Thời gian gần đây, giá xăng dầu trên thế giới rất thất thường, đặc biệt là tăng giá nhiều. Do đó, ông Nguyễn Nam Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết theo nguyên tắc, giá xăng dầu thực hiện theo cơ chế thị trường nên giá thế giới tăng hay giảm thì giá trong nước cũng sẽ điều chỉnh tăng hay giảm.
Vì thế, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng thì giá xăng dầu trong nước cũng sẽ điều chỉnh tăng.
Tuy nhiên, theo ông Hải, mức độ và lộ trình tăng sẽ cân nhắc phù hợp, bởi vì xăng dầu là mặt hàng thuộc danh mục hàng bình ổn giá và liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Bên cạnh đó, theo ông Hải, giá xăng dầu quốc tế không tăng trực tiếp theo chỉ số giá cả hằng ngày của quốc tế mà nó còn thông qua giá giao dịch với các hợp đồng mua bán của các thương nhân quốc tế. Do đó, mức tăng của thế giới có ảnh hưởng đến giá cả xăng dầu trong nước, nhưng không phải ảnh hưởng đến mức hằng ngày cứ thế giới tăng thì trong nước cũng tăng ngay lập tức.
Theo Nghị định 84, Liên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm tính toán cùng các doanh nghiệp có liên quan sẽ trình Chính phủ phương án cụ thể. Và, việc điểu chỉnh giá xăng dầu trên cơ sở đảm bảo phù hợp giá thị trường, đảm bảo đơn vị kinh doanh không lỗ và góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đặc biệt là góp phần kiềm chế lạm phát.
Liên quan đến bức xúc của dư luận về vấn đề xăng có pha nước và một số tạp chất khác, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho biết, điều này gây mất an toàn cho người và ảnh hưởng đến các phương tiện. Do đó, Bộ Công Thương đã phân công các Cục, Vụ có liên quan để tìm hiểu kỹ vấn đề.
Riêng về các cây xăng trong TPHCM bị phát hiện có gian lận, UBND TP HCM đã có quyết định rút giấy phép kinh doanh của 9 cửa hàng và chuẩn bị rút giấy phép của 2 cửa hàng nữa. Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm, tùy theo mức độ, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.