Sắc màu phố lồng đèn Chợ Lớn

(ĐTTCO)-Còn khoảng 3 tuần nữa mới tới Tết Trung thu, nhiều người dân và các bạn trẻ đã đổ về phố lồng đèn khu Chợ Lớn (TP.HCM) để tham quan, chụp ảnh và mua sắm. Phố lồng đèn nằm trên các tuyến đường Lương Nhữ Học - Phú Đinh - Nguyễn Án (phường 11, quận 5).
Có hơn 100 hộ kinh doanh đa dạng các mặt hàng chơi Trung thu, phong phú mẫu mã lồng đèn, từ lồng đèn truyền thống khung tre cho tới lồng đèn điện tử phát nhạc.
Có hơn 100 hộ kinh doanh đa dạng các mặt hàng chơi Trung thu, phong phú mẫu mã lồng đèn, từ lồng đèn truyền thống khung tre cho tới lồng đèn điện tử phát nhạc.

Sở dĩ gọi là “Phố lồng đèn” bởi các con đường này tập trung hàng trăm cửa hàng kinh doanh đèn lồng tạo nên khung cảnh sắc màu bắt mắt, vô cùng rực rỡ.

Không khí lễ hội vô cùng nhộn nhịp, hoành tráng nên thu hút đông đảo người dân và du khách đổ về tham quan và mua sắm.

Trước đây, khu vực này chuyên bán dụng cụ lân sư rồng, vàng mã, dược liệu đông y… Về sau, do nhu cầu thị trường, đã hình thành nên phố kinh doanh lồng đèn.

Từng dãy đèn lồng lung linh sắc màu như mời gọi, nhiều phụ huynh dẫn con em đến đây tham quan, mua sắm.

Anh Minh Phan ở quận 7 tranh thủ chở con đến phố lồng đèn tham quan cho biết trước khi phố vào cao điểm Trung thu rất đông người. Anh cảm nhận: “Mình thấy phố lồng đèn rực rỡ nhiều màu sắc, không chỉ con mình mà mình cũng thích.”

Không chỉ là nơi vui chơi cho các em nhỏ, với nhiều người lớn, nơi đây cũng mang họ trở về tuổi thơ lần nữa.

Anh Quốc Cường cho biết thêm, phố lồng đèn đã tồn tại gần nửa thế kỷ, bắt nguồn từ vài hộ dân chuyên gia công và kinh doanh lồng đèn tại đường Phú Đinh, một số lấy hàng từ làng nghề truyền thống lồng đèn Phú Bình (quận 11). Sau đó, mới lan rộng ra đường Lương Nhữ Học và Nguyễn Án.

Nghệ nhân Cao Hùng làm lồng đèn kéo quân, 67 tuổi, hiện đã nghỉ hưu cho biết: lồng đèn kéo quân thuộc mẫu đèn truyền thống thường xuất hiện vào dịp Lễ, tết nhưng ngày dần bị mai một. Hiện lồng đèn này chỉ xuất hiện vào dịp trung thu với số lượng khá ít ỏi. Đèn kéo quân hiện nay cũng được cải tiến hoa văn như tranh đông hồ, phong cảnh để phù hợp với xã hội đương đại. Giá loại đèn này khoảng vài trăm ngàn mỗi chiếc.

Nhiều gia đình, bạn trẻ đi cùng nhau để check in, chụp hình kỷ niệm.

Chị Mỹ Quý, một tiểu thương tại phố lồng đèn cho hay: năm nay lồng đèn có nhiều mẫu mã giá từ 25 ngàn đến vài trăm ngàn tùy loại. Nhiều loại lồng đèn có kích thước lớn hoặc được chế tác tỉ mỉ có giá hàng trăm ngàn đồng.

Lồng đèn chú thỏ đang “hot” được giới trẻ lùng sục tìm mua nhiều nhất, có giá bán 60 ngàn đồng /con tại đây.

Dạo quanh phố vào dịp Trung thu, bạn như được quay về những năm tháng tuổi thơ hòa vào không gian lung linh sắc màu đủ loại lồng đèn, tựa như lễ hội ánh sáng đầy sắc màu.

hố kinh doanh lồng đèn tồn tại nhiều thập kỷ đã trở thành kí ức của nhiều người dân. Vì vậy, mỗi dịp Trung thu nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ của trẻ em, người dân mà cả du khách từ nơi khác đến.

Chú Phát, một hộ kinh doanh lồng đèn tại ngôi nhà cổ (cửa lùa) đường Phú Đinh đang tỷ mẩn treo dây vào lồng đèn để trao cho các bạn khách nhỏ tuổi.

Năm nay, ngoài bán lồng đèn, vài hộ kinh doanh còn bán các mặt hàng lưu niệm, trưng bày với mẫu mã đa dạng.

Phố lồng đèn được mở cửa từ sáng tới tối muộn, đặc biệt khung giờ từ 19h-21h và vào cuối tuần nơi đây thường đông nghịt người. Để khám phá khu phố, bạn có thể gửi xe ở dọc đường Lương Nhữ Học, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… với giá 15.000 - 20.000 đồng rồi đi bộ. Khi đi tham quan, nhớ đề phòng trộm cắp, móc túi trong đám đông.

Việc khai thác các giá trị truyền thống để phát triển du lịch không còn quá xa lạ. Nếu làm được điều này, phố lồng đèn sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn của TP. HCM, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại.

Các tin khác