Sầu riêng…không bán tình duyên!

(ĐTTCO) - "Ai mua sầu riêng, có ai mua sầu riêng hãy dừng chân ghé quán em, em đây bán trái sầu riêng, nhưng em không bán tình duyên"... 
Câu hát của cô gái bán trái sầu riêng nghe vui tai nhưng cũng không khỏi làm tôi cảm thấy bùi ngùi, khiến tôi nhớ lại câu vọng cổ "hoa mua ai bán mà mua".

1.

Tích xưa kể rằng tên gọi của các loại cây trái đều do trời đặt. Nhưng có những cái tên không phải sinh ra do trời. Những cái tên gắn với những yêu thương rất đời, chỉ nghe đã thấy tình người ấm nồng, chỉ nghe đã thấy rất đỗi thân thương. Cũng như con người, cây có đời sống riêng, cốt cách riêng. Hiểu rồi sẽ yêu, sẽ trọng. Trân quý lắm.

Hồi chị em tôi còn nhỏ, cha tôi trồng quanh bờ rào rất nhiều mít. Tôi thuộc lòng vị trí từng cây mít dai, mít mật, cây nào quả múi to, múi dày… Đã trồng rồi cha tôi không bao giờ chặt dù cây mít quả không sai, gai không thưa, không ngọt... Cha nói cây có đời sống của cây, khi nào trật gốc vì bão, gãy cành vì mưa dông, hay chịu không nổi nắng mưa thì phận cây sẽ hết. Cho nên cây mít nào đến mùa ra trái cũng được mấy chị em tôi chào đón.
Lúc trái mít mới ra, mấy chị em thường bứt quả kẹ, chấm muối ăn. Chúng tôi, không biết được ai dạy nhưng cũng biết phân biệt, dái mít nào có da nhẵn màu xanh tươi sẽ đậu thành quả, dái mít nào có một lớp phấn trắng phủ bên ngoài, màu kém xanh về sau sẽ thúi. Ăn xong miệng đứa nào cũng như bị nút chặt, cười nói không thành tiếng vì dái mít chát xít, khiến giọng đứa nào cũng khê đặc.  Tụi trẻ con chúng tôi khều nhựa mít ở cuống quả để dính le ồ mỗi buổi trưa trốn cha, không ngủ. Khi mít chín là lúc hào hứng nhất. Mít thường chín rộ khi nắng mùa hè vào lúc chói chang nhất, gió nồm nam thổi mạnh nhất. Có thể phát hiện mít chín nhờ mùi thơm. Biết vậy nhưng thăm mít vẫn là một thú vui của bọn trẻ. Để xem mít đã gần chín chưa, với những quả trên cao phải dùng gậy gõ, hoặc trèo lên tận nơi để vỗ. Quả mít chín da sẽ căng, gai mít dãn thưa ra như quả na mở mắt, gõ gậy thấy bụp bụp, sờ mềm tay. Một quả mít chín cũng đủ mang hương thơm lan tỏa khắp vườn. 
Sầu riêng…không bán tình duyên! ảnh 1

2.

Khi nhỏ tôi vẫn ngỡ trái sầu riêng của miền Nam là trái mít, chỉ là tên gọi khác nhau như lê ki ma của miền Nam quê tôi gọi quả trứng gà, trái mận của miền Nam quê tôi gọi là quả doi mà thôi. Chưa bao giờ tôi thắc mắc nghi ngờ về sự riêng khác giữa sầu riêng và mít dù có tò mò về tên gọi. Câu chuyện tình yêu cảm động cũng không đủ khiến tôi nghĩ nhiều về sự đặc biệt của trái sầu riêng. Có chăng ấn tượng nhiều hơn và rồi hồi đó tôi cũng từng tưởng tượng ra sự ngọt ngào, thơm mát của một thứ quả ở miền xa. Để rồi lần đầu tiên được mắt thấy, tay sờ, được nếm thử tôi mới thực sự ngỡ ngàng.
Có phải khi người ta yêu, vì một nhẽ gì đó cảm xúc như tấm gương chỉ soi được từ một phía. Mọi cảm xúc bị chi phối bởi chỉ có sự nồng nàn của yêu thương mà thôi. Ai đó có thể thấy mùi hương của trái sầu riêng thật kỳ dị, ngậm vào miệng, thở ra mũi rồi lấy cớ gì đó mà hắt hủi sầu riêng. Người Nam bộ nói ăn sầu riêng nghĩ đến mùi gì sẽ thấy mùi ấy. 

