Tình trạng này khiến người dân không khỏi lo lắng về việc mất an toàn thực phẩm (ATTP) học đường.
Nguy cơ mất an toàn cao
Theo Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 8-2020, cả nước đã xảy ra 57 vụ NĐTP, khiến 1.574 người bị ngộ độc, trong đó 19 người tử vong. Còn theo Bộ Y tế, tính đến tháng 6-2020, cả nước ghi nhận 48 vụ làm hơn 824 người nhập viện điều trị, so với cùng kỳ năm 2019, tăng 11 vụ (29,7%) và số ca tử vong tăng tới 17 người. Từ đầu năm 2020 tới nay, dù số lượng các vụ ngộ độc không nhiều nhưng số người bị ngộ độc phải nhập viện điều trị và tử vong lại rất lớn, cho thấy tình trạng ngộ tập thể vẫn diễn ra phức tạp.
Qua phân tích các vụ NĐTP được ghi nhận trong thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) làm rõ, nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 38,7%), tiếp đến là do độc tố tự nhiên (chiếm 28,4%), hóa chất (chiếm 4,2%).
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, cho biết, hiện nay tình hình ATTP tại các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, trường học vẫn đang là một mối lo lớn. Nguyên nhân chính vẫn là do ý thức chấp hành quy định pháp luật của người sản xuất kinh doanh không cao, vì lợi nhuận mà sẵn sàng làm trái. Cùng với đó, còn một bộ phận không nhỏ cơ sở có nhu cầu, chấp nhận sử dụng thực phẩm giá rẻ, không đảm bảo an toàn. Hơn nữa, nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể rất đa dạng, khó kiểm soát triệt để và không đảm bảo an toàn. Trong khi đó, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện sản xuất thủ công.
Thống kê của Cục ATTP cho thấy, trong hơn 500.000 cơ sở sản xuất thực phẩm trên cả nước thì 85% là những cơ sở quy mô nhỏ, hộ gia đình. Qua kiểm tra, không ít cơ sở sản xuất chỉ là một căn phòng nhỏ vừa dùng làm nơi ở vừa làm nơi chế biến.
“Khoảng 70% số vụ NĐTP ở các bếp ăn tập thể là do sử dụng suất ăn công nghiệp, suất ăn chế biến sẵn, từ nơi khác vận chuyển đến, không được bảo quản tốt”, ông Nguyễn Thanh Phong thông tin.
Còn theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM, toàn thành phố có 1.620 bếp ăn tập thể, 318 cơ sở suất ăn sẵn, 883 căn tin phục vụ học sinh trong các trường học. Tuy nhiên, lo ngại nhất vẫn là những bữa ăn xế, đa số các trường chọn thực phẩm cho học sinh thường là bánh, sữa, chè... (những loại thực phẩm này càng dễ bị ôi thiu trong thời tiết nắng nóng như hiện nay).
“Trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ NĐTP, ban cũng đã khuyến khích phụ huynh tham gia vào việc giám sát công tác bảo đảm ATTP tại các trường. Nhiều trường học trên địa bàn thành phố cũng đã tạo điều kiện để phụ huynh học sinh tham gia giám sát, quản lý bếp ăn. Đây là việc làm cần thiết, tăng thêm lực lượng ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm an toàn tuồn vào trường học. Nhưng thực tế, việc kiểm tra, giám sát bữa ăn học đường ở nhiều nơi vẫn mang tính hình thức, thiếu khách quan. Liệu đơn vị cung cấp thực phẩm có cung cấp đúng thực phẩm bảo đảm an toàn, đạt tiêu chuẩn như cam kết với nhà trường và gia đình hay không thì phụ huynh không thể biết được”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay.
Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra
Theo lãnh đạo Cục ATTP, để ngăn chặn các vụ NĐTP xảy ra ở các bếp ăn tập thể, cục đã yêu cầu các địa phương bố trí cán bộ, lực lượng chuyên trách nắm chắc cơ sở cung cấp thức ăn sẵn, xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát phù hợp đối với từng bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, nếu chỉ thanh tra, kiểm tra, xử phạt thôi là chưa đủ mà cần đẩy mạnh truyền thông thay đổi nhận thức và quan trọng không kém là cần nghiên cứu, đề xuất chính sách can thiệp về giá thành tối thiểu, khuyến cáo định mức dinh dưỡng của một suất ăn sẵn cho công nhân, học sinh.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo, với nguồn thực phẩm không bảo đảm, quy trình chế biến, bảo quản chưa an toàn cùng với thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến nguy cơ NĐTP, bệnh truyền qua thực phẩm tăng cao. Do vậy, việc bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể cần phải nghiêm ngặt vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe của rất nhiều người.
Bảo mẫu tại bếp ăn tập thể một trường học trên địa bàn TPHCM chuẩn bị suất ăn trưa cho học sinh. Ảnh: THÀNH AN
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Ban Quản lý ATTP TPHCM và Sở GD-ĐT TPHCM đã ký kết kế hoạch liên tịch về việc bảo đảm ATTP tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP, khuyến khích thực phẩm đưa vào trường học phải được cung cấp từ các cơ sở nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của thành phố, hoặc cơ sở đạt các chứng nhận HACCP, ISO 22000:2005, VietGAP, GlobalGAP. Tất cả các bếp ăn được nấu tại trường, cũng như những đơn vị nấu nơi khác đến và cung cấp thức ăn vào trường (đơn vị chế biến suất ăn sẵn), đều phải tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP, kể cả quy định về nguyên liệu thực phẩm đạt chuẩn.
Các đơn vị chế biến suất ăn sẵn còn phải tuân thủ quy trình vận chuyển thức ăn đến trường bảo đảm an toàn. Với môi trường giáo dục và với đối tượng phục vụ là các em học sinh, thì các trường học đừng nên để có vi phạm rồi mới xử lý. Công tác bảo đảm ATTP phải được thực hiện nghiêm túc, kiên trì, thường xuyên, liên tục và mạnh tay xử lý theo Nghị định 115 của Chính phủ.
Tổ chức hội phụ huynh học sinh hãy cùng giám sát chất lượng bữa ăn của con em mình tại trường học, nếu có gì hãy gọi vào đường dây nóng của Ban Quản lý ATTP (số 028.3930.1714) để được xử lý kịp thời.
Liên quan đến vụ việc nhiều giáo viên, học sinh học sinh Trường Tiểu học Bình Trưng Đông (quận 2, TPHCM) phải nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn xế tại trường, đến sáng 14-9, Bệnh viện Quận 2 cho biết, số người nhập viện đã lên đến con số 57 người, trong đó có 2 giáo viên. Tất cả các em đã ổn định về sức khỏe, 4 người được xuất viện, số còn lại đang được tiếp tục theo dõi. |