Sao Mai Group và khát vọng phát triển năng lượng tái tạo

(ĐTTCO)-Việt Nam, một quốc gia đang phấn đấu vươn lên trong bối cảnh thế giới chứng kiến sự biến đổi khí hậu nghiêm trọng, đã đặt ra mục tiêu phát triển bền vững, sử dụng năng lượng tái tạo làm trọng tâm.

Khát vọng phát triển năng lượng sạch
Khát vọng phát triển năng lượng sạch

Phát triển năng lượng tái tạo: Hiện thực hóa giấc mơ

Nắm bắt xu hướng của toàn cầu, Sao Mai đã phác thảo kế hoạch chi tiết tầm nhìn dài hạn cho việc phát triển năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2050, hứa hẹn sẽ góp phần đáng kể vào sự phát triển xanh của đất nước.

sm12-8904.jpg
Tập đoàn Sao Mai dành nhiều sự quan tâm đến xanh hóa phát triển kinh tế

Với 16 công ty thành viên, tổng giá trị tài sản vượt qua mốc 19.000 tỷ đồng, Sao Mai Group khẳng định vị thế của mình trong đa dạng lĩnh vực ngành nghề. Từ phát triển các dự án bất động sản, thiết kế - xây dựng, năng lượng tái tạo, dịch vụ du lịch, xuất khẩu lao động, đầu tư tài chính cho đến xuất khẩu thủy sản, chế biến thức ăn thủy sản, bột cá, mỡ cá, tinh luyện dầu ăn cao cấp 100% từ cá. Nhiều công trình được đưa vào hoạt động thành công và các dự án đang triển khai đã cho thấy sự nỗ lực vượt qua những giai đoạn thăng trầm, quyết tâm hướng tới sự phát triển toàn diện, bền vững.

Điện mặt trời mặt đất

sm13-6080.jpg
Toàn cảnh Nhà máy Sao Mai Solar thênh thang dưới chân Núi Cấm

Với tiềm năng 837.400MW điện mặt trời mặt đất tại Việt Nam, Sao Mai đã xác định hai giai đoạn phát triển. Giai đoạn 2023-2030 đang chứng kiến việc triển khai 1.043MW công suất điện mặt trời mặt đất. Tuy nhiên, đối mặt với rủi ro từ chính sách không hiệu quả trong giai đoạn này, nên doanh nghiệp định hướng sẽ tập trung phát triển điện mặt trời mái nhà, đẩy mạnh loại hình tự sản tự tiêu trong giai đoạn 2030-2050 theo phương án sản xuất điện quốc gia, với mục tiêu quy hoạch tổng công suất 168.594 - 189.294 MW.

Điện mặt trời áp mái - cơ chế DPPA

Với khả năng phát triển tới 48.200MW từ điện mặt trời áp mái, Sao Mai nhận thức được cơ hội trong hình thức ESCO. Việc lắp đặt hệ thống từ 5 - 10 Kwp phù hợp với các hộ dân và các công suất lớn hơn có thể được đặt trên các công trình công sở, trường học, nhà máy. Thông qua các tính toán đưa ra kết quả khả quan về việc tiết kiệm chi phí điện hàng tháng, khả năng thu hồi vốn cho các khu vực kinh doanh cũng như hộ gia đình.

Về cơ chế DPPA, sự tách rời của đơn vị điều độ quốc gia A0 khỏi EVN, trở thành công ty độc lập trực thuộc Bộ Công Thương đã mở ra cơ hội mới về định hướng phát triển năng lượng tái tạo. Không chỉ vậy, Tập đoàn cũng xem xét nghiên cứu nhu cầu sử dụng điện mặt trời từ các đối tác tiềm năng như cụm công nghiệp, tòa nhà văn phòng hoặc các cơ quan nhà nước, từ đó sẽ mua lại các dự án khác trong Quy hoạch 8 được khuyến khích để phát triển cơ chế này.

sm14-7667.jpg
Điện mặt trời áp mái do Sao Mai Solar lắp đặt

Điện gió và các nguồn khác (Amoniac xanh, Hydrogen, Thủy điện tích năng): Thiết lập nền tảng vững mạnh

Sao Mai thể hiện rõ quan điểm trong việc định hướng phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi hoặc nguồn năng lượng mới sau năm 2030 - thời điểm mà Việt Nam bắt đầu có nhiều chính sách thuận lợi nhất để tiếp cận.

sm15-7965.jpg
Mở cơ chế đón tiềm năng mới, thủy điện tích năng - mảnh ghép của năng lượng tái tạo

Giai đoạn 2023-2030, với tổng công suất 14GW được phê duyệt, tập đoàn định hướng sẽ cố gắng thực hiện ít nhất là một nhà máy để làm nền tảng phát triển hệ sinh thái toàn diện cho giai đoạn đến năm 2050. Đồng thời các dự án điện gió chưa triển khai thi công nằm trong danh mục được hưởng giá chuyển tiếp là cơ hội để Tập đoàn có thể thực hiện trong thời điểm này bằng hình thức M&A.

Vận hành tạo vị thế tương lai

Với mục tiêu tăng tổng công suất nguồn điện lên 6.080,4MW đến năm 2050, Tập đoàn xác định kế hoạch phát triển chi tiết theo từng giai đoạn. Giai đoạn 2023-2025, tiếp tục tập trung cải tiến các dự án năng lượng hiện hữu, xây dựng bước đầu các dự án liên quan đến điện gió, dự kiến tổng công suất đầu tư đạt 110,4MW. Giai đoạn 2025-2030, sự tập trung chuyển vào phát triển thêm năng lượng điện gió trên bờ, gần bờ cùng với thủy điện tích năng (nếu khả thi), đầu tư dự kiến đạt mức 1.700MW.

Căn cứ kế hoạch dư địa phát triển của Quy hoạch điện 8, Tập đoàn chọn lựa phát triển tại các địa phương có điều kiện tốt nhất, thuộc vùng Tây Nguyên như Gia Lai, Đăk Lăk hay Nam bộ như Sóc Trăng, Trà Vinh. Đến giai đoạn 2030-2050, hướng đến sự phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời áp mái, điện gió ngoài khơi cùng các nguồn năng lượng mới, công suất dự kiến đạt 4.000MW. Tổng cộng tăng hơn 5.800MWp, kết hợp với nhà máy hiện có gồm An Hảo 210MWp và Europlast Long An 50MWp thì đạt yêu cầu.

Trong tầm nhìn xa hơn, không chỉ đang phát triển các dự án năng lượng tái tạo mà còn tạo nên một bản hòa nhạc xanh, đồng thanh với sứ mệnh quan trọng của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Từ việc triển khai thành công các Nhà máy điện mặt trời mặt đất và áp mái đến giấc mơ khám phá nguồn năng lượng mới, Sao Mai khẳng định cam kết của mình với một tương lai xanh rộn ràng đầy hứa hẹn.

Các tin khác