Sập bẫy ra nước ngoài làm “việc nhẹ, lương cao”

(ĐTTCO) - Tình trạng người dân bị các đối tượng thông qua mạng xã hội lôi kéo dụ dỗ đi làm “việc nhẹ, lương cao” ở nước ngoài diễn ra khá phức tạp.

 Nhiều trường hợp khi qua tới nơi làm việc thì bị đe dọa, nhốt, đánh đập, bắt ép phải gọi về cho người thân yêu cầu đưa tiền chuộc mới được về nước. Tuy nhiên, không ít người vì muốn đổi đời nên đã sập bẫy lừa đảo.

Công an lấy lời khai đối tượng tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Ảnh: CÔNG AN HÀ TĨNH

Công an lấy lời khai đối tượng tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Ảnh: CÔNG AN HÀ TĨNH

Lời cảnh tỉnh

 Ngày 7-6, ông N.V.H. (sinh năm 1969, ngụ tỉnh Phú Yên) là cha của N.T.T.N. (sinh năm 2006) tới Công an phường 13, quận Bình Thạnh (TPHCM) trình báo N. mất tích 1 tuần, sau khi từ tỉnh Phú Yên vào TPHCM để đi làm. 

Cục Cảnh sát Hình sự (C02), Bộ Công an đã vào cuộc phối hợp với các đơn vị truy tìm thiếu nữ trên. Gần 2 tuần sau, công an tìm thấy N. và bàn giao cho gia đình. Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định N. quen biết với 1 người lạ qua mạng xã hội. Người này cho biết đang tuyển dụng người làm việc tại Campuchia với mức lương cao, bao ăn ở miễn phí. Vì muốn kiếm tiền, N. đã bắt xe từ tỉnh Phú Yên vào TPHCM. Tới TPHCM, N. cùng một số cô gái khác được các đối tượng đưa sang Campuchia. Tại đây, N. cùng các cô gái bị giam lỏng trong căn phòng có người canh gác. Lo sợ, N. đã gọi điện thoại về gia đình để cầu cứu.

Tương tự, P.P.T. (sinh năm 1999, trú huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) và Đ.V.T. (sinh năm 2007, trú huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) bị một số đối tượng lừa, đưa sang tỉnh Sihanoukville (Campuchia) làm trong công ty do người Trung Quốc điều hành. Cả hai không hoàn thành chỉ tiêu theo yêu cầu nên bị các đối tượng phạt và yêu cầu liên hệ gia đình nộp từ 130 triệu đồng đến 150 triệu đồng mới được thả về Việt Nam. Gia đình các nạn nhân phải vay mượn, chuyển tiền theo yêu cầu thì P.P.T. và Đ.V.T. mới được về nước.

Tại nhiều tỉnh thành như Thanh Hóa, Long An…, tình trạng người dân bị lôi kéo đi làm “việc nhẹ, lương cao” ở nước ngoài diễn ra khá phức tạp. Nhiều trường hợp khi qua tới nơi làm việc do không đạt yêu cầu, làm thiếu chỉ tiêu được giao (chủ yếu là gọi điện thoại mạo danh công an, viện kiểm sát, tòa án… hù dọa người khác chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản, hay bị buộc làm việc ở các sòng bạc) nên phải cầu cứu gia đình nộp tiền chuộc để được thả về.

Cảnh giác trước cạm bẫy

 Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), Công an TPHCM, cho biết, thời gian qua, các đối tượng lợi dụng các trang mạng xã hội đã quảng cáo, tuyển chọn người qua Campuchia, Trung Quốc… làm việc hành chính với mức lương cao (800USD đến 1.000USD/tháng), bao ăn ở. Nhiều người ở các tỉnh thành, đa số có độ tuổi trẻ, xuất phát từ nhu cầu tìm việc làm đã nghe lời dụ dỗ nên di chuyển vào TPHCM, các tỉnh giáp biên giới. Tại đây, các nạn nhân được một số đối tượng đưa sang biên giới trái phép. 

Theo Đại tá Trần Văn Hiếu, khi qua tới nước ngoài, các đối tượng cho nạn nhân ký hợp đồng với các nơi có nhu cầu tuyển người lao động trong thời gian 6 tháng. Nếu nghỉ việc thì phải bồi thường mới được cho về nước. Sau khi đồng ý, nạn nhân làm các công việc như bán hàng online; phục vụ nhà hàng, làm việc trong các sòng bạc và các tổ chức lừa đảo (chẳng hạn như các app lừa đảo trên mạng xã hội) với mức lương thấp. Nhiều nạn nhân không hoàn thành công việc, chống đối thì bị đánh đập, không cho ăn uống. Khi họ đòi về thì bị yêu cầu phải trả tiền “đền bù” chi phí xuất cảnh, tiền ăn ở.

Trưởng Phòng PC02, Công an TPHCM, khuyến cáo, gia đình cần giải thích rõ nguy cơ cho con em, người thân… để không nghe theo lời dụ dỗ qua nước ngoài làm “việc nhẹ, lương cao”. Nếu người dân muốn lao động ở nước ngoài thì tìm các công ty có chức năng tuyển dụng hợp pháp để được đảm bảo quyền lợi, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bản thân. 

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu, Công an TPHCM, cho biết thêm, tình trạng tội phạm buôn bán người là vấn đề nhức nhối, được thế giới và Việt Nam quan tâm từ lâu. Các đối tượng phạm tội mua bán người thường lợi dụng sự nhẹ dạ của nạn nhân. Trong số những nạn nhân có phụ nữ, trẻ em, người có hiểu biết hạn chế, kinh tế gia đình khó khăn, thiếu việc làm, thanh niên ăn chơi đua đòi. Các đối tượng hứa hẹn giới thiệu việc làm có thu nhập cao, môi giới kết hôn, môi giới nhận con nuôi, cho đi du lịch; sau đó bán nạn nhân qua nước ngoài để trục lợi. Đặc biệt gần đây, khi mạng xã hội phát triển, các đối tượng làm quen, tiếp cận rồi hướng dẫn để các nạn nhân rơi vào bẫy mua bán người. Công an TPHCM đã chỉ đạo các lực lượng nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra xử lý cũng như hỗ trợ 
các nạn nhân.

Theo Công an TPHCM, hoạt động lôi kéo, dụ dỗ đưa người sang nước ngoài lao động là bất hợp pháp. Đặc biệt, hành vi lừa bán người vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến do người Trung Quốc, Campuchia làm chủ là hành vi vi phạm pháp luật. Điều 349 Bộ luật Hình sự quy định, người nào tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm; phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Các tin khác