Sầu riêng là thứ quả kén người thưởng thức. Có lẽ ngay từ khi ngắm nhìn những trái sầu riêng xếp ngay ngắn trong đôi quang gánh trên vai mềm của cô gái Nam bộ, khi dùng tay bửa trái sầu riêng và ngắm nhìn những múi sầu riêng vàng lịm, cho đến khi nhâm nhi vị ngọt đậm đà của sầu riêng, hãy đừng nghĩ gì khác ngoài tình yêu và lòng chung thủy. Có lẽ thưởng thức sầu riêng cũng nên chầm chậm như thưởng thức cốm Hà Nội, chậm rãi, khoan thai từng chút để vị sầu riêng thấm vào, yêu thương lan tỏa trong máu thịt ta... Vừa ăn vừa ngẫm nghĩ mới thấy vị sầu riêng đậm đà sâu lắng lắm.
Có thể, tôi đã cảm thấy muốn khóc chỉ là tôi cố gắng kiềm chế khi biết thêm những điều thật lạ về sầu riêng. Từ thân gỗ mảnh mai hơn nhiều so với thân cây mít, cây sầu riêng cho ra những chùm trái xum xuê. Không biết mỗi mùng năm tháng năm âm lịch tụi trẻ có phải phân công nhau như chị em tôi ngày trước đứa trèo trên cây đứa đứng dưới gốc, gõ gậy vào thân cây và hỏi: Sầu riêng, năm nay có ra quả không? Đáp rằng: Năm nay ra quả. Hỏi: Ra quả ra sao? Đáp rằng: Ra từ gốc đến ngọn, ra từ đầu cành đến cuối cành...

Đa số cây sầu riêng đều sai quả, quả mọc ra từ những cành khẳng khiu có khi thành từng chùm, màu quả vàng xanh từa tựa màu lá. Quả sầu riêng nhìn đã thấy gai góc, sờ tay càng cảm nhận gai góc hơn. Có lẽ sầu riêng là thứ cây đặc biệt nhất biết giấu đi để rồi đem đến nhiều sự bất ngờ và xúc động.
Trái sầu riêng không đẹp để người ta ngắm, không đáng yêu để người ta nâng niu, quả nào cũng sù sì, gai góc, sắc nhọn. Sầu riêng giấu mùi, giấu màu cho đến khi đủ chín không cho phép người ta tò mò thăm vỗ như quả mít. Trái sầu riêng đã chín sẽ tự rời cành, rụng xuống gốc vào ban đêm. Từ lúc này trái sầu riêng mới tỏa hương, gai mới thôi sắc nhọn để được tìm thấy, đưa về.

3.

Tự trong sâu thẳm lòng mình tôi cảm nhận sầu riêng thực sự có đời sống tâm hồn. Ngày đó, họ kết đôi từ trong hoạn nạn, bên nhau vượt qua khó khăn bằng những yêu thương. Cái nghĩa của người chồng, cái tình của người vợ khiến cái chết cũng không thể chia lìa. Trong thớ vỏ xù xì gai góc là ngọt lịm yêu thương, đâu cứ phải nồng nàn hương mới làm nên sự quyến rũ.
Tình riêng ai dễ gì hiểu được, cứ thầm kín mà bền lâu, chẳng mỹ miều mà đậm sâu, đó mới thực sự là thứ tình cảm muôn đời bất diệt. Nếu sầu riêng cũng giống như muôn vàn thứ hoa trái khác làm sao thêu dệt được bức họa về tình yêu và sự thủy chung luôn nhắc nhớ mọi người, đến muôn đời được vậy. Cho nên nhắc đến sầu riêng người ta dù thế nào cũng nhớ về một câu chuyện ấm áp tình người.
Giờ đến mùa trái chín, sầu riêng có mặt ở mọi miền đất nước như một thứ quà, một đặc sản. Nhưng hẳn không phải ai cũng biết về những điều đặc biệt chỉ có ở sầu riêng. Nếu hiểu cái hồn của sầu riêng ắt hẳn sẽ trân quý sự khiêm nhường của sầu riêng nhiều hơn. Sầu riêng đấy mà tâm tình tỏa lan lắm đấy.

Các tin khác