Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTB-XH) cho biết, tình hình rút (hưởng) BHXH 1 lần đang có xu hướng gia tăng. Trung bình mỗi năm có khoảng 700.000 người rút BHXH 1 lần, đồng nghĩa với tự ra khỏi hệ thống an sinh xã hội và con số này đã tăng lên tới gần 900.000 người trong năm 2022. Việc sửa đổi Luật BHXH năm 2014 là nhằm mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động.
Còn theo ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, những chính sách được đề xuất bổ sung, sửa đổi trong dự thảo Luật BHXH mới sẽ mở ra rất nhiều lựa chọn cho người lao động với độ mở cao. Chẳng hạn theo phương án 2 mà dự thảo luật đề xuất thì vẫn cho phép người lao động hưởng BHXH 1 lần (nhưng chỉ được hưởng một phần tối đa 50% tổng thời gian đã đóng) để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình nhưng vẫn được bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia BHXH khi tìm được công việc ở đơn vị mới và được “cộng nối” để hưởng chế độ khi đủ tuổi hưu.
“Có nghĩa là cơ quan BHXH sẵn sàng chờ đợi người lao động quay lại hệ thống an sinh xã hội khi quay lại thị trường lao động để sau này có lương hưu” - ông Lê Hùng Sơn nói và cho biết, khi thiết kế chính sách mới này, ban soạn thảo đã phải cân nhắc giữa những lợi ích trước mắt (giải quyết khó khăn của người lao động) và lợi ích lâu dài (đảm bảo lương hưu, trợ cấp xã hội cho người dân khi hết tuổi lao động). Đại diện BHXH Việt Nam đề nghị người lao động không nên rút BHXH 1 lần, đồng thời hy vọng việc đẩy mạnh tuyên truyền về những chính sách mới của dự thảo Luật BHXH sẽ ngăn chặn được trào lưu rút BHXH ồ ạt.