có 7 bước giá cho chiều tăng và 7 bước cho chiều giảm, nhưng nếu chia xuống còn 100 đồng số lượng bước giá cũng tăng gấp 10 lần. Đó là chưa kể bước giá nhỏ cũng buộc cơ sở dữ liệu về lịch sử giá CP phải gia tăng đáng kể và có thể khiến nhiều người cảm thấy “nhức mắt” khi tra cứu vì quá nhiều số. Một số NĐT còn cho rằng, bước giá cũ tất nhiên tồn tại một số vấn đề, nhưng cũng không đến mức nghiêm trọng để bắt buộc phải thay đổi, liệu có nên thay đổi hay không?

Thậm chí có ý kiến lý giải việc TTCK giảm 3 phiên liền 12, 13 và 14-9 do tâm lý của NĐT không bằng lòng với động thái của HOSE trong việc chia nhỏ bước giá. Hơn 4 năm trước, khi TTCK chính thức giao dịch thêm phiên chiều, cũng không ít ý kiến cho rằng chưa có sự sẵn sàng. Thanh khoản chưa đủ, NĐT chưa quen, hàng hóa chưa nhiều… Tức không ít lý do được đưa ra. Rồi nhiều NĐT than… buồn ngủ, tốn thời gian, CTCK thì cho biết có khi phải ở lại làm việc đến tối để xử lý vì số lượng nghiệp vụ, khối lượng công việc tăng thêm đáng kể khi có giao dịch phiên chiều. Nhưng rồi tất cả cũng quen, NĐT thay vì ngủ lại sàn vào buổi trưa bây giờ có thể ngủ lúc 14 giờ 45 (hết phiên), CTCK cũng không còn gặp khó khăn với hệ thống của mình. Và điểm thấy rõ nhất là phiên chiều giúp TTCK dài hơn, thúc đẩy giao dịch nhiều hơn, tạo ra nhiều sự kịch tính hơn và góp phần đưa TTCK tiếp tục phát triển.

 Thay đổi để phát triển

Đã có ý kiến cho rằng, lý ra HOSE nên có một số biện pháp thử nghiệm hay lắng nghe ý kiến từ phía các NĐT trước khi quyết định thay đổi bước giá. Thực tế, điều này đã được thử nghiệm, đó là những CP có giá từ 5.0 trở lên tại HNX lâu nay đã có bước giá 100 đồng chứ không phải 500 đồng giống như HOSE, nhưng không có vấn đề gì. Có thể nguyên nhân vì HNX có thanh khoản thấp hơn HOSE, không tập trung nhiều dòng tiền như HOSE. Nhưng nhìn chung, thị trường ít nhất cũng có cái nhìn với bước giá nhỏ. Mặt khác, những giải pháp của cơ quan quản lý đôi khi cần tầm nhìn cũng như sự quyết đoán, nếu tranh cãi quá nhiều mà không mạnh dạn thay đổi có thể lỡ mất nhiều cơ hội.

Có một chi tiết rất thú vị là trên trang cá nhân của mình, Ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc thường trực HOSE Lê Hải Trà đã viết rất rõ những lợi điểm của việc chia nhỏ bước giá và mong muốn các NĐT ủng hộ. Và trên báo chí, ông Trà cũng nêu quan điểm tương tự. Điều này thể hiện sự quyết đoán của HOSE nhưng cũng rất linh hoạt và gần gũi trong việc tương tác, chia sẻ với các NĐT. Thử đặt câu hỏi ngược lại, giả sử diễn biến của TTCK trong 3 ngày qua là rất thuận lợi, cách nhìn của NĐT về việc thay đổi bước giá có thay đổi không? Lúc này, có khi sẽ có ý kiến cho rằng nhờ thay đổi bước giá, nên giá của CP được định giá hợp lý hơn, chi tiết hơn, tạo ra sự phấn khởi cho thị trường, qua đó thị trường lại tăng giá. Ai cũng biết, những ngày qua thị trường giao dịch khá dè dặt vì nhiều lý do chẳng hạn như một số blue chip bị khối ngoại bán ròng, gần đến kỳ cơ cấu danh mục của các ETF, CK thế giới có nhiều biến động khó lường.

Bước giá có chia nhỏ thì nguyên lý cung-cầu của thị trường vẫn không thay đổi, vẫn phải thuận mua vừa bán. Nói đơn giản, nếu bước giá chia nhỏ, nhưng NĐT không thích sử dụng bước giá nhỏ vẫn có thể sử dụng bước giá lớn, không thích đặt mua CP giá 9.990 đồng/CP (gõ 9.999) thì có thể đặt mua CP giá 10.000 đồng/CP (chỉ cần gõ 10) vẫn được. Thực tế cho thấy, bước giá nhỏ cũng tạo nên những sự sôi động, thú vị hơn, nói đơn cử CP sẽ không dễ gì để tăng trần và cũng khó giảm sàn hơn vì chặng đường sẽ dài hơn, vì vậy những hoạt động đẩy giá hay đè giá cũng không dễ để “thi triển”. CP nhiều bước giá hơn cũng trở nên cân bằng hơn, NĐT tiết kiệm được nhiều chi phí hơn.

Rủi ro khi thay đổi là không thể tránh khỏi, nhưng nếu thay đổi để hướng đến sự cân bằng, ổn định và chuyên nghiệp hơn cần được nhìn nhận một cách thấu đáo. Rất nhiều TTCK trong khu vực còn có bước giá nhỏ hơn cả TTCK Việt Nam, vậy nên chuyện trước lạ sau quen là có thể hiểu được.

Các tin khác