Sáng tạo để vượt khủng hoảng, phát triển bền vững

(ĐTTCO)- Đây là khẳng định của nhiều chuyên gia, doanh nhân tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam năm 2022 được tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM trong khuôn khổ các hoạt động  Ngày hội Doanh nghiệp Doanh nhân họ Dương Việt Nam 2022 hướng đến chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10.

Các diễn giả tại Diễn đàn.
Các diễn giả tại Diễn đàn.
Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Kiên định – Sáng tạo – Phát triển bền vững” với sự tham dự của hơn 600 đại biểu, khách mời là những doanh nhân thành đạt như ông Dương Công Minh - Chủ tịch Sacombank, Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ); GS.TS Nguyễn Lân Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam…

Doanh nhân Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT nêu vấn đề: Tình hình kinh tế - chính trị thế giới hiện nay đang rơi vào tình trạng nhiều khó khăn. “Bí kíp” để Tập đoàn FPT vượt qua chính là học từ nghệ thuật “Chiến tranh nhân dân” của ông cha ta. “Chiến tranh nhân dân” bản thân tên gọi đã bao hàm đầy đủ ý nghĩa, đó là cuộc chiến tranh mà tất cả nhân dân đều tham gia, kiên định cho một mục tiêu cuối cùng là chiến thắng.
“Để mang về 1 tỷ USD ngoại tệ mỗi năm cho đất nước như hiện nay, trong quá trình phát triển của mình, Tập đoàn FPT đã phải nhiều lần kích hoạt “trạng thái chiến tranh”, huy động sức mạnh để vượt qua khủng hoảng”, ông Bình nhấn mạnh và cho biết 2 lần điển hình: Một là những năm đầu khi FPT vươn ra toàn cầu để xuất khẩu phần mềm nhưng thất bại nặng nề tại thị trường Mỹ và Ấn Độ và lần thứ hai là chống chọi với đại dịch Covid-19.
“Khi ấy, những nhà lãnh đạo, quản trị biến thành người chỉ huy, người lao động biến thành những chiến binh, tất cả đồng lòng, kiên định cho một mục tiêu duy nhất là FPT phải vượt qua được khó khăn, khủng hoảng”, ông Bình chia sẻ và cho rằng: Để “chiến tranh nhân dân” thành công, vai trò làm gương của những người chỉ huy rất quan trọng. Có những thời điểm ban lãnh đạo FPT tự bàn với nhau cắt giảm lương của mình nhưng vẫn giữ đầy đủ quyền lợi cho cán bộ nhân viên để giữ vững tinh thần ổn định cho đội ngũ.
Đồng tình với quan điểm về sự kiên định trong mục tiêu, sáng tạo trong hành động, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank nhắn nhủ với các doanh nhân trẻ điều mà ông tâm đắc, cũng là “kim chỉ nam” cho thành công trong kinh doanh của mình đó là “thượng tôn pháp luật” và “chia sẻ lợi ích”.
Làm gì thì làm phải theo quy định của pháp luật, khi đã có lợi nhuận rồi thì chia sẻ với người lao động, với cộng đồng. “Khi nhận nhiệm vụ tái cơ cấu Ngân hàng Sacombank, tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất là phải làm sao đưa Sacombank có lợi nhuận và trở lại vị thế hàng đầu ngành ngân hàng.
Từ mục tiêu đó, tôi chỉ chọn và làm việc với “người cộng sự duy nhất” là chị Thạch Diễm, hiện nay là Tổng GĐ Sacombank để đưa ra những quyết sách giúp Sacombank tái cơ cấu thành công. Ông Minh lấy ví dụ, một trong những quyết định thể hiện sự sáng tạo, đột phá trong quá trình tái cơ cấu Sacombank chính là việc bán khai thác bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam, thu về khoản tiền 800 tỷ đồng, giúp lợi nhuận năm 2017 của Sacombank vọt lên 1.400 tỷ đồng, trong khi năm 2016 chỉ vỏn vẹn 16 tỷ đồng.
Vị doanh nhân dày dạn kinh nghiệm cũng nhắn nhủ với các bạn doanh nhân trẻ: Muốn thành công, giàu có phải có hoài bão, ước mơ và phải có đột phá, chứ cứ bình bình thì doanh nghiệp không thể nào lớn nổi.

Tại Diễn đàn nhiều chuyên gia kiến nghị, Chính phủ cần cải thiện hơn nữa chính sách thị thực nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho du lịch Việt Nam, đồng thời tăng cường quảng bá thương hiệu quốc gia, có chính sách hỗ trợ tài chính để các doanh nghiệp tái cơ cấu sản phẩm, dịch vụ sau thời gian thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Nếu làm tốt những việc này, tôi tin rằng ngành du lịch sẽ phát triển rất mạnh mẽ, đạt mục tiêu doanh thu từ 120 – 150 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 20% GDP vào năm 2030.

Các tin khác