Vương quốc Anh hiện chưa cắt giảm thâm hụt cơ bản đủ mạnh hay đủ nhanh, nên có thể sẽ sớm cần tới một gói ứng cứu từ các nước châu Âu khác, theo nhận định của nhà đầu tư nổi tiếng thế giới Jim Rogers trên CNBC.
![]() |
Nhà đầu tư Jim Rogers. (Ảnh: internet) |
Ông Rogers nói chính phủ liên minh của Anh cần mạnh tay hơn nữa để tránh một sự sụp đổ tài chính. “Họ (chính phủ) hiện không làm điều đó. Họ nói họ đang làm nhưng họ không làm. Họ nói đang tiết kiệm 1 tỷ bảng (1,6 tỷ USD) ở đâu đó nhưng họ không làm những gì thật sự cần và tôi không chắc chính phủ có thể trụ được. Làm sao Anh có thể trả được số nợ đang ngày một tăng? Anh sẽ sớm cần một gói ứng cứu. Các bạn có lợi thế là nợ chủ yếu thuộc loại dài hạn, nhưng phải hiểu là chính phủ chỉ có thể giữ các kế hoạch khắc khổ mạnh tay ở trên giấy thay vì triển khai chúng và bị dân chúng chỉ trích. Chính phủ khi đó sẽ đối mặt với thất cử và sẽ sụp đổ” - Rogers nói.
Bình phẩm của ông Rogers đưa ra vào lúc cử tri Anh đến nơi bầu cử lần đầu tiên kể từ cuộc tổng bầu cử hồi năm ngoái. Bầu cử đang được tổ chức khắp xứ Scotland, Wales và Bắc Ireland cũng như ở hơn 200 hội đồng địa phương khác. Cuộc bầu cử là thuốc thử đầu tiên cho các kế hoạch khắc khổ của chính phủ liên minh, vốn đang cắt giảm chi tiêu sâu nhất kể từ khi kết thúc thế chiến 2.
Phản bác
Nhưng các nhà phân tích ở Anh phản bác nhận định này, cho rằng các biện pháp ứng cứu xứ sương mù đang theo đuổi đã đủ mạnh. Hai nhà kinh tế được trọng vọng ở Anh nói nhận định của Rogers cho thấy ông thiết am hiểu kinh tế Anh.
“Tôi hoàn toàn phản đối ý kiến cho rằng các biện pháp khắc khổ hiện chưa đủ mạnh. Thực chất của vấn đề là hiện chúng ta đang siết tài chính tới 5% GDP vào lúc nền kinh tế đang phục hồi yếu ớt. Còn về chuyện Anh cần ứng cứu, điều đó cho thấy một sự không am hiểu nền kinh tế Anh. Nước Anh kiểm soát đồng tiền của chính họ, không phải là thành viên của đồng EUR, vì vậy tái cấu trúc nợ là chuyện sẽ không xảy ra” - Peter Dixon, kinh tế gia của Commerzbank, nói
Đã đủ khắc khổ
George Buckley, kinh tế trưởng tại Anh của Deutsche Bank, cũng bảo vệ những biện pháp khắc khổ của chính phủ. “Quan điểm đó quá lệch lạc. Câu trả lời thực sự là nếu bạn nhìn xem chính phủ đang cắt giảm tương đương 8,5% thâm hụt cấu trúc, chúng ta sẽ thấy nó mạnh tay hơn nhiều so với các lần cắt giảm trước đây. So sánh với thập niên 80 và 90 của TK trước với mức cắt giảm từ 7-7,5%, chúng ta thấy các biện pháp hiện nay đã đủ gai góc” - Buckley nói.
Cả 2 chuyên gia này cùng cảnh báo nếu cắt giảm thêm sẽ gọt đi tất cả tăng trưởng của nền kinh tế, mà họ cho rằng đang rất yếu ho tiêu dùng giảm vì các biện pháp khắc khổ hiện tại.
Dixon thêm rằng ông không thấy chính phủ liên minh bị đe dọa cả về niềm tin của giới đầu tư hay trong bầu cử.