Sàng lọc cổ phiếu ô tô

Các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước đang chịu sức ép rất lớn từ các sản phẩm các nước ASEAN khi thuế nhập khẩu đang dần được gỡ bỏ. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm để sàng lọc những doanh nghiệp yếu kém và cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có tiềm lực vươn lên.

Các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước đang chịu sức ép rất lớn từ các sản phẩm các nước ASEAN khi thuế nhập khẩu đang dần được gỡ bỏ. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm để sàng lọc những doanh nghiệp yếu kém và cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có tiềm lực vươn lên.

Sức ép từ hàng nhập

Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), 9 tháng năm 2014, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 16.149 xe, tăng 29% so với tháng 8 và 65% so với tháng 9-2013. Điều đáng nói là doanh số xe lắp ráp trong nước tăng trưởng chỉ ở mức 30%, trong khi các dòng xe nhập khẩu tăng  trưởng lên đến 76% so với cùng kỳ.

Đây không phải lần đầu tiên sự tăng trưởng của dòng xe nhập khẩu áp đảo xe sản xuất trong nước. Điều này cho thấy xu hướng chuộng xe nhập khẩu của người tiêu dùng nội địa và Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục là nước nhập siêu ô tô trong thời gian tới.

Tuy vậy, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới là lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu mặt hàng xe ô tô từ các quốc gia ASEAN theo cam kết ATIGA. Theo đó, tháng 1-2014, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu từ 10-15% đối với linh kiện nhập khẩu từ ASEAN và cam kết cắt giảm hoàn toàn thuế đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc vào năm 2018.

Tác động trực tiếp đầu tiên sẽ là sự xâm nhập của ô tô giá rẻ từ ASEAN mà cụ thể là Indonesia và Thái Lan. Với khoảng cách khá lớn về công nghệ và quy mô sản xuất, nên thời gian còn lại không đủ để Việt Nam phát triển một ngành công nghiệp đủ sức cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ mới.

Thực tế cho thấy, ngay cả khi thuế nhập khẩu mới chỉ giảm từ mức 60% xuống 50% trong năm 2013, số lượng xe ô tô nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam đã tăng đột biến, đứng thứ 2 sau Hàn Quốc (năm  2013 tăng 75,9%) và sự chiếm lĩnh thị trường của xe nhập khẩu là gần như không tránh khỏi.

Mặc dù chịu tác động rất lớn, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp ô tô Việt Nam sẽ không chịu cú sốc mạnh trong ngắn hạn. Trước hết, đối tượng xe ô tô được ưu đãi về thuế nhập khẩu cần có hàm lượng giá trị sản xuất trong nội bộ ASEAN ít nhất 40%. Với điều khoản này sẽ chưa có nhiều dòng xe giá rẻ từ ASEAN có cơ hội tiếp cận với thị trường Việt Nam trong ngắn hạn.

Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam chưa thích ứng được với số lượng lớn ô tô trong ngắn hạn. Vì vậy, xe máy vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng với tính tiện dụng và linh hoạt. Cầu xe ô tô sẽ khó bùng nổ trong ngắn hạn khi chỉ được hỗ trợ bởi yếu tố giá.

Cơ hội vẫn còn

Thực ra, sự xâm nhập của ô tô nhập khẩu và tăng trưởng của doanh số bán hàng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Với sự tăng trưởng tiêu dùng xe ô tô, nhu cầu về dịch vụ sau bán hàng là yếu tố tất yếu. Vì vậy, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đi kèm sẽ có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Ngành công nghiệp sản xuất hàng phụ trợ cũng có cơ hội phát triển khi được tiếp cận với nhu cầu đủ lớn để các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại. Có thể thấy, sức ép hội nhập một mặt sẽ khiến các doanh nghiệp nhỏ, sức cạnh tranh yếu phải rút lui khỏi ngành, mặt khác sẽ là động lực và cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp có đủ tiềm lực và sự nhạy bén.

Điển hình cho sự thành công này chính là CTCP Ô tô Trường Hải (THA). Theo VAMA, THA với các dòng sản phẩm chủ lực là Thaco Truck vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu trong phân khúc xe tải, bỏ xa các đối thủ khác như TMT hay Isuzu.

Trong khi đó, mặc dù còn khoảng cách tương đối lớn với Toyota Việt Nam vốn đã chiếm lĩnh thị trường ô tô du lịch Việt Nam từ lâu, THA cũng đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ, chiếm vị trí thứ 2 với loạt sản phẩm hướng đến khách hàng tầm trung mang thương hiệu KIA và Mazda.

Theo phân tích của CTCK Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), điểm nổi bật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Trường Hải là tầm nhìn chiến lược của Ban lãnh đạo. Chính những quyết định mang tính dài hạn đã giúp THA có được nhiều bước ngoặt quan trọng. Đơn cử là quyết định đầu tư nhà máy mới Khu công nghiệp Chu Lai (Quảng Nam) trở thành đại bản doanh với một quy trình sản xuất khép kín và hàng loạt nhà máy sản xuất thiết bị phụ trợ.

Vượt trội so với các doanh nghiệp còn lại nhưng THA vẫn chỉ là mã CP đang giao dịch trên thị trường OTC. Trong khi đó, nhóm 4 CP ô tô đang giao dịch trên TTCK chính thức là CTCP Ô tô TMT (TMT), CTCP Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy (HHS), CTCP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (HAX), CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (SVC) vẫn chưa thể tạo nên sự bứt phá rõ nét.

Lấy dẫn chứng từ TMT, ngày 9-10 vừa qua, ĐHCĐ của TMT đã thông qua việc điều chỉnh tăng hàng loạt chỉ tiêu quan trọng trong năm 2014 như: giá trị sản xuất tăng từ 540 tỷ đồng lên 1.452 tỷ đồng, sản lượng xe tiêu thụ từ 1.845 xe lên 2.969 xe (tăng 61%), doanh thu tăng từ 583 tỷ lên 1.586 tỷ đồng (tăng 172%), lợi nhuận trước thuế từ 6,2 tỷ đồng lên 28 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế từ 5,3 tỷ đồng lên 21 tỷ đồng (tăng 4 lần).

Theo báo cáo của TMT trong 8 tháng đầu năm nay, công ty đạt 657,8 tỷ đồng doanh thu và 27,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, so với kế hoạch điều chỉnh công ty đã hoàn thành 41,4% kế hoạch doanh thu và 130% kế hoạch lợi nhuận.

Phân xưởng lắp ráp ô tô Trường Hải. Ảnh: LONG THANH

Phân xưởng lắp ráp ô tô Trường Hải. Ảnh: LONG THANH

Tương tự là trường hợp HAX. Sau giai đoạn 2009-2012 với lợi nhuận âm, HAX đã bắt đầu thoát lỗ từ năm 2013. 6 tháng đầu năm 2014, Hàng Xanh đạt 558,5 tỷ đồng doanh thu và 5,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương 58% và 83% kế hoạch.

Tuy vậy, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của HAX vẫn âm, lợi nhuận đến từ khoản mục lợi nhuận khác. Như vậy, có thể thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh chính của HAX vẫn chưa có nhiều cải thiện. Điểm cộng lớn nhất của doanh nghiệp này trong thời gian vừa qua là hàng tồn kho từ các năm trước đã được giải phóng.

Các tin khác