Sân khấu thiếu nhi - nhiều nỗi lo

(ĐTTCO) - Sân khấu luôn được xem là loại hình nghệ thuật giúp thiếu nhi dễ dàng tiếp cận, phát triển toàn diện về tinh thần, tư duy thẩm mỹ, ý thức xã hội, tính nhân văn... Thế nhưng, hơn 10 năm qua, nhiều sân khấu, điểm diễn nghệ thuật cho thiếu nhi tại TPHCM cứ dần mất đi.

Vở cải lương thiếu nhi Con ngựa bạch và củ cải khổng lồ đánh dấu sự trở lại của sân khấu cải lương Đồng Ấu Bạch Long

Vở cải lương thiếu nhi Con ngựa bạch và củ cải khổng lồ đánh dấu sự trở lại của sân khấu cải lương Đồng Ấu Bạch Long

Điểm diễn vừa thiếu vừa yếu 

Cách đây hơn 3 năm, Sân khấu Sen Hồng tại Công viên 23-9 thường sáng đèn tất bật với lịch diễn khá dày, phục vụ miễn phí, từ ca múa nhạc thiếu nhi đến những suất diễn “phổ cập” các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát bội, cải lương, đờn ca tài tử, ca múa nhạc dân tộc, múa rối, xiếc, ảo thuật, lân sư rồng... Đến giữa năm 2019, với mong muốn chỉnh trang Công viên 23-9, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương di dời sân khấu Sen Hồng về rạp Công Nhân trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1; đồng thời lên phương án sửa chữa, chỉnh trang rạp Công Nhân để sân khấu Sen Hồng sớm hoạt động trở lại. Nhưng đầu tháng 10-2019, rạp Công Nhân bị sự cố hỏa hoạn và đóng cửa từ đó đến nay, sân khấu Sen Hồng cũng tắt đèn chờ đợi.

Với các đơn vị nghệ thuật tư nhân, không có điểm diễn riêng thì buộc phải thuê mướn mặt bằng và mấy chục năm qua, ông bầu - đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, chấp nhận thuê điểm diễn cố định là Nhà hát Bến Thành để tổ chức xuyên suốt chương trình Ngày xửa ngày xưa dành cho thiếu nhi mỗi dịp hè. Theo ông Tuấn, phải cố gắng “giữ chỗ” diễn ổn định, nhằm xây dựng và giữ thói quen “đến rạp xem hát” của phụ huynh và trẻ em - lực lượng khán giả tương lai của sân khấu kịch nói. 

Tuy nhiên, không phải lúc nào việc tìm điểm diễn, nhất là cho sân khấu thiếu nhi cũng thuận lợi. Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam có điểm diễn tại rạp xiếc Công viên Gia Định nhưng cơ sở vật chất, rạp bạt quá cũ kỹ, xuống cấp. Trong khi đó, điểm diễn rối nước trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử TPHCM quá nhỏ, cùng lúc chỉ phục vụ vài chục khách. Sân khấu kịch 5B được NSƯT Mỹ Uyên đầu tư dựng kịch thiếu nhi nội thất cũng xuống cấp và điểm diễn tận lầu 3, là hạn chế rất lớn với phụ huynh và trẻ nhỏ khi đến xem chương trình. 

Cần đầu tư mang tính chiến lược

Chị Trần Minh Phương (quận Tân Bình) chia sẻ: “Nhà tôi luôn cố gắng tìm kiếm các chương trình sân khấu để cho 2 con đi xem, thư giãn dịp hè, nhưng chỉ xem được mỗi chương trình Ngày xửa ngày xưa. Tôi nhớ lúc còn nhỏ, thành phố có nhiều sân khấu kịch, ca múa nhạc dành cho trẻ con, nhưng các chương trình, điểm diễn cho thiếu nhi cứ mất dần; phụ huynh không biết đưa các con đi đâu, xem gì”.

Một ông bầu giỏi nghề trăn trở: “Rất nhiều người, từ chuyên gia đến cộng đồng xã hội đều cảnh báo tình trạng trẻ lạm dụng máy tính, điện thoại như một công cụ giải trí. Thế nhưng, bàn việc xây dựng các loại hình giải trí như sân khấu cho thiếu nhi thì không được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư. Trong khi đó, các loại hình nghệ thuật biểu diễn tác động, ảnh hưởng, thậm chí góp phần giáo dục cho trẻ, mang đến những giá trị văn hóa tinh thần rất rõ nét. Các em hòa vào những câu chuyện, cùng vui buồn với nhân vật và từ đó tiếp nhận những điều hay, lẽ phải”. 

Cũng cần nói thêm, làm sân khấu cho người lớn đã khó, sân khấu cho thiếu nhi còn khó gấp bội. NSƯT Mỹ Uyên cho biết, sân khấu xuống cấp thì còn gắng sửa, chắp vá sao cho tạm ổn để duy trì hoạt động. Khán giả người lớn còn gắng được, khán giả thiếu nhi thì phải đảm bảo nhiều điều kiện như trang bị thang máy để các em không phải lên xuống 3 tầng lầu nhỏ hẹp, tiếc là đến nay đề nghị đầu tư này vẫn chưa được quan tâm... Được xem là thành công nhất trong việc làm sân khấu thiếu nhi, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ, làm sân khấu cho trẻ em phải đầu tư quy mô, hoành tráng để các em được xem đã mắt, thấy và cảm nhận được cái đẹp của nghệ thuật sân khấu. Từ đó, các em dễ dàng bước vào thế giới của sự mơ mộng, tưởng tượng, cảm nhận niềm vui trong thế giới trẻ thơ và đón nhận những bài học giáo dục nhẹ nhàng, ý nghĩa.

Sân khấu thiếu nhi TPHCM hiện đang cần một chiến lược đầu tư phát triển quy mô, mang tính lâu dài. Từ đó, đồng thời góp phần đào tạo những khán giả kế thừa cho nghệ thuật sân khấu trong tương lai, lực lượng thứ ba rất quan trọng trong mối tương quan quyết định sự sống còn của sân khấu: người làm nghệ thuật - tác phẩm - khán giả.

Các tin khác