Các nghệ sỹ nhân dân, các nhà quản lý đều khẳng định sân khấu dành cho thiếu nhi là vùng đất màu mỡ và luôn chờ các nhà hát, nghệ sỹ, diễn viên đầu tư các vở diễn cuốn hút, hấp dẫn.
Các tác phẩm hấp dẫn luôn có chỗ đứng
Theo Nghệ sỹ Ưu tú Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, Nhà hát ra đời năm 1978. Trong 46 năm trên hành trình nghệ thuật sôi nổi, Nhà hát Tuổi trẻ là nơi trình diễn các chương trình nghệ thuật đặc sắc, những chương trình nghệ thuật có chất lượng. Nhà hát luôn chủ động tìm tòi, giao lưu, thể nghiệm những chất liệu sáng tạo mới mẻ để mang đến cho công chúng những vở diễn giàu tính đương đại.
Nhà hát đã dàn dựng hơn 100 vở diễn dành cho thiếu nhi ở nhiều thể loại nghệ thuật, đón hàng triệu lượt khán giả tới rạp cũng như lưu diễn ở nhiều địa phương của Việt Nam và quốc tế. Có những buổi biểu diễn của Nhà hát thu hút cả gia đình ba thế hệ đến xem.
Đó là món quà vô cùng ý nghĩa khán giả dành cho tập thể lãnh đạo, nghệ sỹ, diễn viên của Nhà hát; là động lực để mỗi người không ngừng nỗ lực, cố gắng trong hoạt động nghệ thuật phục vụ công chúng.
Còn theo Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc, chủ sân khấu Lệ Ngọc (sân khấu theo hình thức xã hội hóa), trong gần 50 năm qua, sân khấu dành cho thiếu nhi luôn có một “khoảng trống.”
Nếu làm nghệ thuật dành cho lớp công chúng trẻ mà chỉ nghĩ đến Nhà hát Tuổi trẻ thì là một thiếu sót lớn, bởi trẻ em là nhóm công chúng cần được nuôi dưỡng tâm hồn từ thơ bé.
Từ suy tư này, mỗi khi dàn dựng các vở diễn, sân khấu Lệ Ngọc luôn đặt ra câu hỏi làm thế nào để thiếu nhi đến với sân khấu nhiều nhất, để ông bà, bố mẹ- những người chiều các em nhất sẵn sàng bỏ tiền mua vé.
Chia sẻ những thành công rất đặc biệt của sân khấu Lệ Ngọc với những vở diễn như "Dế mèn," "Tấm Cám," "Cây tre trăm đốt" được lưu diễn từ 100 đến 300 đêm trên khắp cả nước và được tham dự các liên hoan quốc tế, Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc khẳng định, sự quan tâm, ủng hộ của khán giả đã mang đến cho những người làm việc tại sân khấu Lệ Ngọc động lực để phục vụ chỉn chu hơn.
Tương tự, các vở diễn của đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng thường lưu diễn ít nhất 100 buổi và nhiều nhất là trên 300 buổi. Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng, nếu cứ kêu khó và thiếu nguồn lực thì không có đường ra để bảo tồn nghệ thuật truyền thống.
Nhờ sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, các đoàn nghệ thuật nói chung, đoàn Nghệ thuật Múa Rối Hải Phòng nói riêng có nguồn lực để đầu tư các tác phẩm công phu, hoành tráng, có sức hấp dẫn nhóm công chúng thiếu nhi; đặc biệt trong bối cảnh, nghệ thuật truyền thống phải cạnh tranh rất khốc liệt với các loại hình giải trí khác.
Cùng với nguồn lực từ thành phố, tập thể lãnh đạo và êkíp dàn dựng các tác phẩm đã không ngừng nỗ lực xây dựng các tác phẩm đáp ứng nhu cầu của công chúng. Nhờ đó, múa rối sẽ có sức hấp dẫn, chỗ đứng riêng với lớp khán giả nhí.
Để sân khấu dành cho thiếu nhi luôn sáng đèn
Tại buổi Hội thảo trong khuôn khổ Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Thiếu nhi toàn quốc lần thứ nhất, các đại biểu tham gia đã chia sẻ một số kinh nghiệm để sân khấu dành cho thiếu nhi luôn sáng đèn.
Cảnh trong vở kịch “Bộ quần áo mới của hoàng đế” của Nhà hát Kịch Việt Nam. (Ảnh: Phương Lan/TTXVN)
Theo Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa Rối Việt Nam, thành công của một vở diễn chính là thu hút khán giả đến và giữ chân khán giả tới phút cuối cùng. Để đạt được điều này, êkíp sản xuất phải hết sức rõ ràng trong định hình nhóm công chúng sẽ tiếp cận vở diễn.
Nghệ sỹ Ưu tú Cao Ngọc Ánh chia sẻ, thành công của một tác phẩm dành cho thiếu nhi, ngoài kịch bản còn cần đội ngũ sáng tạo như biên kịch, đạo diễn, nhạc sỹ, biên đạo, thiết kế mỹ thuật, âm thanh ánh sáng luôn học hỏi không ngừng, cập nhật những yếu tố mới văn minh, hiện đại trên thế giới để ứng dụng hài hòa, giao thoa vào các vở diễn để tăng tính hấp dẫn, tập trung của khán giả.
Các yếu tố về truyền thông, quảng bá cũng có những đóng góp rất quan trọng để đưa thông tin đến công chúng, góp phần tạo nên thành công chung của vở diễn.
Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, cho biết các bậc phụ huynh ngày càng quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho con em được học tập, tiếp cận với nhiều loại hình nghệ thuật ngay từ khi còn nhỏ. Điều này cho thấy nhận thức và đầu tư về giáo dục cho thế hệ trẻ ngày có rất nhiều đổi khác.
Chương trình học của hệ thống giáo dục công lập, đặc biệt là dân lập trong nước cũng tiếp thu, học hỏi những tinh hoa của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. “Văn-Thể-Mỹ” giờ không còn là những môn học phụ, những môn học “mang tính hình thức” nữa.
Chính vì vậy, việc đưa công tác giảng dạy và giáo dục nghệ thuật vào trường học càng sớm sẽ càng tạo điều kiện và nguồn lực thuận lợi cho sự phát triển của nghệ thuật đất nước.
Nhận thức được điều này, Nhà hát Kịch Hà Nội đã triển khai “Đề án Sân khấu kịch học đường,” hy vọng rằng đề án sẽ được lan tỏa rộng rãi, mang đến lợi ích dài hơi, sâu rộng cho thế hệ người Việt hiện nay và tương lai.