Trong phiên cuối cùng, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Nghị quyết về lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Theo lịch làm việc, sáng nay (23-11), kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII sẽ họp phiên bế mạc.
Trong ngày làm việc cuối cùng, các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và 5 Nghị quyết, trong đó đặc biệt có Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Luật phòng, chống tham nhũng dự kiến được sửa đổi theo hướng tăng cường công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời, các cán bộ, cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm giải trình về quyết định, hành vi của mình.
Luật cũng sửa đổi để bảo đảm chặt chẽ, chính xác, khách quan khi xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập và xác định rõ việc xử lý đối với người có hành vi vi phạm về minh bạch tài sản, thu nhập.
Dự thảo Luật bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi phát hiện cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý trực tiếp có dấu hiệu tham nhũng hoặc theo yêu cầu của cơ quan Kiểm tra đảng, cơ quan Thanh tra nhà nước, Kiểm toán nhà nước, cơ quan Điều tra, thì phải tạm đình chỉ hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác để phục vụ cho việc xác minh làm rõ hành vi tham nhũng.
Về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, hiện Ban này trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Tuy nhiên, dự thảo Luật đã không quy định về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mà việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban sẽ do Đảng quy định. Đồng thời, công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của cơ quan này sẽ được thực hiện thông qua các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.
Liên quan đến Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dự kiến thời gian lấy ý kiến từ ngày 2-1 - 31-3-2013, kinh phí sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Theo dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Chủ tịch nước được bổ sung thêm quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề thuộc nhiệm vụ của Chủ tịch nước nhận được sự nhất trí cao ở nhiều tổ thảo luận. Đồng thời, dự thảo cho rằng kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.
Cuối phiên, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp này, Thủ tướng và 4 Bộ trưởng ngành Công thương, ngành Xây dựng, ngành ngân hàng và ngành Y tế đã trực tiếp đăng đàn trả lời chất vấn. Trong đó, Thủ tướng trong bài phát biểu phiên khai mạc đã nhận lỗi trong việc điều hành các tập đoàn kinh tế.
Như vậy, sau 1 tháng diễn ra (từ ngày 22-10 đến 23-11), Quốc hội xem xét, thông qua 9 dự án luật và 10 Nghị quyết, cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 6 dự án luật khác. Ngoài ra, Quốc hội cũng thông qua kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5%, lạm phát 8%.