Siết kỷ cương ngân sách

Dù là vấn đề quan trọng, nhưng tại phiên thảo luận tại Quốc hội cuối tuần trước về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011, chỉ vỏn vẹn 6 ý kiến phát biểu. Có lẽ, như lời Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc, đây “là vấn đề có chuyên môn sâu” nên rất khó cho đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận.

Dù là vấn đề quan trọng, nhưng tại phiên thảo luận tại Quốc hội cuối tuần trước về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011, chỉ vỏn vẹn 6 ý kiến phát biểu. Có lẽ, như lời Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc, đây “là vấn đề có chuyên môn sâu” nên rất khó cho đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận.

Tuy nhiên, dù không thể đánh giá sâu sắc về vấn đề ngân sách, hầu hết ĐBQH khi đọc số liệu từ báo cáo kiểm toán hay báo cáo quyết toán ngân hàng đều rất tâm tư.

Đại diện cho quyền lợi và tiếng nói của nhân dân, các ĐBQH yên tâm sao được khi ngân khố quốc gia, chủ yếu hình thành từ nguồn thuế của dân, liên tục được sử dụng không hiệu quả, kỷ luật ngân sách bị buông lỏng trong khi nỗi lo lắng về áp lực nợ công ngày càng tăng.

Trong một phiên thảo luận tuần trước, chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, đã phải thốt lên chưa thấy nơi nào kỷ cương ngân sách lỏng lẻo như Việt Nam, dự toán mấy trăm ngàn tỷ đồng nhưng khi quyết toán lên đến cả triệu tỷ đồng.

Năm 2011, thu ngân sách vượt tới 126.804 tỷ đồng (21,3%) so với dự toán, nhưng theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, số vượt thu này chủ yếu vì khách quan, chiếm tỷ trọng lớn do giá cả tăng (CPI năm 2011 tăng tới 18,13%).

Số tăng thu quá lớn cũng thể hiện công tác lập dự toán chưa sát, dự toán thu mang tính “an toàn” và việc dự báo chưa tốt, đã ảnh hưởng nhất định tới công tác chỉ đạo, điều hành NSNN. Đây là hạn chế Quốc hội đã có ý kiến nhưng chưa khắc phục được.

Đáng lo ngại hơn là kỷ luật trong điều hành chi ngân sách. Trong bối cảnh năm 2011 phải thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, vừa phải tiết kiệm chi thường xuyên, vừa phải cắt giảm đầu tư công, nhưng tổng chi cân đối NSNN vẫn tăng lớn (61.954 tỷ đồng), vượt 8,5% so với dự toán, trong đó chủ yếu do tăng chi đầu tư phát triển (56.306 tỷ đồng).

Kết quả kiểm toán tại 28 địa phương có tới 23 địa phương chi vượt dự toán, trong đó 13 địa phương vượt chi tới 30%. Chi tăng nhưng số dự án triển khai dở dang, chậm tiến độ khá nhiều, gây lãng phí, khối lượng nợ đọng đầu tư xây dựng tăng cao, các vi phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) xảy ra ở tất cả các khâu, từ quy hoạch đến quyết toán công trình; hiệu quả chi đầu tư XDCB hạn chế, gây thất thoát, lãng phí lớn cho NSNN.

Có lẽ không sai khi có ĐBQH cho rằng những kẽ hở trong quản lý ngân sách do kỷ cương không nghiêm chính là “mảnh đất để tham nhũng, tiêu cực phát triển”.

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng khó khăn, cân đối ngân sách đứng trước nhiều áp lực do các nguồn thu đều giảm, việc thiết lập kỷ luật ngân sách để bảo đảm nguồn lực phát triển của quốc gia là vấn đề cấp bách đang được đặt ra.

Quyết toán NSNN năm 2011 dù là “bàn chuyện về số tiền đã thu rồi, tiêu rồi” - như lời của một số ĐBQH - nhưng lại có ý nghĩa quan trọng cho việc điều hành cân đối NSNN những năm sau. Trên thực tế, nhiều sai phạm tài chính đã được Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị xử lý. Nhưng đến 31-12-2012 mới thực hiện 71,62% tổng số kiến nghị xử lý về tài chính.

Sai phạm trong chi đầu tư XDCB chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số kiến nghị xử lý tài chính, nhưng tỷ lệ thực hiện thấp nhất (chỉ đạt 50,9%). Bức xúc trước thực tế này, có ĐBQH cho rằng trong 2 năm còn lại của kế hoạch 5 năm 2011-2015, cần có “một cuộc cách mạng về kỷ luật ngân sách”.

Nói như vậy là thể hiện trách nhiệm rất cao của ĐBQH trước việc sử dụng tiền thuế của dân, nhưng để làm được là điều không dễ dàng.

Theo nhiều chuyên gia, những bất cập trong quản lý và sử dụng ngân sách sẽ không giải quyết được nếu không sửa Luật Ngân sách Nhà nước, các luật liên quan đến quản lý đầu tư. Hiện có 2 vấn đề lớn cần xử lý trong Luật Ngân sách Nhà nước là tính lồng ghép của hệ thống ngân sách và sự phân tán của ngân sách, làm giảm tính chủ đạo và chủ động của ngân sách trung ương.

Tuy nhiên, đến nay việc sửa đổi đạo luật quan trọng này đang trong giai đoạn khởi thảo, dự kiến đến cuối khóa XIII mới chính thức trình Quốc hội xem xét.

Trong khi đó, dù đã sửa đổi nhiều quy định pháp luật đi đôi với tăng cường quản lý, tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng, thất thoát trong XDCB vẫn như “bài ca muôn thủa” từ nhiều năm nay. Xem ra, việc thiết lập lại kỷ cương ngân sách, dù rất cấp bách, vẫn phải vượt qua nhiều chặng đường dài trước mắt.

Các tin khác