Hy hữu 3 vòi rồng xuất hiện trên biển Nha Trang
Chiều ngày 7-9-2023, tại TP Nha Trang đã xuất hiện cùng lúc 3 vòi rồng hút nước biển lên cao hàng trăm mét khiến nhiều người dân địa phương thích thú. Cụ thể, 3 vòi rồng được ghi nhận gồm 1 vòi rồng khu vực trước Nha Trang Center và 2 cái khác khu vực biển phía Bắc Nha Trang, thuộc phường Vĩnh Hòa.
Những vòi rồng xảy ra trên biển Nha Trang chừng 10 phút rồi biến mất, không gây hậu quả về người và tài sản. Ngay sau khi đoạn clip và hình ảnh về hiện tượng thiên nhiên này được đăng tải đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Mây hình đĩa bay bao quanh núi Bà Đen
Khoảng 6 giờ sáng 13-5-2023, người dân Tây Ninh bất ngờ được chiêm ngưỡng hiện tượng đám mây mang hình dạng đĩa bay như rồng cuộn siêu hiếm trên đỉnh núi Bà Đen - đỉnh núi cao nhất Nam bộ và cũng là ngọn núi thiêng trong tâm thức người dân Nam bộ.
Hình ảnh ghi lại cho thấy những đám mây lớn tạo thành quầng bao quanh, khiến đỉnh núi Bà Đen như đội thêm một chiếc nón mây trắng bồng bềnh nổi bật giữa nền trời xanh. Hiện tượng "đĩa mây" này diễn ra gần 3 tiếng.
Theo lý giải của chuyên gia Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đám mây xuất hiện ở núi Bà Đen là một đám mây “thấu kính”, là hiện tượng những đám mây đứng yên, có hình dạng tương tự thấu kính và hình thành ở những dãy núi cao.
Mây vảy rồng xuất hiện trên bầu trời Hà Nội
Ngày 11-10-2023, nhiều người dân Hà Nội dừng xe máy để chiêm ngưỡng hiện tượng kỳ thú trên bầu trời. Theo đó, trên bầu trời xuất hiện các đám mây nhỏ, xếp chồng lên nhau dày đặc phủ khắp bầu trời. Nhiều người cho rằng đó là mây mammatus, dân gian Việt Nam thường gọi là "mây vảy rồng".
Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã xác định đám mây xuất hiện không phải là vảy rồng, mà thực chất là mây trung tích. Các đám mây trung tích được hình thành do sự tách ra của phần tử lớn trong mây, tạo ra các hạt nước và tạo nên hình dạng phiến mỏng hoặc bàn cờ.
Hòn đá Mắt Rồng tự xoay
Tại thôn Yến Hải, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh có hòn đá to tròn như quả bóng, khi thủy triều lên nước đập vào hốc khiến đá xoay tròn ngược kim đồng hồ, như thể được “lập trình” từ trước và tạo ra một thứ âm thanh kỳ lạ.
Người dân địa phương đặt tên là đá Mắt Rồng hoặc viên Ngọc Rồng. Bên cạnh đó, có nhiều giai thoại huyền bí và linh thiêng về hòn đá được người dân truyền lại.
Hiện tượng “mẹ của vòi rồng” tại Sầm Sơn
Chiều tối ngày 3-8-2017, nhiều du khách đang tắm và dạo chơi trên bãi biển tại Sầm Sơn, Thanh Hóa đã thấy một đám mây đen khổng lồ có hình dạng như một cơn lốc xoáy bao trùm lấy bầu trời.
Đám mây có kích cỡ to đến nỗi cảm tưởng như chúng sắp sà xuống mặt đất. Theo lý giải của Viện Vật lý Địa cầu, đám mây có hình thù kỳ lạ trên thực tế là hiện tượng thời tiết bình thường, được gọi là Supercell Cloud, được mệnh danh “mẹ của vòi rồng” vì có khả năng tạo ra lốc xoáy. Đây là một hiện tượng bão hiếm gặp, đám mây ở Sầm Sơn chỉ tồn tại khoảng 7-10 phút thì tan rã, không gây ra thiệt hại hay ảnh hưởng gì.
