Rừng suy giảm, voi rừng liên tục tấn công, phá hoại cây trồng

(ĐTTCO) - Chỉ trong năm 2017 đã có 25 đợt voi rừng kéo về gần khu dân cư, đất sản xuất nông nghiệp giáp ranh với rừng ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Cư M’gar (Đắk Lắk) phá hoại tài sản, cây trồng của người dân.

Rừng suy giảm, voi rừng liên tục tấn công, phá hoại cây trồng - Ảnh 1.

Một chú voi trưởng thành được chăm sóc tại Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk (xã Krông Na, Buôn Đôn) - Ảnh: TRUNG TÂN

Theo đó, voi rừng đã phá 21ha hoa màu, 9 chòi rẫy, tấn công làm bị thương 8 con voi nhà. Việc bị những đàn voi rừng tấn công, phá hoại hoa màu khiến người dân rất lo lắng, hoang mang vì vừa thiệt hại tài sản, vừa nguy hiểm tính mạng. 

Nguyên nhân việc ngày càng nhiều vụ xung đột giữa voi và người là do rừng bị suy giảm diện tích, không gian sinh sống của voi bị thu hẹp…

Ông Huỳnh Trung Luân - giám đốc Trung Tâm bảo tồn voi Đắk Lắk - cho biết để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như đàn voi, mỗi khi voi rừng xuất hiện, đơn vị sẽ cử cán bộ đến hiện trường nắm bắt thông tin của đàn voi. 

Qua đó hướng dẫn chính quyền, nhân dân các biện pháp phòng tránh, xua đuổi voi như dùng lửa, tạo tiếng động...

 Theo quy định, việc hỗ trợ bồi thường các diện tích hoa màu, cây trồng chỉ được thực hiện khi chủ đất có bìa đỏ, trồng đúng loại cây được phê duyệt (nếu là dự án)

Ông HUỲNH TRUNG LUÂN 

Ngoài ra, Trung tâm cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, các cấp chính quyền, chủ rừng và nhân dân sinh sống, sản xuất gần rừng để nắm bắt thông tin di chuyển của voi rừng trên địa bàn các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Cư M’gar và Ea H’leo để có những biện pháp ứng phó kịp thời.

Rừng suy giảm, voi rừng liên tục tấn công, phá hoại cây trồng - Ảnh 3.

Chú voi hoang dã (sau này được đặt tên là Jun), 8 tuổi, bị đặt bẫy gãy chân trái trước, gần đứt. Voi được cứu về, chăm sóc đặc biệt hơn 3 năm nay tại Trung tâm bảo tồn voi. Hiện Jun đã có thể đi lại nhưng vẫn tập tễnh, ăn uống khó khăn - Ảnh: TRUNG TÂN

Được biết, trong năm 2017, UBND tỉnh đã hỗ trợ 84,2 triệu đồng cho một số hộ dân tại xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) và xã Ia R’vê (huyện Ea Súp) chịu thiệt hại do voi rừng gây ra.

Một vấn đề khác, theo ông Luân hiện nay nhiều doanh nghiệp, người dân canh tác gần bìa rừng, trên đường di chuyển của voi nhưng trồng các loại cây như mía, chuối, bắp... 

Đây là những loại thức ăn ưa thích của voi nên khi nguồn thức ăn trong rừng cạn kiệt (do diện tích rừng suy giảm, bị phá hoại), voi sẽ tấn công, phá hoại cây trồng của người dân.

"Có trường hợp một doanh nghiệp trồng hàng chục hecta chuối không may bị voi phá hoại, thiệt hại rất nhiều. Tuy nhiên, do dự án của doanh nghiệp này không được trồng chuối nên không được hỗ trợ, bồi thường" - ông Luân thông tin.

Rừng suy giảm, voi rừng liên tục tấn công, phá hoại cây trồng - Ảnh 4.

Giữa năm 2016, Công ty Hoàn Vũ (xã Ia Lốp, EaSúp, Đắk Lắk) đã đào khoảng 13km đường hào (rộng 6m, sâu 3m) xung quanh vùng dự án gần 1.400ha được tỉnh Đắk Lắk giao quản lý bảo vệ rừng, trồng cây ăn quả để ngăn chặn voi rừng phá cây ăn trái... Sau đó doanh nghiệp này bị phạt hành chính 50 triệu đồng, buộc tái lập hiện trạng ban đầu… - Ảnh: TRUNG TÂN

Các tin khác