Đó là quyết định khởi tố và bắt tạm giam Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc CTCP Công nghệ Việt Á cùng nhiều đối tượng liên quan, vì hành vi trục lợi từ việc cung ứng kit xét nghiệm Covid-19. Kết quả điều tra bước đầu cho biết, đối tượng này đã thổi giá và liên kết với những kẻ tha hóa trong ngành y tế để thu về gần 4.000 tỷ đồng. Phải chăng, phía sau chiến dịch “thần tốc xét nghiệm” lẫn ý chí “xét nghiệm trên diện rộng” đã tạo điều kiện “đục nước béo cò” cho những kẻ dã tâm?
Phát biểu trên diễn đàn Quốc hội, lãnh đạo Bộ Y tế nói “do quá mải mê chống dịch nên không giám sát giá xét nghiệm”. Vậy ai đã tạo điều kiện cho Việt Á thao túng thị trường xét nghiệm? Tại sao Việt Á lại dễ dàng “dắt mũi” hầu hết đơn vị y tế trên cả nước để trục lợi từ mặt hàng kit test? Nếu không có ai tiếp tay, bộ kit xét nghiệm của Việt Á với một mình Phan Quốc Việt, liệu có thể “múa gậy vườn hoang” thổi giá ăn tiền bá tánh trong cơn cam go dịch bệnh?
Hãy thử “thần tốc truy vết”. Ngày 3-3-2020, Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) công nhận kết quả nghiên cứu chế tạo bộ Kit real-time RT-PCR của Việt Á. Ngày 4-3-2020, Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành cho bộ kit này. Câu hỏi đặt ra, bộ kit của Việt Á đã “thần tốc xét nghiệm” bao nhiêu người để có được những dữ liệu khoa học cần thiết cho một sản phẩm phòng chống Covid-19? Bởi lẽ, tính đến ngày 3-3-2020 cả nước chỉ có 16 ca dương tính, trong đó 7 người đã khỏi bệnh và xuất viện.
Việt Á thổi giá để thu lợi 4.000 tỷ đồng, đâu phải nhờ “một tay che trời” của Phan Quốc Việt. Trong danh sách mang tên "SARS-CoV-2 IVDs: sản phẩm không được chấp thuận cho EUL”, đăng tải trên website chính thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 10-12-2021 có tên kit test của Việt Á. Thế nhưng, website của Bộ KH-CN ngày 26-4-2020 khẳng định: “Ngày 24-4-2020, WHO đã chấp thuận bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam do Bộ KH-CN giao Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. WHO đã đánh giá bộ KIT LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR KIT do Việt Á sản xuất theo quy trình danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00”.
3 ngày sau khi Phan Quốc Việt bị khởi tố và bắt tạm giam, Bộ Y tế đã có thông cáo báo chí giải thích về hành trình “chinh phục” của bột kit test của Việt Á. Bộ Y tế cho rằng quyết định cấp phép ngày 4-3-2020 căn cứ vào ý kiến chuyên môn của Bộ KH-CN nhằm “đáp ứng nhu cầu xét nghiệm tại thời điểm khó khăn khi tiếp cận với nguồn cung ứng sinh phẩm trên thế giới”. Nghe qua cũng có lý, nhưng nghĩ lại thấy buồn cười. Bởi lẽ, vai trò chuyên môn của Bộ Y tế ở đâu mà không thẩm định hay phản biện một sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người? Bộ Y tế đổ thừa cho Bộ KH-CN, vậy hàng ngàn người dân đã bị ảnh hưởng do bộ kit test kém chất lượng của Việt Á biết đổ thừa cho ai?
Về vấn đề thổi giá của Việt Á, Bộ Y tế khăng khăng không có trách nhiệm, nói đã trình Chính phủ Nghị định 98/2021 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022) để quy định giá sinh phẩm xét nghiệm thuộc mặt hàng quản lý giá. Cho phép lưu hành bộ kit test từ tháng 3-2020, mà cả năm sau mới phát hiện cần giám sát thị trường? Hàng triệu người Việt đã bị móc túi vì chiến dịch “xét nghiệm trên diện rộng” đã trở thành “vật tế thần” của quy trình chậm trễ kia? Bộ Y tế là cơ quan chuyên môn cho công tác phòng chống Covid-19 lại thờ ơ với thị trường xét nghiệm cả thời gian dài, để ngân sách nhà nước chảy vào túi những kẻ bất lương? Theo Bộ Y tế, Luật giá quy định trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc danh mục mặt hàng phải quản lý giá.
Đáng nói, cùng thời điểm Việt Á niêm yết giá 470.000 đồng/sản phẩm, thì CTCP Sao Thái Dương niêm yết giá loại xét nghiệm PCR 300.000 đồng/sản phẩm và xét nghiệm LAMP 385.000 đồng/sản phẩm, Công ty Ampharco U.S.A có giá 179.800 đồng/sản phẩm. Có 15 sản phẩm PCR nhập khẩu đã được cấp phép đăng ký và niêm yết giá 280.000-600.000 đồng/sản phẩm. Bộ Y tế cho rằng đó không phải là giá bắt buộc áp dụng, nên ung dung đứng ngoài cuộc để các địa phương, cơ sở y tế tự mua sắm, đấu thầu, sử dụng sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch.