Siết cơ chế quản lý giá

Bước sang tháng 9, giá cả hàng hóa trên thế giới có sự biến động mạnh khiến các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas… tăng mạnh, dẫn đến hàng loạt hàng hóa rục rịch tăng giá. Tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nhưng cơ chế quản lý giá vẫn chưa được điều chỉnh phù hợp để kiểm soát giá hợp lý, gây thiệt thòi cho người dân.

Bước sang tháng 9, giá cả hàng hóa trên thế giới có sự biến động mạnh khiến các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas… tăng mạnh, dẫn đến hàng loạt hàng hóa rục rịch tăng giá. Tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nhưng cơ chế quản lý giá vẫn chưa được điều chỉnh phù hợp để kiểm soát giá hợp lý, gây thiệt thòi cho người dân.

Tăng ngoài kiểm soát

Từ ngày 1-9, mặt hàng gas đã được điều chỉnh tăng khá mạnh, tăng 51.000 đồng lên mức 418.000-420.000 đồng/bình 12kg. Lý do điều chỉnh giá được các DN giải thích vì giá nhập khẩu gas trên thế giới đã tăng thêm 175USD/tấn so với tháng 8 và hiện đạt mức 950USD/tấn.

Mức giá mới này được tính toán trên cơ sở giá nhập khẩu và các khoản chi phí để đưa sản phẩm ra thị trường. Ngoài ra, việc giá xăng dầu tăng thêm 650 đồng/lít vừa qua đã đẩy cước vận tải của các hãng taxi tăng lên 1.000 đồng/km.

Theo các hãng taxi, việc tăng giá cước là hợp lý vì nhiên liệu đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh, do vậy, nếu xăng dầu biến động mạnh, DN buộc phải tăng giá để tránh thua lỗ.

Thị trường tiêu dùng cũng đang đón nhận một mặt bằng giá mới từ các mặt hàng thực phẩm. Theo khảo sát, các loại rau củ quả đang có sự biến động mạnh, tăng từ 5.000-15.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Hồng Minh, chủ một cửa hàng rau xanh tại chợ Bà Chiểu, cho biết giá rau củ quả tăng mạnh vì thời tiết không ổn định, mưa nhiều khiến rau củ hư hại vì ngập úng.

Thêm vào đó, do giá xăng dầu tăng nên giá cước vận chuyển hàng hóa cũng tăng lên khoảng 5-10% so với với trước đây, buộc tiểu thương phải điều chỉnh giá tăng theo nếu không sẽ lỗ nặng. Song song đó, các DN sản xuất hàng tiêu dùng đang kiềm giữ giá vì sức mua yếu cũng cho biết nếu mặt bằng giá cả có sự biến động, họ cũng phải tính đến chuyện tăng giá để giảm lỗ.

Thông thường, giá sản phẩm chịu sự chi phối của quan hệ cung cầu trên thị trường. Song, người tiêu dùng ở Việt Nam không quyết định được giá cả do sức mua còn quá nhỏ, chưa đủ tác động đến giá cả hàng hóa. Do đó, việc chi phối giá cả đang nằm trong tay các DN sản xuất và phân phối. Các DN này lại phụ thuộc vào các yếu tố khác như giá điện, nước, xăng dầu…

Trong thời gian qua, nhiều DN đã phải gồng mình chịu lỗ để kiềm giữ giá nhưng các loại chi phí đầu vào lại không hề giảm nên họ đành phải tăng giá để bù đắp thiệt hại. Bên cạnh đó, nhiều DN nhận định rằng với các mặt hàng thiết yếu có tác động mạnh đến đời sống xã hội và kinh tế như xăng dầu, gas, Nhà nước tuy quản lý từ khâu nhập khẩu đến nguồn ngoại tệ, giám sát nhà sản xuất và đơn vị phân phối, nhưng trên thực tế, cơ quan quản lý giá lại chưa nắm đầy đủ các thông tin về giá trong hệ thống phân phối sản phẩm, nên hàng hóa dễ dàng tăng giá theo ý của một số DN đầu mối.

Bất cập cơ chế

Theo ông Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), cơ chế quản giá hiện nay đang bất hợp lý ở chỗ Nhà nước can thiệp nhưng không tính đến cơ chế thị trường đầy đủ. Theo cơ chế chế thị trường, Nhà nước chỉ có quyền chỉ định các sản phẩm độc quyền còn giá cả do DN và người tiêu dùng định giá.

Tuy nhiên, ở nước ta các loại hàng hóa đều có mức tăng giảm không phù hợp với giá thế giới vì các chính sách điều tiết nhằm cân đối nguồn thu của Nhà nước và mục tiêu kiềm chế lạm phát như chính sách thuế.

Mua rau, củ quả bình ổn giá tại siêu thị. Ảnh: THANH TÂM

Mua rau, củ quả bình ổn giá tại siêu thị. Ảnh: THANH TÂM

Do vậy, DN nhập hàng giá không cao nhưng sau khi đóng thuế thì lại đội giá lên cao. Nếu tiếp tục quản lý giá bằng biện pháp hành chính sẽ gây ra sự bất hợp lý mà cần phải tính toán dài lâu về quan hệ cung cầu giữa DN và người tiêu dùng. Dù Nhà nước chỉ định giá một số sản phẩm độc quyền, song nếu giảm bớt độc quyền, cho nhiều DN tham gia vào, giá cả thị trường sẽ có tính cạnh tranh hơn.

Ở các nước trên thế giới, mức độ can thiệp của Nhà nước chỉ dừng lại ở chế tài xử lý các DN vi phạm, còn người tiêu dùng đóng vai trò quyết định về giá. Khi người tiêu dùng không hài lòng về mức giá, họ sẽ phản ứng ngược lại hoặc không mua hàng với mức giá không hợp lý và điều này có tác động đến DN. Nhưng muốn làm được vậy, Nhà nước cần có các quy định cụ thể, rõ ràng về mặt pháp luật để quản lý giá.

Cho đến nay, những vấn đề quản lý và bình ổn giá trong dự thảo Luật Giá vẫn còn nhiều rối rắm và bất cập gây tranh cãi. Khi lấy ý kiến cho Nghị định về thẩm định giá và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá, nhiều kiến nghị đưa ra với mong muốn giá cả hàng hóa được xây dựng trên cơ sở phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để loại bỏ tình trạng tự do quyết định giá cả, nhất là đối với những mặt hàng độc quyền để đi đến một môi trường cạnh tranh về giá cho người tiêu dùng có sự lựa chọn.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng hiện nay phần lớn hoạt động thẩm định giá trên thị trường còn tùy tiện do chưa có một khung giá cụ thể để DN cạnh tranh trong khuôn khổ. Trong khi đó, dự thảo Luật Giá chỉ mới nói đến thẩm quyền giá nhưng không đề cập đến việc bình ổn mặt bằng giá cả trên thị trường dù đây là yếu tố có tác động quan trọng đến việc điều hành kinh tế vĩ mô.

Do vậy, Cục Quản lý giá cần phải thành lập một đội ngũ thanh tra chuyên ngành về giá được trang bị kiến thức và có quyền quyết định, chấn chỉnh, xử lý vi phạm về các vấn đề giá cả chứ không nên gộp chung vào bộ phận thanh tra chung của Bộ Tài chính để việc quản lý giá được thực hiện tốt hơn.

Các tin khác