Kỳ lạ hồ nước biến thành “Mắt rồng” ở Nhật Bản
Gần đỉnh núi Hachimantai ở vùng Đông Bắc Nhật Bản, có một hồ nước Kagami Numa kỳ lạ có thể thay đổi hình dạng theo mùa. Vào những ngày bình thường, bề ngoài nơi đây giống y hệt với những hồ nước núi lửa khác.
Nhưng mỗi năm vào mùa xuân, trong khoảng 1 tuần - từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 - nó biến thành một con mắt xanh khổng lồ - được người dân gọi là "Mắt Rồng" hoặc hồ Mắt Rồng. Theo lý giải khoa học, hồ Mắt Rồng được hình thành là do áp lực từ độ sâu của nước khiến tuyết chỉ tập trung ở giữa hồ, tạo ra hình dạng giống như con ngươi của mắt với một vòng nước xanh xung quanh. Khi trời có gió, phần băng tuyết phủ ở trung tâm xoay tròn, tạo cảm giác như đồng tử đang chuyển động.
"Rồng trắng" đầy bí ẩn trên bầu trời
Ngày 30-9-2023, nhiều người dân ở TP Joetsu, tỉnh Niigata, Nhật Bản đã được phen xôn xao khi chứng kiến cảnh tượng đám mây hình "con rồng trắng" xuất hiện một cách kỳ thú trên bầu trời. Theo những hình ảnh được người dân địa phương ghi lại, có thể thấy "con rồng" này rất dài.
Ban đầu nó đứng yên một chỗ, toàn thân uốn lượn như mình rắn. Sau đó, nó từ từ chui vào một đám mây khổng lồ và biến mất khỏi bầu trời. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, những hình ảnh về "con rồng trắng" chỉ đơn giản là hiện tượng mây ống mà thôi.
Vòi rồng “quỷ lửa” trong cháy rừng ở Bồ Đào Nha
Vào tối ngày 8-10-2017, Đài truyền hình TVI của Bồ Đào Nha đã quay được một hiện tượng cực hiếm gặp mang tên "quỷ lửa", khi xuất hiện cơn lốc xoáy lửa vần vũ giữa bầu trời đêm trong đám cháy rừng tại Bồ Đào Nha.
Mặc dù vòi rồng lửa xuất hiện tại Bồ Đào Nha không gây thiệt hại về người nhưng đã khiến vụ cháy rừng tại quốc gia này thêm nghiêm trọng. Theo các nhà khoa học, “quỷ lửa” là hiện tượng cột lửa cháy rực bốc lên cao và xoay tít giống lốc xoáy, bao gồm lõi tro và một túi khí quay tròn.
Hiện tượng này xảy ra khi không khí bị nhiễu động mạnh ở nơi có nhiệt độ cao như đám cháy rừng và dần dần tạo thành xoáy lửa. Nó có thể cao tới vài km, có sức gió khoảng 160km/giờ, nhiệt độ trên 1.000oC và kéo dài hơn 20 phút.
Loài cây 500 tuổi “máu rồng”
Loài cây có tên khoa học Dracaena Cinnabari, là biểu tượng của quần đảo Socotra đất nước Yemen. Quần đảo này nằm trong Ấn Độ Dương và gần vịnh Aden. Nhựa của loài cây màu đỏ nên được người dân địa phương gọi là “máu rồng”.
Cây máu rồng hay còn gọi là long huyết, là một trong những loài cây kỳ lạ nhất thế giới. Tuổi thọ của huyết rồng lên tới 500 năm. Nhựa của cây có màu đỏ tươi như máu, vị chua nồng. Khi khô lại giống như những giọt ngọc trong suốt. Những chiếc lá dài thon nhọn, được thay mới sau 3-4 năm.
Huyết rồng có hoa giống hoa loa kèn nhỏ, màu trắng hoặc xanh nhạt. Phải mất 5 tháng quả huyết rồng mới chín đỏ.