Sau loạt thương vụ 'sang tay', PGBank đang nằm trong tay nhóm cổ đông nào?

(ĐTTCO) - Theo giới phân tích, việc Petrolimex thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) chỉ là động thái “sang tên” trên danh nghĩa. Bởi trên thực tế ngân hàng (NH) này từ lâu đang chịu sự chi phối của nhóm cổ đông lớn chứ không phải Petrolimex.
Sau loạt thương vụ 'sang tay', PGBank đang nằm trong tay nhóm cổ đông nào?

MSB có "dính dáng" gì tới PGBank?

Tại ĐHCĐ thường niên 2023 của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) tổ chức ngày 21-4, cổ đông của NH này đã bất ngờ bác tờ trình liên quan đến việc nhận sáp nhập 1 NH khác. Điều này cũng đồng nghĩa những tin đồn râm ran bấy lâu về thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) giữa MSB với PGBank đã chính thức chấm dứt.

Thực ra, trước ngày tổ chức ĐHCĐ, HĐQT của MSB đã nhiều lần bác bỏ thông tin NH này nhận sáp nhập PGBank. Tương tự, phía đại diện PGBank cũng đã từng không ít lần lên tiếng phủ nhận chuyện nhà băng này chuẩn bị sáp nhập, dù từng bị đánh giá là “cửa dưới”. Hiện vốn điều lệ của PGBank ở mức 3.000 tỷ đồng, không thay đổi trong nhiều năm qua và là một trong các nhà băng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống.

Đáng chú ý là việc MSB phủ nhận thông tin trên được đưa ra sau khi Petrolimex - cổ đông lớn duy nhất của PGBank - chào bán 120 triệu cổ phiếu (CP), tương ứng 40% vốn điều lệ tại PGBank với giá khởi điểm 21.300 đồng, thông qua phương thức đấu giá công khai tại HoSE vào ngày 7-4. Câu hỏi dư luận đặt ra là liệu có phải MSB thực sự không “dính dáng” gì đến PGBank?

Thực tế, việc Petrolimex buộc phải thoái vốn khỏi PGBank là điều có thể đoán được từ trước, bởi theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), mỗi một tổ chức chỉ được nắm giữ cổ phần tại 1 NH không quá 15% vốn điều lệ (trong khi Petrolimex nắm khoảng 40%). Thêm vào đó, việc thoái vốn của Petrolimex cũng nằm trong đề án “Cơ cấu lại tập đoàn giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2035”.

Đặc biệt, đề án này cũng nằm trong khuôn khổ đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”. Cũng vào thời điểm 2021, có nguồn tin cho rằng phía Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đồng ý với chủ trương và phương án thoái vốn của Petrolimex tại PGBank.

"Cá mập" muốn chi phối

Quay lại thương vụ thoái vốn của Petrolimex “đã được biết trước”, một số nguồn tin cho biết đã có nhiều “cá mập” muốn chi phối PGBank, bằng cách mua lại toàn bộ lô cổ phần số lượng lớn được cho là đang sở hữu bởi ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT MSB. Cũng cần nói thêm, từ năm 2020, đã có hàng loạt “người cũ” từ MSB chuyển sang điều hành tại PGBank.

Trên thực tế, cơ sở để giới tài chính nghi ngờ về mối liên hệ giữa MSB và PGBank là ông Trần Anh Tuấn và vợ là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư TNG Holdings Việt Nam. Bà Hường nguyên là đại biểu Quốc hội nhưng sau đó bị xóa tư cách Đại biểu Quốc hội khóa XIV, vì vi phạm Luật Quốc tịch khi nhập quốc tịch Cộng hòa Malta vào năm 2016.

Theo tìm hiểu của ĐTTC, TNG Holdings Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với PGBank, được giới thiệu là đơn vị liên kết, tương tự MSB. Mặt khác, trước đó MSB đã từng là cổ đông lớn tại PGBank. Sau đó, MSB đã từng bước rút vốn và đến nay đã không còn sở hữu cổ phần nào tại PGBank.

Việc MSB rút vốn cũng có thể xem là “cực chẳng đã”, bởi NHNN thời điểm ấy bắt đầu mạnh tay chấn chỉnh sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng nhằm tránh tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn sẽ thao túng, chi phối NH. Thậm chí, đã có lúc dư luận nghi ngờ, Petrolimex tuy là cổ đông lớn nhất, nhưng chưa hẳn đã là người “cầm trịch” tại PGBank trong thời gian qua.

Lộ diện nhóm cổ đông chi phối

Một điều khiến dư luận chú ý, trong phiên đấu giá 120 triệu CP PGBank ngày 7-4 của Petrolimex đang sở hữu là gần như không có sự cạnh tranh đáng kể, khi giá trúng bình quân chỉ nhỉnh hơn giá khởi điểm 100 đồng.

Kết quả đấu giá, có 4 nhà đầu tư (NĐT) trúng giá bao gồm 3 NĐT tổ chức và 1 NĐT cá nhân, với giá trúng thấp nhất là 21.400 đồng/CP và giá trúng cao nhất là 21.500 đồng/CP, giá trúng bình quân là 21.400 đồng/CP. Như vậy, Petrolimex đã thoái vốn thành công tại PGBank và thu về 2.568 tỷ đồng.

Trước đó, HoSE cho biết đã có 9 NĐT cá nhân và 7 tổ chức trong nước đăng ký tham gia đợt chào bán này. Theo nhận định của giới tài chính, việc gần 20 tổ chức và cá nhân đăng ký đấu và nộp đặt cọc, nhưng chỉ có 3 tổ chức và 1 NĐT cá nhân trúng với giá tăng không đáng kể với giá khởi điểm là điều cần được làm rõ.

Bởi với số lượng đặt mua gấp 1,7 lần số lượng CP đưa ra đấu giá, thì khó có thể xảy ra việc chỉ có 3 tổ chức pháp nhân và 1 cá nhân trúng đấu giá với mức giá tương đương giá khởi điểm. Những nghi ngờ này càng gia tăng khi mà ngay sau phiên đấu giá của Petrolimex, mã PGB liên tục được kéo tăng trong sự ngỡ ngàng của giới đầu tư.

Đến phiên giao dịch ngày 12-4, PGBank tăng chạm mốc 37.000 đồng/CP (tương đương mức tăng 80% trong vòng 1 tháng). Thậm chí, nhiều NĐT nghi ngờ mã CP này đang bị “thổi” giá để trục lợi. Theo giới thạo tin, sắp tới CP PGBank có thể có đợt sóng tăng lên mốc 40.000 đồng/CP.

“Trong bối cảnh thủ tục cấp phép, đăng ký thành lập NH đang rất khó khăn, thì việc thâu tóm NH nhỏ để tái cơ cấu, phát triển lại sẽ là giải pháp tối ưu. Rất có thể, thương vụ thoái vốn của Petrolimex khỏi PGBank, về bản chất cũng có thể xem là một cuộc “đổi vai”.

Diện mạo của PGBank thời gian tới sẽ ra sao phụ thuộc vào người “cầm trịch” mới ở NH này”- một chuyên gia tài chính lý giải về về thương vụ thoái vốn của Petrolimex.

3 tổ chức trúng thầu mua lại 120 triệu CP từ Petrolimex gồm: CTCP Quốc tế Cường Phát, CTCP Thương mại Vũ Anh Đức và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh. Điểm đáng chú ý là cả 3 NĐT này đều từng là “người cũ” hoặc dính dáng đến Thành Công Group.

Các tin khác