Sang khách

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những ai đi xe đò cách đây 15-20 năm đều không lạ gì chuyện “sang khách”, vì bắt hành khách chờ một hồi lâu nhưng vẫn không đủ khách chủ xe liền kiếm xe bạn “sang khách” để tiếp tục cuộc hành trình. Trước đây cũng xảy ra tình trạng tương tự ở loại hình cao cấp là hàng không.

Cũng là loại hình dịch vụ nhưng mang tính kinh tế từ năm 2008 đến nay, khó khăn trong hoạt động cũng dẫn đến tình trạng “bán khách” là NĐT tại các CTCK. Vài năm trước, hoạt động này khi mới diễn ra còn gây nhiều sự chú ý, nhưng hiện đã trở nên quen thuộc với NĐT. Thậm chí, một NĐT dày dạn kinh nghiệm khi nghe thông tin này đã cảm thán rằng: Lại một CTCK nữa đã… ra đi.

Mới hôm qua, thông tin CTCK Đông Dương (DDS) tạm ngưng nghiệp vụ môi giới và liên kết với CTCK Kim Eng (KEVS) để hỗ trợ khách hàng. Từ ngày 13 đến 31-12, khách hàng của DDS sẽ chuyển tài khoản của mình về KEVS. Mặc dù DDS đã dùng một số từ ngữ để “làm nhẹ” thông báo của mình, nhưng thực chất có thể hiểu đây là một cuộc sang nhượng khách hàng và lý do vì sao thì không cần giải thích nhiều.

Thúc đẩy cho hoạt động này chính là việc các CTCK tiết giảm chi phí, đóng cửa các chi nhánh của mình và có thể tiến hành sang nhượng.  Thực tế, số lượng chi nhánh đóng cửa thì nhiều, nhưng các thương vụ sang nhượng diễn ra chưa chắc đã nhiều tương ứng.

Bởi lẽ, khi thông tin đóng cửa được nghe phong phanh, lập tức các CTCK đối thủ sẽ cho người tìm đủ mọi cách để lôi kéo khách hàng. Đây là cách “đánh” trực diện vào từng mục tiêu và được áp dụng khá rộng rãi.

Việc mua cả cụm khách hàng chỉ diễn ra nếu bên mua nhận ra được tiềm năng trong số khách hàng của bên bán. Theo chia sẻ của những người có thâm niên trong ngành chứng khoán, chỉ cần tỷ lệ tài khoản hoạt động/tổng số tài khoản của CTCK đạt từ 10-15% là có thể đặt vấn đề mua lại, nhưng thực tế không dễ kiếm được.

Ngoài ra, nhiều lãnh đạo CTCK cũng e ngại chuyện “sang khách” có thể gây tiếng xấu cho mình trong khi số tiền thu được chưa chắc đã nhiều nên chọn giải pháp đứng im để khách tự đi đâu thì đi.

Nói đến đây mới nhớ đến câu chuyện nhiều CTCK một thời tìm mọi cách mở rộng thị phần, công bố mình có hàng chục nghìn tài khoản, thực tế trong đó số lượng tài khoản chết rất nhiều.

Điều này cũng có nét hao hao giống như những chiếc xe đò năm xưa chào mời hành khách nào là xe chạy đúng giờ, không đón khách dọc đường, nhưng cuối cùng lại phải “sang khách” vì ế.

Các tin khác