Mùa đại hội cổ đông là quãng thời gian NĐT, cổ đông có thể quan sát động thái của các công ty đại chúng, qua đó đánh giá hiệu quả kinh doanh, minh bạch. Nhưng với một vài doanh nghiệp chưa niêm yết, làm ăn kém hiệu quả lại trở thành "điểm mù" trên thị trường, các cổ đông nhỏ lẻ cũng khó quan sát. Có thể lấy minh chứng qua CTCP Xuất Nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn - Seaprodex Sài Gòn (tạm gọi tắt là SS).
Bán hàng cho trả chậm
SS là thành viên chủ lực của Seaprodex (Tổng công ty thủy sản Việt Nam), là thương hiệu có bề dày lịch sử, nổi trội trong kinh doanh như thủy sản, sắt thép… Nhưng hiện nay nếu xem xét báo cáo tài chính (BCTC) của SS sẽ thấy nhiều vấn đề.
Trên BCTC năm 2012 đã qua kiểm toán của SS, Công ty Kiểm toán DFK nêu ý kiến: Vào thời điểm 31-12-2012, DFK chưa được bổ nhiệm là kiểm toán viên của SS nên không thể chứng kiến việc tiến hành kiểm kê thực tế quỹ tiền mặt, tài sản cố định, hàng tồn kho.
Do SS không niêm yết trên sàn, nên những vấn đề này cũng chỉ được biết trong một phạm vi có phần hạn hữu, cổ đông nội bộ biết nhau, cổ đông nhỏ lẻ có biết cũng chỉ "ngậm bồ hòn làm ngọt". |
Vấn đề bắt đầu gợi mở khi năm 2012 lợi nhuận của SS âm 23,63 tỷ đồng, trong khi năm trước đó còn lãi 25,68 tỷ đồng. Kinh doanh không hiệu quả rất dễ dẫn đến sự thiếu minh bạch hoặc công tác kế toán có vấn đề.
Tính đến thời điểm 31-12-2012, vốn điều lệ của SS đạt 96 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả 235 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần vốn điều lệ. Cơ cấu nợ/vốn như vậy không có gì lạ với các doanh nghiệp thương mại, nhất là trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, nhưng mấu chốt là xoay vòng, bảo toàn được vốn vay. Vậy SS có làm tốt điều này hay không?
Mặc dù Seaprodex nói chung hay SS nói riêng có hoạt động cốt lõi ban đầu liên quan đến xuất khẩu thủy sản, nhưng với trường hợp của SS, công ty còn kinh doanh các mặt hàng khác như vật tư, sắp thép, hạt nhựa...
Với một đơn vị không thể trực tiếp nhập khẩu thép hay hạt nhựa, rõ ràng SS sẽ được nhờ cậy để làm công tác ủy thác nhập khẩu, đây cũng chính là lợi thế. Nhưng sử dụng lợi thế của mình thế nào cho hiệu quả lại là chuyện khác.
Cuối năm 2012, SS có 2,68 tỷ đồng tài sản khách hàng thiếu nợ chờ xử lý. Đáng chú là trong số này có 74,25 tấn hạt nhựa HDPE, trị giá 2,29 tỷ đồng gửi tại kho Tân Đỉnh Phong bị mất và SS đang tiến hành các thủ tục khởi kiện liên quan đến vụ việc này.
Một điều dễ thấy là dù khởi kiện thành công, đòi được tiền SS cũng phải chịu ảnh hưởng, bởi yêu cầu đặc thù của công tác này mất thời gian, trong khi đó giá cả nguyên vật liệu biến động từng ngày, dẫn đến công ty có thể bị lỡ kế hoạch kinh doanh.
Trên thuyết minh BCTC năm 2012, SS cũng liệt kê có khoản phải thu với Công ty TNHH SX và TM XNK Tân Đỉnh Phong số tiền gần 3,5 tỷ đồng. Xâu chuỗi 2 sự kiện này có thể thấy, SS bán hàng trả chậm cho Tân Đỉnh Phong, xong lại còn gửi hàng tại kho của công ty này và dẫn đến… mất luôn cả hàng. Công tác kiểm soát bán hàng, đánh giá khách hàng, bạn hàng của SS rõ ràng có vấn đề. Đây rõ ràng là điều không đáng có với một đơn vị thương mại thuộc hàng “cựu trào” trên thị trường như SS.
Mua hàng ứng tiền trước cũng chậm thu hàng
Với trường hợp của Tân Đỉnh Phong, SS bán hàng nhưng lại chậm thu tiền, còn trong hoạt động kinh doanh cà phê SS lại có hành động ngược lại khi ứng tiền trước nhưng cũng lại… chậm thu tiền. Trên thuyết minh của BCTC đã qua kiểm toán 2011 của SS đã liệt kê khoản trả trước người bán cho công ty Hoàng Đạo với số tiền 37,8 tỷ đồng, khoản tiền này chiếm hơn 1/3 vốn điều lệ của công ty.
Đến cuối năm 2012, khoản trả trước người bán của SS với Hoàng Đạo vẫn còn hơn 30 tỷ đồng. Được biết, Hoàng Đạo là một công ty kinh doanh cà phê, giả sử SS trả trước cho Hoàng Đạo có thể được ưu tiên để có thể đảm bảo nguồn hàng, giá cả nhằm có hàng phục vụ xuất khẩu.
|
Trụ sở Seaprodex tại TPHCM. |
Vấn đề cần xem xét ở đây là khả năng Hoàng Đạo đảm bảo nguồn hàng cho SS như thế nào? Nhưng dựa trên số liệu BCTC không rõ khoản trả trước của SS dành cho Hoàng Đạo từ năm 2011 và năm 2012 có liên quan gì đến nhau hay không?
Trường hợp nếu không liên quan, có nghĩa năm 2011 SS trả tiền trước và Hoàng Đạo giao hàng; năm 2012 lại lập ra một đơn hàng khác và SS cũng trả tiền trước như năm 2011 thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu có liên quan đến nhau “câu chuyện” sẽ phức tạp hơn nhiều.
Trường hợp có liên quan, có nghĩa từ năm 2011 đến năm 2012, con số giảm từ 37,8 tỷ đồng xuống hơn 30 tỷ đồng, như vậy Hoàng Đạo mới chỉ giao hàng cho SS số tiền tương đương 7,8 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc vốn của SS bị chôn tại công ty này.
Cứ theo trường hợp này hàng loạt câu hỏi sẽ được đặt ra: Tại sao một đơn vị tầm cỡ như SS lại tập trung nguồn hàng với số tiền lớn tại đơn vị như Hoàng Đạo? Công tác quản trị dòng tiền, hàng hóa như thế nào? Bởi lẽ vốn của SS như đã nói ban đầu có nhiều vốn vay, vốn càng chậm thu hồi, vòng quay càng chậm, khả năng phải trả lãi vay càng lớn.
Qua cả 2 mối liên hệ giữa SS và Tân Đỉnh Phong cũng như Hoàng Đạo, có thể thấy cách kinh doanh của SS luôn tạo ra nhiều “ưu đãi” cho đối tác: Khi mua hàng thì ứng tiền trả trước cho nhà cung cấp, còn khi bán hàng lại cho trả chậm.
Trong khi SS đâu phải “đại gia” về vốn, mà phải đi vay, còn khả năng thanh toán và chất lượng kinh doanh của các đối tác lại có vấn đề. Với “chính sách ưu đãi” này, một người bình thường nhìn vào cũng dễ dàng nhận ra rủi ro kinh doanh của SS lớn thế nào, cụ thể là rủi ro mất vốn.