Giá tăng gần gấp 4 lần
Hiện có 5 bộ SGK được phê duyệt, trong đó Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam có 4 bộ; NXB ĐH Sư phạm Hà Nội và NXB ĐH Sư phạm TPHCM 1 bộ. Việc triển khai cùng lúc 5 bộ SGK thực hiện chương trình phổ thông mới là một hình thức xã hội hóa, chống độc quyền trong phát hành SGK.
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định hiện nay, giá SGK do các NXB tự xây dựng, tự chịu trách nhiệm về giá bán, thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền. Theo yêu cầu giảm giá SGK của Bộ GD-ĐT, qua nhiều lần các NXB kê khai giá với Bộ Tài chính, giá các bộ sách đã giảm 8%-18% so với giá bìa kê khai ban đầu để góp phần chia sẻ với người học trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 nói chung. Tuy nhiên, giá SGK lớp 1 mới vẫn bị phản ảnh là cao so với túi tiền của người dân.
Năm học này, tỷ lệ địa phương lựa chọn các bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam (NXBGD) đạt gần 70%, thậm chí nhiều địa phương có tỷ lệ chọn đạt trên 80%. Vì thế NXBGD vẫn là “đầu mối” lớn về cung ứng SGK lớp 1. Cụ thể, 4 bộ SGK lớp 1 trong năm học 2020-2021 của NXBGD gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống (10 cuốn), giá 179.000 đồng; Chân trời sáng tạo (9 cuốn), giá 186.000 đồng; Cùng học để phát triển năng lực (10 cuốn), giá 194.000 đồng; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (9 cuốn), giá 189.000 đồng. Còn bộ SGK Cánh diều của NXB Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Sư phạm Hà Nội và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam phối hợp biên soạn, xuất bản có giá 199.000 đồng.
Như vậy, nếu tính theo giá bộ SGK lớp 1 hiện hành của NXBGD sử dụng trong năm học 2019-2020 là 54.000 đồng thì bộ SGK lớp 1 mới do các NXB kê khai đều tăng cao. Đơn cử như cuốn Tự nhiên và Xã hội hiện hành giá 6.000 đồng thì cuốn tương tự của bộ Cánh diều có giá 28.000 đồng (bằng 466,6% giá hiện hành); Toán 1 hiện hành có giá 13.000 đồng thì Toán 1 mới bộ Cánh diều có giá 35.000 đồng (bằng 269% giá hiện hành)...
Lý giải vì sao giá SGK tăng cao so với giá hiện hành, NXBGD cho biết, giá SGK mới được hình thành từ các yếu tố: chi phí tổ chức bản thảo; chi phí vật tư, công in; chi phí lưu thông, bán hàng; tích hợp công nghệ 4.0 và nguồn vốn biên soạn SGK. Cụ thể, bộ SGK lớp 1 mới gồm 9 hoặc 10 cuốn (Toán, Tiếng Việt gồm 2 tập) sử dụng cho 8 môn học bắt buộc (Tiếng Việt, Toán, đạo đức, tự nhiên và xã hội, âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm, giáo dục thể chất) - nhiều hơn bộ SGK hiện hành 3-4 cuốn. Song song đó, do chúng ta thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK nên giữa các NXB phải cạnh tranh nhau, chi phí cho các hoạt động hội thảo giới thiệu sách tại các địa phương, tập huấn giáo viên, in và gửi sách mẫu tới các cơ sở giáo dục, quảng cáo... cũng khiến cho chi phí SGK bị đẩy lên. Theo PGS-TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập NXBGD, nếu so sánh cơ học giá SGK lớp 1 mới và giá SGK hiện hành là không cùng tiêu chí.
Quản lý nhà nước như thế nào?
Khi thấy giá SGK mới tăng phi mã, chính Bộ GD-ĐT cũng nhận thấy một số bất cập nên đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. Bộ GD-ĐT cũng đang nghiên cứu chỉnh sửa quy định về quy trình biên soạn, thẩm định SGK, làm rõ nội dung nào sẽ xã hội hóa, nội dung nào Nhà nước phải bảo trợ. Đề xuất Nhà nước định giá nhằm kiểm soát giá bán SGK - loại hàng hóa thiết yếu mà bất cứ gia đình nào có con em đi học cũng phải mua. Bộ Tài chính cho rằng, khi Nhà nước định giá bán SGK, việc rà soát các khoản chi sẽ được thực hiện trên cơ sở đảm bảo tính hợp lý của từng đầu mục.
Từ nhận định đó, giữa tháng 7, thừa ủy quyền Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa. Nhưng một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (cơ quan thẩm tra tờ trình) cho rằng, với chủ trương thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, phát hành SGK, việc bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa là trái với nguyên tắc thị trường, chưa phù hợp với quy định của Luật Giá.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, để đảm bảo mức giá phù hợp trong cơ chế thị trường, Chính phủ cần có cơ chế để mở rộng đối tượng được in ấn, phát hành SGK, bảo đảm có nhiều nhà cung cấp cùng sản phẩm, từ đó góp phần giảm giá bán sản phẩm. Trường hợp thực sự cần thiết, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Luật Giá.
Như vậy, việc trước mắt cần làm là có cơ chế để mở rộng đối tượng được in ấn, phát hành SGK, bảo đảm có nhiều nhà cung cấp cùng sản phẩm, từ đó góp phần giảm giá bán SGK. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định Cao Xuân Hùng, trường hợp 2 bộ SGK có chất lượng tương đương thì bộ có giá thấp hơn đương nhiên có nhiều khả năng được chọn hơn. Và giá SGK cần phù hợp với thu nhập bình quân của người dân.
Chính vì vậy, dư luận cho rằng, cần xem SGK là một loại hàng hóa đặc biệt để có chính sách quản lý và giám sát giá phù hợp.
TS THÁI VĂN TÀI, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT: Vừa qua, một trường tiểu học tại TPHCM đưa danh mục 25 cuốn sách lớp 1 mới với giá 800.000 đồng để phụ huynh mua gây bức xúc dư luận. Ngay sau khi nắm được thông tin, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Sở GD-ĐT TPHCM làm việc với trường để xác minh, làm rõ. Bộ yêu cầu các sở GD-ĐT phải tư vấn, thông báo rõ cho phụ huynh sách nào bắt buộc phải có, tài liệu nào là tham khảo để phụ huynh có thể lựa chọn mua theo nhu cầu nếu thấy thật sự cần thiết cho con em mình. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo. Cho đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT chưa nhận được thông tin nào liên quan đến việc các trường “ép” học sinh mua SGK, sách tham khảo để được chiết khấu phần trăm. |